1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chuyên gia Mỹ nhận định về những vũ khí giúp Đài Loan tăng cường năng lực phòng vệ

(Dân trí) - Tàu ngầm, tổ hợp phòng không và tên lửa chống hạm là 3 trong số những vũ khí có thể giúp Đài Loan nâng cao năng lực phòng vệ trước những diễn biến phức tạp của tình hình an ninh khu vực.

Cuộc tập trận thường niên Han Kuang của Đài Loan (Ảnh: Taiwan News)
Cuộc tập trận thường niên Han Kuang của Đài Loan (Ảnh: Taiwan News)

Mối quan hệ giữa Trung Quốc đại lục, Đài Loan và Mỹ đang diễn biến phức tạp sau khi Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng mới được Thượng viện Mỹ thông qua gần đây đã cho phép các lực lượng Mỹ tham gia cuộc tập trận thường niên quan trọng nhất của Đài Loan. Ngoài ra, Lầu Năm Góc được cho là đang cân nhắc triển khai tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan và tăng cường các thương vụ bán vũ khí cho Đài Loan sau khi Không quân Trung Quốc tiến hành các cuộc tập trận xung quanh hòn đảo này.

Trong bối cảnh an ninh có nhiều biến đổi, chuyên gia Zachary Keck của trang mạng National Interest cho rằng Đài Loan cần tăng cường năng lực quân sự và có thể đạt được mục tiêu này bằng cách mua vũ khí từ nước ngoài. Dưới đây là 3 vũ khí mà Đài Loan có thể trang bị để bảo vệ vùng lãnh thổ này.

Tàu ngầm lớp Won-il

Các tàu ngầm của Hàn Quốc neo đậu tại đảo Jejudo (Ảnh: Yonhap)
Các tàu ngầm của Hàn Quốc neo đậu tại đảo Jejudo (Ảnh: Yonhap)

Theo Zachary Keck, cách tốt nhất để Đài Loan có thể ứng phó với nguy cơ đại lục sử dụng vũ lực là theo đuổi chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD). Tương tự cách các quốc gia khác như Nhật Bản từng sử dụng, chiến lược A2/AD tập trung vào sức mạnh của tàu ngầm vì năng lực tác chiến chống ngầm của Bắc Kinh thường bị đánh giá là yếu.

Năng lực tác chiến dưới biển của Đài Loan đã giảm đi trong những năm gần đây, một phần bởi vì không quốc gia nào sẵn sàng bán tàu ngầm cho Đài Loan do lo ngại Bắc Kinh. Nếu bỏ qua yếu tố chính trị thì Nhật Bản hoặc một quốc gia châu Âu nào đó có thể sẽ bán tàu ngầm cho Đài Loan. Tuy nhiên, Zachary Keck cho rằng một tàu ngầm của Hàn Quốc có thể sẽ là lựa chọn hợp lý cho Đài Loan.

So với tàu ngầm lớp Won-il của Hàn Quốc, tàu ngầm lớp Soryu của Nhật Bản to lớn hơn và uy lực hơn, song giá thành của chúng cũng cao hơn. Do Đài Loan không cần những tàu ngầm có khả năng hoạt động ở khoảng cách xa, nên sẽ là phù hợp nếu hòn đảo này mua số lượng nhiều hơn các tàu ngầm với kích cỡ nhỏ hơn và năng lực có thể kém hơn. Hơn nữa, các tàu ngầm lớp Won-il cũng không phải là mục tiêu dễ bị tấn công.

Dựa trên thiết kế từ tàu ngầm Type-214 của Đức, tàu ngầm lớp Won-il có lượng giãn nước khoảng 1.800 tấn, chiều dài khoảng 65m và chiều rộng khoảng 6,7m. Khác với các tàu lớp Chang Bogo của Hàn Quốc, tàu ngầm Won-il được trang bị hệ thống đẩy không khí độc lập (AIP), cho phép chúng hoạt động ngầm dưới nước trong khoảng 2 tuần (gần gấp đôi tàu lớp Changa Bogo). Đối tàu ngầm lớp Won-il, Hàn Quốc trang bị tên lửa Haeseong-3, tên lửa tàng hình siêu thanh có độ chính xác cao và khả năng tấn công từ tàu lên các mục tiêu trên mặt đất. Tầm tấn công của Haeseong-3 vào khoảng 1.500 km.

Tàu ngầm lớp Won-il có độ lặn sâu khoảng 400m và tốc độ di chuyển dưới nước được cho là khoảng 20 hải lý/giờ. Hệ thống tác chiến tàu ngầm ISUS-90 cho phép tàu ngầm này có thể tấn công 300 mục tiêu cùng một lúc. Các tàu ngầm này được cho là có thể thực hiện “nhiều sứ mệnh khác nhau như chống hạm, chống ngầm, phòng không cũng như tấn công chính xác bằng tên lửa hành trình vào các mục tiêu trên mặt đất”. Như vậy, ngoài các mục tiêu chính là tàu của đối phương, các tàu ngầm lớp Won-il có thể nhắm tới cả các mục tiêu trên đất liền.

Hệ thống phòng thủ tên lửa

Một vụ thử nghiệm hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối THAAD (Ảnh: Reuters)
Một vụ thử nghiệm hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối THAAD (Ảnh: Reuters)

Đài Loan có thể cảm thấy lo ngại về kho tên lửa uy lực của đại lục. Theo Cơ quan Phòng vệ Đài Loan, Bắc Kinh hiện duy trì khoảng 1.500 tên lửa nhằm vào hòn đảo này trong mọi thời điểm.

Với số lượng áp đảo như vậy, Đài Loan được cho là khó có thể phòng vệ trước uy lực của dàn tên lửa đại lục trong trường hợp xảy ra xung đột. Tuy vậy, không phải khu vực nào tại Đài Loan cũng có tầm quan trọng ngang nhau. Bắc Kinh có thể nhắm mục tiêu tới các khu vực chủ chốt trong hệ thống phòng thủ của Đài Loan như các trung tâm chỉ huy và kiểm soát, các đường băng và sân bay cũng như hệ thống tên lửa và phòng không.

Đài Loan có thể cân nhắc sử dụng hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ. THAAD được thiết kế để tiêu diệt các tên lửa ở giai đoạn cuối dù ở trong hay ngoài khí quyển. Ý tưởng trang bị hệ thống THAAD cho Đài Loan dựa trên việc xem xét khoảng cách ngắn mà tên lửa bay từ đại lục tới hòn đảo.

Mỗi hệ thống THAAD có 6 bệ phóng với gần 8 tên lửa đánh chặn mỗi bệ phóng. Như vậy mỗi hệ thống THAAD sẽ có ít nhất 48 tên lửa đánh chặn, trong khi tập đoàn Lockheed Martin chế tạo hệ thống này nói rằng số tên lửa có thể lên tới 72 quả.

Trong khi tất cả các hệ thống phòng thủ tên lửa khác đều để lộ khuyết điểm, THAAD đã cho thấy năng lực vượt trội hơn hẳn. Hệ thống này không có tầm bắn xa, nhưng điều đó cũng không cần thiết. Đối với Đài Loan, THAAD chỉ cần được được triển khai gần các cơ sở trọng yếu của hòn đảo để đối phó với nguy cơ các cơ sở này bị tấn công khi cuộc chiến vừa bắt đầu.

Nếu triển khai THAAD tại các đường băng quan trọng, Đài Loan có thể kịp thời sơ tán các máy bay chiến đấu được triển khai trên mặt đất. THAAD cũng là tổ hợp phòng không cơ động, do vậy ít có khả năng bị tổn thương trước các cuộc tấn công của tên lửa đại lục.

Tên lửa chống hạm BrahMos

Tên lửa BrahMos (Ảnh: Reuters)
Tên lửa BrahMos (Ảnh: Reuters)

Ngoài tàu ngầm, trọng tâm của chiến lược A2/AD của Đài Loan nhằm ở tên lửa chống hạm (ASM). Mặc dù Đài Loan đã sở hữu các ASM, song vùng lãnh thổ này có thể sử dụng thêm các mẫu tên lửa hiện đại hơn. Tuy vậy công nghệ ASM của Mỹ bị cho là tụt hậu trong hàng chục năm gần đây.

BrahMos là tên lửa siêu thanh do Nga và Ấn Độ hợp tác chế tạo. Mặc dù các biến thể của tên lửa này đang được phát triển để phục vụ cho nhiều sứ mệnh khác nhau, nhưng xuất phát điểm của BrahMos là tên lửa chống hạm. Các biến thể của BrahMos rất đa dạng, có thể sử dụng trên bộ, trên tàu hay trên không.

Nhờ tốc độ cao và khả năng tàng hình, tên lửa BrahMos có thể bay gần mặt đất để tránh hệ thống phòng thủ của đối phương. BrahMos thông thường mang đầu đạn nặng khoảng 200 kg, tuy nhiên phiên bản phóng từ trên không của tên lửa này có thể mang đầu đạn tới 300 kg.

Điểm mạnh lớn nhất của BrahMos là tốc độ đáng kinh ngạc. Tốc độ Mach 2.8 của tên lửa này tương đương 952 m/s. BrahMos có tầm bay hạn chế, chỉ khoảng 300km, nhưng điều đó cũng phải là vấn đề lớn đối với Đài Loan khi khoảng cách giữa hòn đảo này và đại lục không xa.

Thành Đạt

Theo National Interest