Những vấn đề cấp bách được chú ý tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2016
(Dân trí) - Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) lần thứ 46 này đã gợi mở rất trúng vấn đề mà nhân loại đang phải đối mặt trong tương lai gần là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và những vấn đề cấp bách của thế giới để có thể sớm thoát khỏi giai đoạn “tiêu điều”, chuyển sang phục hội và phát triển bền vững.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) lần thứ 46 đã bế mạc hôm 23/1 sau 4 ngày làm việc tại Davos (Thụy Sỹ), với sự tham gia của hơn 2.500 đại biểu đến từ hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng các tổ chức quốc tế.
Với 280 phiên họp hội nghị đã thảo luận nhiều vấn đề, từ tăng trưởng kinh tế, hợp tác phát triển, các vấn đề xã hội đến môi trường, xung đột địa chính trị, dịch bệnh, năng lượng mới, an ninh lương thực, tương lai của Internet đến sự phát triển hệ thống tài chính toàn cầu...
Tuy nhiên, chủ đề công nghệ được hội nghị đặc biệt quan tâm, với các cuộc thảo luận về công nghệ, vật lý, số hóa và sinh học, đặc biệt là những tác động của chúng đối với các hệ thống chính trị, xã hội, kinh tế của thế giới đương đại.
Một số giám đốc điều hành như: Satya Nadella của Microsoft và Sheryl Sandberg của Facebook sẽ nói về cuộc cách mạng công nghệ mới sẽ tác động mạnh đến nền công nghiệp toàn cầu và công cuộc cải cách xã hội trong tương lai.
Việc robot hóa các chiến binh và tướng lĩnh thực hành tác chiến và chỉ huy trên chiến trường cũng được Chủ tịch Roger Carr của Tập đoàn quốc phòng BAE Systems (Anh) trình bày tại hội nghị.
Báo cáo của WEF còn cho biết sẽ có hơn 7 triệu việc làm ở Mỹ đang có nguy cơ bị thay thế bằng robot, bởi chương trình tự động hóa trong vòng 5 năm tới của nước này.
Cuộc Cách mạng Công nghiệp thứ 4 được dự báo sẽ nới rộng hơn khoảng cách giàu-nghèo, tự động hóa sẽ “cướp mất” cơ hội có việc làm của những người học vấn thấp, bên cạnh việc tạo cơ hội kinh doanh cho nhiều nhà đầu tư.
Chủ tịch đồng thời là người sáng lập WEF, ông Klaus Schwab cho rằng, các cuộc cách mạng công nghiệp có khả năng làm thay đổi tất cả các lĩnh vực của đời sống con người, ông đề nghị các đại biểu khi tham gia Diễn đàn cần giữ cho mình ít nhất một ý tưởng giúp thay đổi thế giới.
Ông Schwab nhấn mạnh sự cần thiết của đối thoại và hợp tác, đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng, tương lai thế giới chỉ có thể được quản lý tốt nếu các quốc gia tăng cường đối thoại và hợp tác. Thế giới đang bị bao vây bởi sự chuyển dịch về chính trị, kinh tế, xã hội và đặc biệt là công nghệ tự động hóa…
Khái niệm "Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4"
Chủ tịch đồng thời là người sáng lập WEF, ông Klaus Schwab. (Ảnh: EPA)
Về khái niệm “cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4” lần đầu tiên được đưa ra tại WEF 46 bàn thảo, nhưng “nó là phạm trù về thế giới kỹ thuật số, thế giới đang trải qua sự thay đổi nhanh chóng”.
Ông Schwab nói: “Chúng ta mới ở giai đoạn đầu. Tôi luôn giữ thái độ lạc quan về tương lai. Cuộc Cách mạng Công nghệ sắp tới đây sẽ làm thay đổi triệt để đời sống, hoạt động của chúng ta”.
Cuộc Cách mạng Công nghiệp thứ 4 đang được hình thành trên nền tảng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 3, nó giúp xóa nhòa ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, số hóa và sinh học, có thể coi là sự kéo dài của cuộc cách mạng công nghiệp lần trước, nhưng ưu việt hơn ở chỗ nó tác động nhanh và trên cả hệ thống công nghiệp toàn cầu.
Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần này sẽ phát triển với cấp số nhân chứ không phải cấp số cộng như trước đây, nó làm biến đổi tất cả các nền công nghiệp của mọi quốc gia trên thế giới, làm biến đổi toàn bộ các hệ thống sản xuất, quản lý, quản trị và kinh doanh của tất cả các quốc gia.
Tuy nhiên, về nội hàm của khái niệm về cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 là thế nào vẫn chưa được WEF đưa ra trong văn kiện cuối cùng khi bế mạc Hội nghị.
Những vấn đề cấp bách của thế giới
Làm thế nào các chính phủ và tổ chức kinh doanh thống nhất được các biện pháp cắt giảm khí thải cũng được bàn thảo tại WEF. Diễn đàn đã kêu gọi thế giới chung tay chống biến đổi khí hậu.
Sự lo ngại về tác động của các cuộc tấn công khủng bố của IS đối với nền kinh tế toàn cầu cũng là một trong những tiêu điểm của WEF. Trong khi tổ chức Interpol và Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Loretta Lynch lại trình bày một số biện pháp giúp kiềm chế tội phạm mạng toàn cầu.
Tổng thống Argentina, Mauricio Macri đã trình bày sự khó khăn của các nền kinh tế mới nổi hiện nay, sự suy giảm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc cũng là vấn đề được Hội nghị đặc biệt quan tâm.
Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde trình bày dự báo về hướng đi tiếp theo của kinh tế toàn cầu, còn đại diện Trung Quốc trình bày các giải pháp khắc phục sự suy giảm kinh tế của nước này.
Chủ tịch ECB, ông Mario Draghi đã trình bày đánh giá về kinh tế khu vực Eurozone. Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras và Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schäuble có bài phát biểu tranh luận về tương lai kinh tế EU.
Các lãnh đạo thế giới và các tổ chức nhân đạo còn tranh luận các biện pháp giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư ngày càng lớn cũng như giúp người tị nạn hòa nhập cộng đồng tốt hơn. WEF cũng chứng kiến tranh luận của các đại biểu xung quanh quyền tự do công dân và các biện pháp điều trị các căn bệnh thời đại như: ung thư, Ebola…
Chủ tịch Điều hành WEF, ông Schwap phát biểu: “Chúng tôi muốn, với trái tim và khối óc sáng tạo của các đại biểu tham dự, chúng ta sẽ nghĩ ra các giải pháp. Chúng ta ở đây không chỉ theo đuổi lợi ích của riêng mỗi nước, mà chúng tôi muốn tại diễn đàn này, các đại biểu như một cộng đồng có chung mục đích cải thiện hiện trạng của thế giới...”
Vì thế, giới nghiên cứu và dư luận cho rằng Diễn đàn WEF lần thứ 46 này đã gợi mở rất trúng vấn đề mà nhân loại đang phải đối mặt trong tương lai gần là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và những vấn đề cấp bách của thế giới để có thể sớm thoát khỏi giai đoạn “tiêu điều”, chuyển sang phục hội và phát triển bền vững.
Nguyễn Nhâm