(Dân trí) - Triển lãm quy mô nhất thế giới, Á vận hội lớn nhất trong lịch sử về số vận động viên tham dự, những chính sách và hiệp định kinh tế bước ngoặt, động đất và lở đất gây hậu quả nghiêm trọng… là những sự kiện nổi bật của Trung Quốc trong năm 2010.
1. Triển lãm quốc tế Thượng Hải diễn ra trong 6 tháng, từ ngày 1/5 đến 31/10. Với chủ đề "Một thành phố tốt hơn, một cuộc sống tốt hơn", đây triển lãm đầu tiên dưới hình thức này diễn ra tại một nước đang phát triển và là sự kiện lớn nữa của Trung Quốc sau Olympics Bắc Kinh năm 2008. Triển lãm thu hút 246 nước và các tổ chức quốc tế và 73 triệu du khách tham gia. Để chuẩn bị cho sự kiện trọng đại này, thành phố Thượng Hải đã mất 8 năm và chi 400 tỉ NDT (58,6 tỉ USD), ngoài ra phía chỉnh phủ còn đâu tư thêm 45 tỉ NDT (6,7 tỉ USD), tổng mức ngân sách đầu tư còn cao hơn cả Thế vận hội Bắc Kinh.
2. Hiệp định khung hợp tác kinh tế giữa Trung Quốc và Đài Loan (gọi tắt là ECFA) có hiệu lực từ ngày 12/9, làm cho hai bờ eo biển bị chia tách 60 năm trước hợp tác chặt chẽ hơn. ECFA được ký vào tháng 6/2010, là thỏa thuận rộng lớn nhất giữa hai bờ eo biển kể từ nội chiến năm 1949 đến nay. Người phát ngôn của phía Đài Loan La Chí Cường cho biết: “Hiệp định này không chỉ tác động sâu sắc đến việc phát triển mối quan hệ xuyên eo biển trong tương lai mà còn củng cố hơn nữa hòa bình và thịnh vượng xuyên eo biển”. Chính quyền Mã Anh Cửu cho biết hiệp định sẽ tạo ra 260.000 việc làm cho nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của Đài Loan, góp phần làm tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế của Đài Loan thêm 1,7 điểm phần trăm. Về cơ bản, hiệp định này sẽ làm cho kinh tế hai bờ eo biển hội nhập.
3. Trung Quốc đã công bố “Đề cương Kế hoạch Nhà nước cho Cải cách và Phát triển Giáo dục trung và dài hạn (2010-2020)” – kế hoạch giáo dục quốc gia trong thập kỷ tới, vào ngày 29/7, cam kết hình thành một xã hội học vấn và đưa Trung Quốc thành một nước giàu nhân tài vào năm 2020. Kế hoạch này nhằm thúc đẩy công bằng giáo dục như là chính sách nền tảng và tăng cường đầu tư giáo dục cho các khu vực nông thôn và dân tộc thiểu số.
4. Một lễ kỷ niệm đã được tổ chức ngày 6/9 tại thành phố Thâm Quyến thuộc miền nam Trung Quốc để kỷ niệm sinh nhật thứ 30 thành phố này thành vùng đặc khu kinh tế đầu tiên của Trung Quốc. Trung Quốc đã thông qua việc thành lập đặc khu kinh tế Thâm Quyến ngày 26/8/1980. Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào nói trước lễ kỷ niệm rằng chính phủ Trung ương sẽ luôn ủng hộ các đặc khu kinh tế.
5. Bức ảnh trên chụp ngày 18/4 cho thấy lực lượng cứu hộ đang tìm kiếm những người còn sống sót sau trận động đất kinh hoàng ở Thanh Hải thuộc Tây Tạng. Nạn nhân trận động đất lên đến hơn 1000 người, hơn 200 người mất tích. Bức ảnh dưới cho thấy hậu quả khủng khiếp của trận lở đất xảy ra sáng 8/8 ở tỉnh Cam Túc, tây bắc Trung Quốc. Lở đất xảy ra đúng giữa đêm, khoảng từ 0 giờ đến 1 giờ sáng khiến hàng trăm người thiệt mạng và mất tích.
6. Hội nghị Trung ương 5 khóa 17, Đảng Cộng sản Trung Quốc từ 15-18/10 đã tiến hành xem xét “Kế hoạch 5 năm lần thứ 12” - một chiến lược lớn sẽ ảnh hưởng đến kinh tế Trung Quốc và thậm chí cả thế giới trong 5 năm tới. Kế hoạch này đưa ra những cải cách quan trọng trong nhiều lĩnh vực, trong đó lấy chuyển dịch phương thức phát triển kinh tế làm trọng tâm. Kế hoạch sẽ được Quốc hội thông qua vào mùa Xuân tới, trong đó nhấn mạnh tái cân bằng kinh tế, tăng lương, tăng thu nhập ở các vùng nông thôn và tăng 1,5 nghìn tỷ USD đầu tư cho các ngành sản xuất công nghiệp cũng như các ngành chiến lược, các công nghệ ít cácbon và năng lượng thay thế.
7. Asiad 16 diễn ra hoành tráng ở Quảng Đông từ ngày 12-27/11. Ủy ban Olympic châu Á (OCA) đã chính thức xác nhận Asiad 16 là kỳ Á vận hội lớn nhất trong lịch sử về số vận động viên tham dự. Tại Á vận hội lần này, có gần 10.000 vận động viên của 45 nước và khu vực lãnh thổ châu Á đến dự, có 36 nước và khu vực lãnh thổ giành được huy chương, trong đó có 29 nước và khu vực lãnh thổ đã giành được huy chương vàng. Đoàn thể thao Trung Quốc đã giành được 199 tấm huy chương vàng, 119 tấm huy chương bạc, 98 tấm huy chương đồng, số huy chương vàng và số huy chương đều đứng thứ nhất. Tiếp đến là các Đoàn Thể thao Hàn Quốc, Nhật Bản.
8. Tổng cục thống kê Quốc gia Trung Quốc ngày 3/12 loan báo sản lượng lương thực của nước này đã tăng 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 546,41 triệu tấn. Đây là năm thứ 7 liên tiếp sản lượng lương thực của nước này tăng.
9 Tại Hội nghị trung ương về công tác kinh tế năm 2010 diễn ra ngày 3/12, các nhà hoạch định chính sách đã chuyển từ chính sách tiền tệ nới lỏng sang “thận trọng”. Số liệu mới từ Cục thống kê quốc gia cho thấy tỷ lệ lạm phát ở Trung Quốc đã chạm mức 5,1% trong tháng 11 – mức cao nhất trong vòng 28 tháng gần đây, thúc giục chính quyền nước này đặt vấn đề kiểm soát giá cả lên hàng đầu.
10. Siêu máy tính mới Tianhe-1A của Trung Quốc đã trở thành một trong những hệ thống có tốc độ xử lý nhanh nhất trên thế giới. Siêu máy tính này được đặt ở Trung tâm Siêu điện toán Quốc gia ở Thiên Tân (Trung Quốc). Chúng được trang bị tới 7168 bộ xử lý đồ họa (GPU) Tesla M2050 của Nvidia, mỗi bộ GPU này lại có tới 448 lõi xử lý. Ngoài ra, chúng còn được trang bị tới 14.336 bộ CPU Xeon 6 lõi của Intel và có thể đạt đến khả năng tính toán liên tục 2,5 petaflop (1 petaflop = một ngàn ngàn tỉ phép tính mỗi giây). Theo tuyên bố của Nvidia, siêu máy tính này do trường Đại học Công nghệ quốc phòng của Trung Quốc xây dựng và là hệ thống nhanh nhất ở Trung Quốc và kể cả trên thế giới hiện nay. Bên cạnh khả năng tính toán được duy trì liên tục 2,5 petaflop, theo lý thuyến siêu máy tính có thể đạt tốc độ xử lý lên tới 4.669 petaflop khi các bộ GPU sẵn sàng hoạt động.