1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Những tình tiết "nóng" trong bản cáo trạng của Mỹ buộc tội Huawei

(Dân trí) - Trong bản cáo trạng Mỹ công bố ngày 28/1, ngoài việc liệt kê hàng loạt các tội danh mà Washington cáo buộc Huawei mắc phải, Mỹ còn cung cấp những tình tiết hiếm khi được công bố liên quan tập đoàn viễn thông Trung Quốc.

Những tình tiết nóng trong bản cáo trạng của Mỹ buộc tội Huawei  - 1

Huawei là tập đoàn viễn thông lớn nhất Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)

 

Ngày 28/1, Mỹ đã công bố 2 bản cáo trạng, trong đó một bản chỉ ra 13 cáo buộc nhằm vào Huawei, giám đốc tài chính Mạnh Vãn Chu và các chi nhánh của tập đoàn Trung Quốc có liên quan tới hành vi gian lận trong kinh doanh và vi phạm lệnh trừng phạt Iran. Bản cáo trạng thứ 2 gồm 10 tội danh cáo buộc Huawei chiếm đoạt công nghệ của công ty viễn thông Mỹ T-Mobile.

Huawei đã bác bỏ các cáo trạng từ Mỹ. CNN đã chỉ ra những thông tin liên quan tới Huawei hiếm khi được Mỹ công bố.

Nhà sáng lập Nhậm Chính Phi từng nói dối FBI

Phía công tố viên Mỹ cáo buộc ông Nhậm đã nói dối FBI về hoạt động kinh doanh với Iran.

Ông Nhậm nói với FBI hồi năm 2007 rằng Huawei tuân thủ hoàn toàn luật xuất khẩu của Mỹ và không trực tiếp làm ăn với bất cứ công ty Iran nào. Ông Nhậm nói rằng Huawei đã bán các thiết bị cho một bên thứ 3, có thể ở Ai Cập và số hàng này đã được bán lại cho Iran.

Phía công tố cáo buộc rằng Huawei đã sử dụng công ty con không chính thức Skycom nhằm chuyển những mặt hàng cấm cho Iran. Sau đó, Huawei cũng không thể chứng minh được Skycom là một công ty riêng biệt, không có liên quan gì tới Huawei.

Những tình tiết nóng trong bản cáo trạng của Mỹ buộc tội Huawei  - 2

Ông Nhậm Chính Phi (Ảnh: Nikkei Asian Review)

 

Chính vì vậy, tập đoàn viễn thông Trung Quốc đã bị cáo buộc âm mưu lừa đảo các ngân hàng và chính phủ Mỹ về bản chất quan hệ giữa Huawei và Skycom.

Cáo buộc của Mỹ chống lại ông Nhậm có thể khiến tỷ phú này gặp rủi ro nếu ông tới Mỹ hoặc các quốc gia có ký hiệp ước dẫn độ với Washington. Trong kịch bản xấu nhất, ông có thể bị bắt như con gái Mạnh Vãn Chu, người bị Canada bắt theo yêu cầu của Mỹ hồi tháng 12 năm ngoái.

Thưởng tiền cho nhân viên đánh cắp bí mật thương mại

Các công tố viên Mỹ nói rằng Huawei dường như có chính sách thưởng nóng tại chỗ cho các nhân viên đánh cắp thông tin nhạy cảm từ các đối thủ cạnh tranh.

Theo đó, các nhân viên dường như sẽ đăng tải những bí mật kinh doanh họ lấy được từ đối thủ lên một trang web nội bộ. Nếu thông tin là cực kỳ nhạy cảm, họ sẽ gửi thư điện tử mã hóa tới một hòm thư đặc biệt.

Một nhóm nhân viên được cho là sẽ có nhiệm vụ rà soát các thông tin được gửi lên và tặng tiền thưởng hàng tháng cho những tin tức có giá trị. Mỗi năm 2 lần, 3 khu vực chiếm đoạt được nhiều thông tin nhất sẽ được thưởng, một cáo trạng viết.

Đánh cắp bí mật kinh doanh là một trong những vấn đề chủ chốt trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. 

Gây áp lực ép nhân viên phải ăn trộm bí mật kinh doanh

Ngoài dùng tiền để làm phần thưởng, Huawei còn bị cáo buộc gây áp lực cho các nhân viên làm việc tại nước ngoài thực hiện hành vi gian lận kinh doanh.

Báo cáo từ phía các công tố viên thuật lại sự việc xảy ra hệ thống thử nghiệm điện thoại Tappy của T-Mobile. Do Huawei là một trong những nhà cung cấp của hãng viễn thông Mỹ, các kỹ sư của họ được phép truy cập vào hệ thống của T-Mobile.

Cáo trạng của tòa án Mỹ chỉ ra hàng loạt những thư điện tử do các nhân viên Huawei Trung Quốc gửi sang cho đồng nghiệp ở Mỹ với nội dung thúc giục chuyển các thông tin kỹ thuật nhạy cảm trong dự án của T-Mobile về.

Các nhân viên Huawei của Mỹ đã làm theo yêu cầu từ phía công ty ở Trung Quốc. Họ cũng nói rằng T-Mobile dường như đã nghi ngờ và cài đặt camera ở phòng đặt hệ thống Tappy. Phía công ty Mỹ nghi ngờ Huawei đã cử kỹ sư tới Mỹ để thăm dò về thông tin liên quan tới hệ thống T-Mobile.

Sự việc bùng phát sau khi một nhân viên Huawei tại Mỹ đã lấy đi một bộ phận của Tappy và mô tả, chụp ảnh lại rồi gửi về Trung Quốc. T-Mobile sau đó đã thu lại thẻ ra vào của người trên và không cho phép nhân viên Huawei được tiếp cận Tappy nếu không có sự giám sát.

Các điều tra viên Mỹ đã xâm nhập vào thiết bị điện tử của bà Mạnh Vãn Chu

Những tình tiết nóng trong bản cáo trạng của Mỹ buộc tội Huawei  - 3

Bà Mạnh Vãn Chu (Ảnh: JQK News)

 

Phía Mỹ từ lâu đã nghi ngờ bà Mạnh Vãn Chu đã có âm mưu lừa đảo hàng loạt tổ chức tài chính nhằm lách lệnh trừng phạt Iran. Chính vì vậy vào năm 2013, khi bà Mạnh tới Mỹ nhằm gặp gỡ đại diện của một ngân hàng, các điều tra viên Mỹ đã xâm nhập vào thiết bị điện tử của bà Mạnh ngay khi bà đặt chân xuống sân bay John F. Kennedy (New York).

Theo đó, họ đã thu được những nội dung chính bà Mạnh dự định nói trong cuộc trao đổi với phía ngân hàng. Theo cáo trạng, tệp tin Mỹ lấy được đã bị xóa đi.

Mỹ không cung cấp thêm thông tin về cách thức mà các nhà điều tra có thể xâm nhập vào thiết bị điện tử của bà Mạnh.

Đức Hoàng

Tổng hợp