1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Những "tòa nhà Stalin" huyền thoại

Ngày 7-9-1947, đúng 1 giờ sáng theo giờ Moskva, tại 8 vị trí khác nhau ở thủ đô, các nhà lãnh đạo cao cấp của Liên Xô đã long trọng hạ thổ tám viên đá. Theo ý tưởng chỉ đạo của lãnh đạo tối cao Yosiph Stalin, chính tại những nơi này sẽ xuất hiện các tòa nhà chọc trời hùng vĩ vẽ nên diện mạo Moskva hiện đại.

Hiện vẫn không ai giải thích được tại sao Stalin lại chọn xây dựng đồng loạt 8 công trình kỳ vĩ tại những vị trí này.

Bảy tòa nhà chị em

Nhà lãnh đạo Liên Xô Yosiph Stalin là người đưa ra ý tưởng xây dựng và đích thân chỉ định vị trí các tòa nhà chọc trời trên bản đồ, sau đó cũng đích thân ông theo dõi tiến độ xây dựng một cách nghiêm ngặt. Nhưng trong kế hoạch xây dựng 8 tòa nhà chọc trời, chỉ có 7 tòa được hoàn tất.

Cung Xôviết, tòa kiến trúc thể hiện khát vọng lớn lao nhất của Stalin - 420 mét cao nhất thế giới với tượng đài Lenin trên đỉnh chóp bắt đầu xây dựng từ năm 1931, nhưng không bao giờ được hoàn thành. Trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc, các tầng thấp mới xây xong đã bị tháo dỡ, các cấu trúc kim loại và đá được đưa đi xây công sự chống xe tăng Đức.

Một trong 7 tòa nhà chọc trời Stalin. Ảnh: RIA Novosti.
Một trong 7 tòa nhà chọc trời Stalin. Ảnh: RIA Novosti.

Có một số giả thiết về việc tại sao Stalin quyết định xây dựng các tòa nhà chọc trời ở Moskva. Giả thiết thứ nhất là nhà lãnh đạo Liên Xô thích phong cách gothic. Các tòa nhà chọc trời ở Moskva quả thật có những nét tương tự nhà thờ gothic. Một giả thiết khác là Stalin xây các tòa nhà đó để biểu thị sức mạnh của Liên Xô. Nhưng giả thiết thích hợp nhất là mong muốn vượt qua Mỹ, quốc gia từ những năm cuối thế kỷ XIX đã bắt đầu xây dựng các tòa nhà chọc trời.

Ngày nay, "các tòa nhà Stalin" hay theo cách gọi của các thế hệ người dân thủ đô Moskva là "Bảy tòa nhà chị em" trở thành một thành tố quan trọng trong kiến trúc thủ đô Nga. Đó là các tòa nhà Đại học quốc gia Moskva, Bộ Ngoại giao, khách sạn "Hilton Leningradskaya", khách sạn "Radisson Royal", và hai tòa chung cư, một tòa nhà hành chính-dân cư đã hiện hữu trên các tấm danh thiếp của thành phố bên cạnh rất nhiều những cuốn sách, bộ phim và truyền thuyết về các tòa nhà này.

Thoạt nhìn, tất cả bảy tòa nhà chọc trời có vẻ đều giống như nhau. Trong thực tế, chúng hoàn toàn khác nhau kể cả về chiều cao và diện tích. Ngoài Stalin, quá trình xây dựng các công trình kiến trúc mang tính biểu tượng quan trọng của thủ đô Liên bang Xôviết còn được các cơ quan đặc vụ giám sát. Có lẽ do "sự can thiệp" này mà lịch sử 7 ngôi nhà chọc trời Moskva được bao phủ trong những điều bí ẩn và huyền thoại.

Như lời đồn đại rằng, trong tòa nhà chính của Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva (còn gọi là Trường Đại học Tổng hợp Lomonosov) có đường hầm rộng ăn sâu nhiều mét xuống lòng đất, và bên dưới còn có một tòa nhà khác không biết được xây dựng với mục đích gì. Hay lời thêu dệt có đường hầm bí mật nối Trường Đại học Tổng hợp với ngôi nhà nghỉ ở ngoại ô của Stalin và một thành phố ngầm bí mật dưới lòng đất thủ đô.

Minh họa cho lời thêu dệt này là chi tiết: Do nền đất dưới chân móng Trường Đại học Tổng hợp ẩm mềm nên khi xây dựng, người ta phải đào hố chứa đầy nitơ lỏng, sau đấy cho vận hành một chiếc máy làm lạnh khổng lồ. Nếu thiết kế này ngừng vận hành hoặc bị vô hiệu hóa, chỉ trong vòng một tuần lễ, cả Trường Đại học Tổng hợp sẽ… trôi tuột xuống lòng sông Moskva. Tuy nhiên, các chuyên gia nói rằng lời đồn này chẳng qua chỉ là câu chuyện cổ tích. Tòa nhà Trường đại học Lomonosov nằm trên nền móng đất khô và vững chắc, hoàn toàn không cần phải đóng băng nhân tạo.

Trong thời Chiến tranh Lạnh có tin đồn rằng, trên đỉnh chóp khách sạn "Ukraina" (nay là khách sạn Radisson Royal) được gắn thiết bị phóng tên lửa hạt nhân, còn trong mỗi tòa nhà chọc trời đều có một căn hộ bí mật, nơi nhân viên KGB ngày đêm theo dõi điện thoại dân cư trong toàn thành phố.

Được là chủ sở hữu căn hộ trong các "tòa nhà Stalin" là giấc mơ xa vời của hàng triệu người dân thủ đô. Thời Liên Xô, cư dân trong những ngôi nhà này phải là những công dân Xôviết vinh dự nhất: các nhà lãnh đạo quân đội và tình báo cao cấp, các nhà khoa học hàng đầu và cán bộ đảng cao cấp. Người có chức vị học vị càng cao thì càng được ở tầng cao hơn. Hiện nay sống trong các tòa nhà chọc trời Stalin là con cháu của những nhân vật nổi tiếng thời trước cũng như giới tài phiệt Moskva, những tỉ phú, triệu phú mới của thời hậu Xôviết.

Cung Xôviết – Tòa nhà mộng ảo

Vị trí xây dựng Cung Xôviết được chỉ định nằm ngay tại vị trí tòa giáo đường tráng lệ mái vòm dát vàng bên bờ sông Moskva ngày nay - Nhà thờ Chúa Cứu thế. Công trình kiến trúc này được xây dựng vào cuối thế kỷ XIX, 48 năm sau đã bị phá hủy trong giai đoạn tái thiết thành phố.

Trường Đại học Tổng hợp Moskva mang tên Lomonosov.
Trường Đại học Tổng hợp Moskva mang tên Lomonosov.

Đến năm 2000, Chính phủ Nga cho phép Nhà thờ được xây dựng lại. Yosiph Stalin, người khởi xướng phong trào hiện đại hóa kiến trúc Moskva mơ ước xây dựng một loạt nhà cao tầng, dẫn đầu trong số đó là Cung Xôviết. Địa điểm xây dựng được chọn là ngọn đồi trên sông Moskva, và để làm điều đó thì chỉ có thể xây dựng ngay trên nền móng của Nhà thờ Chúa Cứu thế. Cung Xôviết cần phải trở thành công trình đẹp nhất, kỳ vĩ nhất trong nhóm 8 "tòa nhà chọc trời Stalin".

Theo dự án, công trình sẽ có chiều cao 420 mét, cao hơn tòa Empire State của Mỹ gần 40 mét. Trên mái của tòa nhà 100 tầng sẽ dựng lên một bức tượng Lenin khổng lồ, làm tăng chiều cao của tháp đến 495 mét. Chỉ riêng ngón tay trỏ của nhà lãnh đạo đã có kích thước của một ngôi nhà hai tầng.

Khi hoàn thành, Cung Xôviết sẽ là tòa trụ sở chính của chính phủ Liên Xô. Đây sẽ là nơi tiến hành các phiên họp Hội đồng tối cao CCCP và là nơi diễn ra các hoạt động kỷ niệm trọng thể. Cuộc thi thiết kế Cung Xôviết được toàn xã hội hưởng ứng rộng rãi. Phác thảo các ý tưởng về tòa nhà được từ học sinh phổ thông, người về hưu, công nhân và nông trang viên liên tục gửi về ban tổ chức. Chỉ tính riêng dự án của các kiến trúc sư chuyên nghiệp, kể cả từ nước ngoài gửi về dự thi, đã có khoảng 160 bản.

Tuy nhiên, dự án xây dựng đầy tham vọng của nhà lãnh đạo Liên Xô rốt cuộc không được hoàn thành. Chiến tranh thế giới thứ II bùng nổ, Đức tấn công Liên Xô, vì thế công trình mới xây được phần móng 7 tầng đã phải tháo dỡ để làm chiến lũy và công sự. Sau chiến tranh, vì nhiều lý do, công trình không được tiếp tục; thay vào đó, chính quyền bắt đầu xây dựng Trường Đại học Tổng hợp Moskva mang tên Lomonosov (MGU).

Được xây dựng trong gần bốn năm rưỡi, tòa nhà chọc trời này là trung tâm của một tổ hợp gồm 27 tòa nhà. Đây là công trình khoa học-giáo dục đồ sộ với cơ sở hạ tầng khép kín, là "một khu phố trong một tòa nhà" với tất cả những gì cần thiết cho cuộc sống. Tại đây có một số khoa, khu hành chính, thư viện nghiên cứu, khu dịch vụ, bảo tàng và hội trường có sức chứa 1.500 người. Các tòa tháp ở hai bên là khu vực ký túc xá cho sinh viên và căn hộ cho các giáo sư. Sự gần gũi giữa sinh viên và giáo viên được thiết kế để tạo ra một kiểu "chiều dọc kiến thức", là biểu tượng của đỉnh cao tri thức.

Ở một tháp phía bên cạnh tòa nhà chính được lắp chiếc đồng hồ lớn nhất Moskva. Đường kính đồng hồ là 9 mét, kim phút dài hơn 4 mét, gấp đôi so với đồng hồ điện Kremlin. Theo dự án ban đầu, MGU không có chóp nhọn. Ở độ cao 183 mét, người ta định đặt bức tượng nhà khoa học Nga vĩ đại Mikhail Lomonosov mà Trường Đại học Quốc gia Moskva được mang tên. Tuy nhiên, Yosiph Stalin đã gạt bỏ ý tưởng của các kiến trúc sư. Ông ra lệnh cho đắp một chóp nhọn thay thế bức tượng để MGU cũng tương tự như các tòa nhà cao tầng khác đang được xây dựng trong thời gian đó.

Ngày nay, chóp nhọn 57 mét với ngôi sao lớn tỏa sáng trên đỉnh tòa nhà chính MGU.

Một trong những bí mật của Trường đại học Tổng hợp mới được phát hiện cách đây không lâu: Bên dưới tòa nhà lớn có một nhánh tàu điện ngầm bí mật, nhánh này chạy từ điện Kremlin đến sân bay Vnukovo-2, một sân bay nhỏ nằm ở ngoại vi phía tây nam Moskva, nơi vận hành các chuyến bay nội địa và các chuyến bay quân sự.

Hiện nay, di tích còn lại của dự án Cung Xôviết hoành tráng không bao giờ được khánh thành là bản thiết kế trong Thư viện Quốc gia và nhà ga tàu điện ngầm "Kropotkinskaya" nằm đối diện nhà thờ Chúa Cứu thế. Ga này được xem là một trong những ga tàu điện ngầm tốt nhất thế giới. Theo thiết kế trước đây là một trong các tiền sảnh ngầm của Cung Xôviết.

Theo M.Q/Tuyệt mật

An ninh thế giới