Những yếu tố tiềm ẩn khiến Trung Đông chìm trong bất ổn
Sự sụp đổ một phần hoặc hoàn toàn của các thiết chế nhà nước ở Trung Đông đang khiến bất ổn gia tăng và có nguy cơ lan rộng trong khu vực.
Ngày 19/9, câu lạc bộ Valdai đã công bố một báo cáo mới có tên "Trung Đông trong thời điểm khó khăn: Cơn ác mộng từ quá khứ và những thách thức trong tương lai", trong đó phân tích những nhân tố dẫn đến bất ổn trong khu vực.
Báo cáo này được soạn thảo bởi đội ngũ các chuyên gia Trung Đông của Viện Nghiên cứu phương Đông, thuộc Viện khoa học Nga, dưới sự chủ trì của Giám đốc Viện Nghiên cứu phương Đông Vitaly Naumkin.
Các tác giả của báo cáo chỉ ra rằng, cuộc cách mạng Mùa Xuân Arab khởi phát tại Trung Đông cách đây 6 năm đang đặt ra những thách thức an ninh đối với một khu vực rộng lớn. Những yếu tố dẫn tới sự mất ổn định này bao gồm sự suy yếu hoặc sụp đổ của các thể chế nhà nước; các cuộc chiến đẫm máu, leo thang và lan sang các vùng lãnh thổ lân cận; các cuộc khủng hoảng nhân đạo và sự lây lan của chủ nghĩa khủng bố.
Thật không may, sự can thiệp của các thế lực bên ngoài vào công việc nội bộ của các nước ở khu vực Trung Đông đã không mang lại kết quả như mong muốn mà nó còn làm suy yếu cấu trúc an ninh tại khu vực này. Kết quả là toàn bộ khu vực Trung Đông đã chìm trong bất ổn so với thời điểm trước năm 2011.
Những yếu tố gây mất ổn định ở khu vực Trung Đông
Theo bà Irina Zvyagelskaya, chuyên viên nghiên cứu cấp cao của Trung tâm nghiên cứu Arab và Hồi giáo thuộc Viện Nghiên cứu phương Đông (Nga), một trong những yếu tố gây mất ổn định chính đối với tình hình hiện nay ở khu vực Trung Đông là việc tăng cường bản sắc tôn giáo thay vì bản sắc nhà nước. Điều này có thể dẫn đến xu hướng nguy hiểm là phi thế tục hóa [xu hướng Hồi giáo hóa trở lại - ND].
Việc phi thế tục hóa có thể dẫn đến việc suy giảm lòng tin đối với các thiết chế của nhà nước cũng như làm xói mòn quyền lực của nhà nước từ trên xuống dưới và làm mất tầm ảnh hưởng của nhà nước đến người dân.
"Các quốc gia đang chìm trong tình trạng khủng hoảng bởi những mâu thuẫn nội tại ngày một phát triển trong lĩnh vực tôn giáo, sắc tộc... Điều này cũng dẫn đến sự yếu kém của các thiết chế nhà nước cũng như sự tin tưởng của người dân vào nhà nước dần mất đi ", bà Irina Zvyagelskaya nhận định.
Sự sụp đổ một phần hoặc hoàn toàn của các thiết chế nhà nước ở Libya, Yemen và Syria là minh chứng sinh động về những nỗ lực nhằm ảnh hưởng đến tình hình từ bên ngoài đã thất bại. Hậu quả tất yếu của nó là sự gia tăng bất ổn và khiến cuộc khủng hoảng lan rộng ra trong khu vực. Tình hình hiện nay ở Sudan và gần đây là âm mưu đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ là minh chứng cho thấy cuộc khủng hoảng ở Trung Đông đang lan rộng và xa hơn, Giám đốc Viện Nghiên cứu phương Đông Vitaly Naumkin lập luận.
Theo các chuyên gia, một yếu tố quan trọng nữa là sự cân bằng quyền lực truyền thống tại khu vực Trung Đông đã có sự thay đổi. Tam giác quyền lực Arab truyền thống là Ai Cập - Syria - Iraq đã mất dần sự ảnh hưởng tại khu vực, trong khi các quốc gia phi Arab là Iran - Thổ Nhĩ Kỳ - Israel ngày càng mạnh hơn. Thế giới Arab hiện bị chia rẽ sâu sắc tạo ra sự cạnh tranh giữa các quốc gia Arab cũng như các cuộc đấu đá giữa các dòng phái.
Cuộc đối đầu hiện nay giữa Iran và Saudi Arabia (thường được mô tả như một cuộc đối đầu giữa hai dòng Hồi giáo Sunni và Shiite) là trọng tâm chú ý của khu vực vì nó trải dài từ Iraq, Syria, Lebanon, Yemen và Bahrain. Cuộc đối đầu này đang làm tình hình thêm mất ổn định và gia tăng nguy cơ đối với toàn bộ khu vực. “Nếu cuộc đối đầu giữa Iran - Saudi Arabia được giải quyết thì đây sẽ là chìa khóa để giải quyết các vấn đề ở Trung Đông”, ông Naumkin lưu ý.
Vai trò của Nga tại Trung Đông
Kể từ khi Nga - quốc gia ủng hộ chính quyền của Tổng thống al-Assad - trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột ở Syria vào cuối năm 2015, nhiều người đã bắt đầu nói về sự trở lại của Nga tại khu vực này cũng như ảnh hưởng của Nga tại đây. Tuy nhiên, các chuyên gia lại có sự đánh giá khác nhau về vai trò của Nga tại Trung Đông.
Ông Vitaly Naumkin và các đồng tác giả của báo cáo Valdai cho rằng, sự can thiệp của Nga ở Trung Đông đang dần ổn định và nó đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố.
Theo ông Hay Yanarocak - chuyên gia nghiên cứu về Trung Đông và châu Phi tại Trung tâm Dayan Moshe, Đại học Tel Aviv, Israel: "51% thành công của Nga trong khu vực đến từ sự thụ động của ông Obama trong chính sách đối với Syria. Ông Obama đã đánh mất sự tin tưởng và khả năng răn đe toàn cầu của mình sau khi ông duy trì “ranh giới đỏ” của mình ở Syria. Nhận thấy dấu hiệu của sự yếu kém đó, Nga bắt đầu hành động quyết liệt hơn trong khu vực".
Trong khi đó, ông Khaled Yacoud Oweis từ Viện nghiên cứu quốc tế và các vấn đề an ninh của Đức đánh giá vai trò của Nga ở Syria là khá mâu thuẫn: "Một mặt Nga dội bom vào Syria và phe đối lập dòng Sunni, mặt khác Nga lại muốn đứng ra làm trọng tài. Điều này không thể xảy ra. Nếu Nga muốn đóng một vai trò mang tính xây dựng, Nga phải đứng về phe đa số chứ không phải phe thiểu số".
Làm cách nào để Trung Đông có thể thoát khỏi khủng hoảng?
Do Trung Đông hiện là nguồn gốc xuất phát của rất nhiều các mối đe dọa khác nhau, chính vì vậy các đấu thủ lớn tham gia vào cuộc chơi tại khu vực này đều cần phải quan tâm giải quyết tất cả các vấn đề của khu vực.
“Mặc dù một vấn đề rất quan trọng của Trung Đông là an ninh nhưng chúng ta cũng không nên quên thảo luận các vấn đề khác như phát triển kinh tế, nước, giáo dục..”, bà Zvyagelskaya lưu ý.
Các tác giả của báo cáo Valdai cũng đề nghị, cách hiệu quả nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Trung Đông (cho dù đây là khó khăn lớn nhất) là tạo ra một hệ thống an ninh mới ở Trung Đông - nơi những mối quan tâm và lợi ích của tất cả các "cầu thủ lớn" của khu vực như Saudi Arabia, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ cũng như các quốc gia Arab khác đều được tính đến và có vai trò như nhau./.
Theo Nguyễn Hùng/VOV.VN