Những ý tưởng xe tăng độc đáo của Liên Xô chưa từng được sản xuất
Những cỗ máy chiến đấu này được cho là nhằm thay đổi bộ mặt chiến tranh, nhưng lại chưa bao giờ được đưa vào sản xuất hàng loạt vì Thế chiến 2.
Từ năm 1925 đến 1960, các kỹ sư Liên Xô đã thí nghiệm rất nhiều loại xe tăng nhằm tạo ra một cỗ máy mà thế giới chưa từng thấy bao giờ, trong đó có cả xe tăng bay và những loại có thể trụ được cả một vụ nổ hạt nhân.
Xe tăng “bay”
Năm 1937, các kỹ sư Liên Xô đã làm việc về một dự án đầy tham vọng – xe tăng bay MAS-1. Nó dựa trên nền tảng xe tăng hạng nhẹ BT-7, nhưng cuối cùng lại có diện mạo hoàn toàn khác.
Về bản chất, đây là sự kết hợp của một chiếc xe tăng hạng nhẹ và một chiếc máy bay. Chiếc “xe tăng” này được thiết kế có phần cánh có thể gấp lại được ở trên nóc để có thể vượt qua các trở ngại bằng cách bay trên không.
Chiếc “xe tăng” này có cánh quạt và cánh lái để hỗ trợ khi bay. Còn khi di chuyển trên mặt đất, chiếc xe tăng vẫn sử dụng bánh xích.
Cỗ máy biết bay này được thiết kế nhằm hoạt động với kíp lái 2 người và được trang bị 2 súng máy: một súng máy cỡ nòng 12,7mm và một súng máy cỡ nòng chuẩn 7,62mm.
Chiếc xe tăng bay này được dự tính có thể hoạt động sâu trong vùng địch và thu thập thông tin tình báo cả trên không cũng như mặt đất.
Các kỹ sư đã tạo ra bản nguyên mẫu bằng gỗ chiếc xe tăng bay. Tuy nhiên, lãnh đạo quân đội lại cho rằng những ý tưởng như thế này là quá hão huyền và quyết định không chi tiền để sản xuất.
Xe tăng “bơi”
(Ảnh tư liệu: RBTH)
Cũng năm 1937, các kỹ sư Liên Xô lại tạo ra một chiếc xe sử dụng đệm khí. Dự án này được gọi là “Xe tăng bay lưỡng cư”, nghĩa là nó có thể hoạt động ở các khu rừng đầm lầy, nơi mà những chiếc xe tăng truyền thống rất khó vượt qua. Cỗ máy này dựa trên phiên bản thủy phi cơ L-1 mà Liên Xô đã tạo ra trước đó vài năm.
Theo các dự án xe tăng sơ bộ, các kỹ sư dự kiến lắp 2 cánh ở phần phía trước của xe tăng “bơi” cùng động cơ máy bay M-25 với 1.450 mã lực.
Với những động cơ này, “quái vật kim loại” 8,5 tấn có thể trở thành cỗ máy được vũ trang hạng nặng đầu tiên có khả năng bay với tốc độ 250km/h, bay ở tầm cao 25cm so với mặt đất và mặt nước.
Tuy nhiên, Thế chiến 2 đã làm thay đổi các kế hoạch của Liên Xô và Quân đội quyết định hủy bỏ các dự án xe tăng gây tranh cãi để tập trung nguồn lực vào chế tạo các cỗ máy chiến đấu thực tế hơn.
Xe tăng UFO
(Ảnh tư liệu: RBTH)
Xe tăng “Vật thể 279” trông giống như một chiếc đĩa bay (hình dáng đặc trưng của UFO - vật thể bay không xác định) hơn là một chiếc xe tăng thực sự. Nó được tạo ra ở giai đoạn đầu Chiến tranh Lạnh, khi Liên Xô và Mỹ đang chạy đua sản xuất những cỗ máy chiến đấu có khả năng hoạt động sau khi bị tấn công hạt nhân.
Vì thế, “Vật thể 279”, khi được giới thiệu vào năm 1959, có hình dạng như chiếc đĩa dẹt với các góc có dạng elip. Kiểu thiết kế này là nhằm trụ được trước những đợt sóng sốc của một cuộc tấn công tên lửa hạt nhân trên chiến trường (Giai đoạn này cả Mỹ và Liên Xô đều tin rằng, mọi vũ khí/đầu đạn/mìn/bom đều có thể gắn hạt nhân).
“Vật thể 279”cũng có 4 bánh xích cho phép nó có thể vượt qua những địa hình cao hơn và khó hơn so với những loại xe tăng khác đang hoạt động cuối những năm 1950. Vì thế chiếc xe tăng này có thể dễ dàng vượt qua cả đầm lầy và tuyết. Khung gầm của chiếc xe tăng này cho phép nó vượt qua được cả những chướng ngại vật chống tăng phổ biến nhất thời đó.
Tuy nhiên xe tăng UFO cũng có không ít điểm trừ làm lu mờ sức mạnh tiềm tàng của nó. Trước tiên, cỗ máy này có ít tính linh động, khiến nó dễ dàng trở thành mục tiêu tấn công trên chiến trường. Thứ hai, chi phí sản xuất và duy trì lại rất đắt. Đó là những lý do chính khiến lãnh đạo Liên Xô quyết định hủy bỏ dự án này.
Ngày nay, chỉ có duy nhất một nguyên mẫu của “Vật thể 279” còn tồn tại và được trưng bày tại một bảo tàng xe tăng ở Kubinka, ngoại ô Moscow.
Theo Hoàng Phạm
VOV.VN