Những sự kiện nổi bật nhất của Nga năm 2010
(Dân trí) - Vụ cháy rừng khủng khiếp vào mùa Hè, thoả thuận START mới ký với Mỹ, tấn công khủng bố đẫm máu, máy bay Tổng thống Ba Lan gặp nạn trên đất Nga, Nga đăng cai World Cup 2018… là những sự kiện nổi bật nhất của nước Nga trong năm nay.
Đợt không khí nóng kỷ lục tràn về nước Nga mùa Hè năm nay đã gây mất mùa và cháy trên diện rộng ở nước này. Hàng chục người thiệt mạng và hàng nghìn ngôi nhà đã bị thiêu trụi. Các nhà môi trường cho rằng sẽ mất nhiều năm để khắc phục hậu quả do cháy rừng lần này để lại.
Ngày 29/3, hành động tấn công khủng bố đầu tiên nhằm vào thủ đô Nga trong hơn năm qua: Những kẻ đánh bom liều chết đã tấn công đường xe điện ngầm ở Mátxcơva vào đúng giờ cao điểm, giết hại 40 người và làm khoảng 150 người bị thương.
Ngày 8/4, tại Praha, hai tổng thống Nga và Mỹ đã ký hiệp ước START mới - một trong những trụ cột chính của hệ thống an ninh toàn cầu hiện đại. Sau nhiều nỗ lực, Tổng thống Mỹ đã thuyết phục được Thượng viện thông qua tài liệu này hôm 23/12. Hạ viện Nga cũng đã thông qua sơ bộ START mới một ngày sau đó.
Vụ máy bay chở Tổng thống Ba Lan Lech Kaczynski gặp nạn tại Smolensk thuộc Nga đã dẫn đến những thay đổi lớn ở cả trong Ba Lan và trong quan hệ giữa Ba Lan với Nga. Máy bay gặp nạn do thời tiết xấu, khi chở Tổng thống Ba Lan cùng nhiều thành viên trong ban lãnh đạo chính trị-quân sự Ba Lan, làm toàn bộ 96 người thiệt mạng.
Cuối tháng 6, các báo đưa tin đậm về vụ Mỹ bắt giữ 10 người với cáo buộc làm gián điệp cho Nga. Phía Nga đã lấy làm tiếc là vụ việc này diễn ra trên bình diện "tái khởi động" quan hệ với Nga do chính Chính phủ Mỹ đã tuyên bố. Toà án Mỹ sau đó đã quyết định trục xuất 10 công dân Ngavề nước, đổi lấy 4 nhân vật đang thụ án trong nhà tù Nga được hưởng lệnh ân xá do Tổng thống Dmitry Medvedev ký.
Cuối tháng 9, Tổng thống Medvedev đã ký lệnh cách chức thị trưởng thủ đô Yuri Luzhkov. Như được đề cập trong sắc lệnh Tổng thống, ông Luzhkov bị bãi nhiệm do đánh mất lòng tin của Tổng thống Nga. Ông Luzhkov đảm nhiệm cương vị thị trưởng thành phố Matxcơva trong suốt 18 năm và để lại những đánh giá trái chiều: ông từng làm rất nhiều cho thành phố và tạo lập mô hình xã hội định hướng kinh tế đại đô thị; nhưng sau đó là thời kỳ đan xen các biểu hiện tiêu cực như sự nhập cư bất hợp pháp ồ ạt, tham nhũng tràn lan, xuất hiện không ngừng những điểm xây dựng mới trong thành phố, vi phạm cảnh quan đô thị và lợi ích của người dân.
Ngày 1/11, Tổng thống Nga đã trở thành lãnh đạo đầu tiên Nga đặt chân lên đảo Kuril mà Nga khẳng định là vùng lãnh thổ thuộc nước này ở Viễn Đông. Quần đảo này là vùng tranh chấp giữa Nga và Nhật Bản từ năm 1945 và là nhân tố cản trở Mátxcơva và Tokyo ký Hiệp ước Hoà bình sau Chiến tranh Thế giới II. Theo lời Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Seidzi Maehara, chuyến đi của Tổng thống Nga tới đó “làm tổn thương tình cảm của nhân dân Nhật Bản”.
Làn sóng bạo lực mới bùng phát những ngày trung tuần tháng 12 đang gây nhiều lo ngại cho các kiều dân nước ngoài đang sinh sống làm việc tại các thành phố lớn của Nga. Mọi việc bắt đầu từ hôm 11/12 trên quảng trường Manhedj, quảng trường trung tâm của Mátxcơva. Hôm đó, từ 5.000-10.000 thanh thiếu niên Nga đã bột phát tụ họp để đưa tang một fan hâm mộ đội bóng Spartak người Nga, đã bị 1 thanh niên Kavkaz bắn chết mấy hôm trước trong một cuộc ẩu đả. Kể từ đó, làn sóng chống người Kavkaz nói riêng và làn sóng chống người nước ngoài nói chung đã lan ra trên nhiều thành phố của Nga, đặc biệt mãnh liệt là ở hai thành phố Mátxcơva và Saint Peterburg.
Tại phiên họp ở Zurich đầu tháng 12, Nga đã được trao quyền đăng cai Giải vô địch bóng đá thế giới 2018, vượt qua các ứng viên Anh, Tây Ban Nha-Bồ Đào Nha, Bỉ-Hà Lan. Như vậy, đến năm 2018, World Cup sẽ được tiến hành lần đầu tiên không chỉ ở Nga mà còn là lần đầu tiên ở Đông Âu nói chung. Theo truyền thống, nước chủ nhà tổ chức sẽ được hưởng quyền không cần qua các trận đấu loại.
Trang mạng WikiLeaks đã gây chấn động ngành ngoại giao thế giới khi công bố hàng trăm nghìn điện tín ngoại giao mật cho biết toàn cảnh chưa từng thấy về những cuộc đàm phán bí mật mà các sứ quán nước Mỹ trên khắp thế giới thực hiện. Các tài liệu ngoại giao do WikiLeaks tiết lộ ngày càng gây bất bình cho lãnh đạo nhiều nước, từ Nga, Thổ Nhĩ Kỳ cho đến Argentina, Venezuela… Thủ tướng Nga Vladimir Putin đã khuyên các chính trị gia Mỹ - những người thường hay chỉ trích nền dân chủ ở Nga - không nên can thiệp vào chuyện bầu cử của người Nga.
Nhật Mai
Tổng hợp