1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Những vụ vượt ngục ngoạn mục nhất

Hình ảnh 2 tù nhân Danny Provencal và Benjamin Hudon-Barbeau đu dây thừng được thả từ chiếc trực thăng đậu trên nóc nhà tù St Jerome gần Montreal, Quebec, Canada để tẩu thoát, xuất hiện trong video tại phiên tòa xét xử hồi trung tuần tháng 3-2016, khiến nhiều người tưởng đang xem một đoạn phim của Hollywood.

Tuy phiên tòa diễn ra từ trung tuần tháng 3, nhưng sự việc lại xảy ra hơn 3 năm trước (17-3-2013), và toàn cảnh vụ vượt ngục được camera an ninh của nhà tù St Jerome ghi lại để làm bằng chứng khép tội chúng.

Từ những cuộc vượt ngục bằng máy bay trực thăng

Cuộc vượt ngục của Benjamin Hudon-Barbeau và Danny Provencal được 2 đồng phạm có vũ trang là Billi Beaudoin và Steven Mathieu Marchisio trợ giúp - thuê và cướp máy bay trực thăng, sau đó ép phi công hạ cánh trên nóc nhà tù St Jerome. Mặc dù thoát khỏi nhà tù St Jerome và đào tẩu bằng chiếc xe chờ sẵn, nhưng chỉ vài giờ sau, cả 4 tên kể trên đều bị bắt.

Theo lời Mathieu Lavoie, đại diện nhà tù St Jerome, 4 kẻ vượt ngục có vũ khí nên họ không thể ngăn chặn khi chúng đu dây thừng đào tẩu bằng máy bay trực thăng. Điều đáng nói là sau thất bại kể trên, Danny Provencal, Billi Beaudoin và Steven Mathieu Marchisio, mặc dù bị buộc tội giết người, nhưng vẫn đào tẩu thành công bằng cách tương tự và bị bắt lại 2 tuần sau đó.

Hai tù nhân đu dây thừng lơ lửng bên dưới khi trực thăng cất cánh.
Hai tù nhân đu dây thừng lơ lửng bên dưới khi trực thăng cất cánh.

Trước đó, cảnh sát Hy Lạp cũng từng bắt Alket Rizai (Alket Rizaj), kẻ đã trốn thoát khỏi nhà tù Korydallos chiều 22-2-2009 bằng máy bay trực thăng cùng với phạm nhân Vassilis Paleokostas.

Khi đó Bộ trưởng Tư pháp Nikos Dendias đã cách chức 8 nhân viên quản giáo tại nhà tù Korydallos và buộc thôi việc đối với 3 quan chức Bộ Tư pháp (Tổng thư ký Bộ Tư pháp, Tổng thanh tra các trại giam và Giám đốc nhà tù Korydallos) vì vụ vượt ngục của 2 phạm nhân kể trên. Viên phi công lái chiếc máy bay trực thăng bị cướp dùng để giải cứu 2 phạm nhân khỏi nhà tù Korydallos cũng bị truy tố, nhưng không bị kết án.

Alket Rizai đào tẩu khi đang phải chấp hành bản án chung thân vì tội mưu sát, còn Vassilis Paleokostas phải thụ án 25 năm tù vì tội cướp ngân hàng và bắt cóc tống tiền. Điều đáng nói là vụ vượt ngục của Vassilis Paleokostas và Alket Rizai diễn ra đúng 1 ngày trước khi chúng phải hầu toà vì tội vượt ngục ngày 4-6-2006.

Điều đáng nói nữa là sau khi đào tẩu thành công và trước khi bị bắt trở lại (từ 4-6-2006 đến tháng 8-2008), Vassilis Paleokostas đã thực hiện một số vụ cướp và bắt cóc. Trong đó đáng chú ý nhất là vụ bắt cóc ông Giorgos Mylonas, một trong những thương nhân nổi danh ở Hy Lạp hồi tháng 6-2008. Ông Giorgos Mylonas được phóng thích hôm 23-6-2008 sau khi nộp số tiền chuộc lên tới 19 triệu USD.

Ngày 23-2-2009, Thủ tướng khi đó là ông Kostas Karamanlis đã triệu tập một phiên họp khẩn ngay sau khi biết tin về vụ vượt ngục của Vassilis Paleokostas và Alket Rizai.

Bởi cả quản giáo và những phạm nhân tại nhà tù Korydallos đều có cảm giác giống như vừa xem một bộ phim hành động của Hollywood, khi Vassilis Paleokostas và Alket Rizai bình thản trèo lên chiếc thang dây được thả xuống từ trực thăng, trong khi tiếng súng vang lên. Và trong khi chúng treo lên thì người ở trên chiếc trực thăng bình tĩnh bắn trả lực lượng bảo vệ tại nhà tù Korydallos.

Cảnh sát Pháp cũng từng báo động để truy tìm kẻ đào tẩu sau khi tù nhân Pascal Payet, 43 tuổi vượt ngục thành công tại nhà tù Grasse (nằm về phía Đông Nam nước Pháp) tối 14-7-2007.

Vụ vượt ngục của Pascal Payet được dư luận đặc biệt quan tâm bởi diễn ra đúng ngày Pháp kỷ niệm Quốc khánh và đây là lần thứ 2 tên này vượt ngục thành công.

Pascal Payet đào tẩu khi đang phải chấp hành bản án 30 năm tù vì tội cướp của, giết người. Sau khi cứu được Pascal Payet, bọn cướp đã cho máy bay hạ cánh xuống Brignoles, cách thành phố Toulon 38km về phía Đông Nam.

Pascal Payet và công cụ đào tẩu.
Pascal Payet và công cụ đào tẩu.

Trước đó, Pascal Payet từng vượt ngục thành công bằng máy bay trực thăng hồi tháng 10-2001. Sau khi vượt ngục thành công, trong năm 2003, Pascal Payet đã giúp 3 bạn tù đang bị giam giữ tại nhà tù Luynes tẩu thoát cũng bằng máy bay trực thăng. Điều đáng nói là cả 2 lần vượt ngục và cứu bạn tù (2001 và 2003), những tên cùng đào tẩu và được Pascal Payet giúp đều nhanh chóng bị bắt trở lại, nhưng hắn phải một thời gian sau, thậm chí vài năm mới bị cảnh sát tóm.

Người dân Bỉ chỉ biết đến vụ cướp ngục giống như phim hành động sau khi ông Erik Matthew, người lái máy bay trực thăng có cuộc trả lời phỏng vấn Đài Truyền hình RTL-TVI hôm 15-4-2007.

Theo ông Erik Matthew, 2 người đàn ông lạ mặt tự xưng đến từ thành phố Marseille, Pháp đã thuê ông lái trực thăng đi du lịch. Nhưng khi máy bay lượn được vài vòng thì chúng bất ngờ rút súng và lựu đạn dí vào đầu, yêu cầu bay tới nhà tù Lantin ở thành phố Liege, tỉnh Wallonia, Bỉ.

Ban đầu ông Erik Matthew không muốn thực hiện theo chỉ dẫn của bọn cướp, nhưng sau khi chúng dọa khai hoả buộc ông phải đỗ xuống sân nhà tù Lantin. Khi máy bay hạ cánh xuống sân nhà tù Lantin có khoảng 200 phạm nhân đang tập thể dục. Do chuẩn bị từ trước nên một tên vừa ném lựu đạn vào đám đông vừa xông ra ngoài, còn tên kia tiếp tục uy hiếp ông Erik Matthew để máy bay có thể cất cánh ngay sau khi chúng giải cứu được phạm nhân Erik Ferdinand, vừa bị bắt vì tội đạo tặc, nhưng chưa bị xét xử.

Tới 1001 kiểu vượt ngục khác

40 tù nhân đã trốn thoát sau tiếng nổ lớn, làm thủng bức tường nhà giam Frei Damiao de Bozanno ở thành phố Recife, bang Pernambuco, Đông Bắc Brazil. Đây được coi là vụ vượt ngục táo tợn quy mô lớn thứ hai ở Brazil thời gian gần đây. Phải đến cuối ngày 24-1, cảnh sát mới bắt giữ 36 phạm nhân, 2 người chết vì bị bắn do không chấp hành theo lệnh của cảnh sát, 1 người bị thương phải nhập viện và 1 tên vẫn đang chạy trốn.

Các nhà tù ở bang Pernambuco được xếp vào diện quá tải nhất Brazil. Theo khảo sát nãm 2015 của Tổ chức theo dõi nhân quyền, các nhà tù ở đây chỉ có sức chứa khoảng 10.500 tù nhân, nhưng phải giam tới 32.000 người, nên thường xuyên gây ra bạo loạn.

Cảnh sát tỉnh Buenos Aires, Argentina đã công bố số tiền thưởng 150.000 USD cho một số người cung cấp thông tin hữu ích giúp bắt 3 tên tội phạm đặc biệt nguy hiểm Martin Lanatta, Christian Lanatta và Victor Schillaci (bị kết án tù chung thân từ tháng 8-2008 vì tội buôn lậu ma túy và giết 3 doanh nhân) hôm 12-1, sau khi chúng trốn khỏi trại giam General Alvear, tại tỉnh Buenos Aires hôm 27-12-2015. Tổng thống Mauricio Macri, Phó Tổng thống Gabriela Michetti và Bộ trưởng Nội vụ Patricia Bullrich đã chúc mừng lực lượng cảnh sát sau khi họ bắt được 3 tên kể trên.

Gần 1 năm trước, vụ vượt ngục ngoạn mục và ly kỳ như phim ở Mỹ đã kết thúc sau khi cảnh sát bắn bị thương và bắt David Sweat tại khu vực chỉ cách biên giới Canada khoảng 3km hôm 28-6-2015.

Trước đó (26-6-2015), cảnh sát đã bắn hạ Richard Matt, khi tên này không chịu đầu hàng. Để bắt David Sweat (lĩnh án chung thân không được ân xá với tội danh giết người cấp độ một) và tiêu diệt Richard Matt (bị kết án 25 năm tù với các tội danh giết người, bắt cóc và cướp của), 2 tù nhân vượt ngục hôm 6-6-2015, gần 1.300 cảnh sát đã được huy động.

Trước đó, Chính quyền New York đã treo giải thưởng 100.000USD cho những ai cung cấp thông tin về 2 tên này. Bởi đây là cuộc vượt ngục đầu tiên trong vòng 150 năm qua ở nhà tù Clinton được mệnh danh là "tiểu Siberia", là vụ vượt ngục đầu tiên kể từ năm 1865 tại nhà tù sở hữu hệ thống an ninh hiện đại nhất nước Mỹ.

Thống đốc New York Andrew Cuomo coi đây là sự phối hợp chưa từng có tiền lệ của các lực lượng thực thi pháp luật ở mọi cấp. Người giúp 2 phạm nhân kể trên đào tẩu là bà Joyce Mitchell, nhân viên giám sát tại khu may mặc của nhà tù Clinton, đã thú nhận từng mây mưa với Richard Matt ngay tại khu vực mình quản lý.

Giám đốc cảnh sát New York Joseph d'Amico thừa nhận, chính quyền đã gặp khó khăn trong việc lần theo dấu vết của David Sweat và Richard Matt bởi chúng dùng hạt tiêu để qua mặt chó nghiệp vụ. Đồng thời cho biết, David Sweat và Richard Matt đã chia tay nhau trong quá trình đào tẩu.

"Vua vượt ngục" Nordin Benallal không thể ngờ bị bắt tại Hà Lan sau khi trốn khỏi nhà tù Bỉ chỉ vì tội ăn cắp vặt. Ngày 30-10-2007, Nordin Benallal đã bị bắt tại The Hague, Hà Lan sau khi bị nhân viên quản lý cửa hàng phát hiện đang cùng một tội phạm khác tìm cách đánh cắp đồ trong một cửa hàng trưng bày xe môtô.

Và đó là lần thứ 4 Nordin Benallal tẩu thoát thành công khỏi nhà tù và cơ quan chức năng Bỉ hiện vẫn không thể làm rõ tên này đã vượt ngục như thế nào. Chỉ biết rằng, Nordin Benallal và đồng bọn đều bị bắt trở lại một cách nhanh chóng sau khi tẩu thoát khỏi nhà tù. Và lần thứ tư Nordin Benallal bị bắt chỉ sau 2 ngày đào tẩu khỏi nhà tù Ittre bằng máy bay trực thăng.

Điều đáng nói, nhà tù Ittre mới được đưa vào sử dụng từ năm 2002 và được coi là một trong những nhà tù hiện đại nhất và an ninh nhất của Bỉ, nhưng đã bị Nordin Benallal làm ô danh sau vụ vượt ngục kể trên.

Nordin Benallal tuy mới 27 tuổi, nhưng đã phải bóc lịch trong nhiều nhà tù được bảo vệ nghiêm mật nhất và hắn luôn thành công trong những vụ đào tẩu bởi nhận được sự hỗ trợ và phối hợp nhịp nhàng từ trong tù với đồng phạm ở bên ngoài. Được biết, lần vượt ngục đầu tiên của Nordin Benallal diễn ra năm 2002, lần thứ tư xảy ra hôm 28-10-2007 và hắn đào tẩu bằng xe tải nhà tù, cải trang với tóc giả và kính râm, trèo tường bằng thang dây và cuối cùng là máy bay trực thăng.

Theo Anh Phương

Cảnh sát toàn cầu