1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Những quan điểm tranh cử của Hillary Clinton

(Dân trí) - Bà Hillary Clinton, cựu Thượng nghị sĩ New York, cựu Ngoại trưởng và phu nhân Tổng thống thứ 42 của nước Mỹ, đã bắt đầu chiến dịch tranh cử từ tuần này. Thân thế của bà có thể là điểm mạnh để giành được sự ủng hộ của đảng Dân chủ.

Cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton (Ảnh:
Cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton (Ảnh: Getty)

Bà Hillary đang nhẹ nhàng khởi động chiến dịch tranh cử bằng việc tổ chức các cuộc gặp quy mô nhỏ với những đại biểu chưa quyết định chọn người ủng hộ. Tuy nhiên, bà sẽ sớm chuyển sang tập trung vào các chủ đề chính, kể cả những vấn đề gai góc như chuyện sử dụng hộp thư điện tử hoặc các khoản quyên góp cho Quỹ Clinton của chồng bà.

Chủ tịch ủy ban tranh cử của bà Hillary là ông John Podesta, một người chuyên về chính sách và rất lọc lõi về chính trị. Qua nhiều cuộc trao đổi với các chuyên gia chính sách của đảng Dân chủ, ủy ban tranh cử này gợi ý là các nét chính trong chương trình tranh cử của bà Clinton nên khác với chương trình trước đây của ông Obama, chủ yếu ở khía cạnh nhiệt thành hơn là khác về bản chất.

Bà Hillary ngày 14/4 đã bắt đầu chiến dịch vận động tranh cử tại bang Iowa.

 

Trong cuộc thảo luận bàn tròn với giáo viên và học sinh tại Đại học Cộng đồng Kirkwood, bà Clinton đã đề cập tới những điểm nhấn trong chiến dịch vận động tranh cử sắp tới.

 

“Chúng ta cần xây dựng lại nền kinh tế cho ngày mai, không phải cho ngày hôm hôm qua. Chúng ta cần tăng cường sức mạnh cho các gia đình và các cộng đồng vì đây là nơi mọi thứ khởi nguồn. Chúng ta cần cải thiện lại hệ thống chính trị thiếu năng động, kể cả phải tiến hành sửa đổi hiến pháp. Chúng ta cần phải bảo vệ nước Mỹ trước mọi đe dọa”, cựu Ngoại trưởng Hillary tuyên bố.

 

Trong những tuần tới, đội cố vấn của bà Clinton sẽ công bố những đề xuất chi tiết về kế hoạch vừa được công bố nêu trên.

 

Ngọc Anh

Bà Hillary được đánh giá là bảo thủ hơn Tổng thống Obama, ngoại trừ các vấn đề đối nội và kinh tế. Trong chiến dịch tranh cử năm 2008, bà đã đưa ra đề xuất về chăm sóc sức khỏe thậm chí còn cấp tiến hơn cả đề xuất của chính ông Obama. Năm 2007, bà Hillary cũng đã bảo vệ quy định về nguồn gốc tài chính trong khi ông Obama không thể làm như vậy cho đến tận khi chính thức trở thành tổng thống.

Trong chính sách đối ngoại, bà Hillary cũng theo chủ trương can dự nhiều hơn. Khi là Thượng nghị sĩ, bà ủng hộ chiến tranh Iraq và đến năm 2011, bà chính là người ủng hộ mạnh mẽ nhất can thiệp vào Libya. Hiện nay, dường như quan điểm của Hillary đã dịu bớt trong các chủ đề này, vốn khiến những người cấp tiến của đảng Dân chủ rất phản đối.

Đánh giá về các vấn đề đối nội của bà Hillary trong chương trình tranh cử có thể thấy rõ nhất là qua những khuyến nghị công khai cho bà từ Trung tâm Tiến bộ Mỹ (CAP), một cơ quan nghiên cứu do Neera Tanden điều hành. Neera là cựu giám đốc chính sách của Hillary từ hồi tranh cử năm 2008 và cũng từng tốt nghiệp trường Luật Yale. Vào tháng 1/2015, CAP đã bảo trợ cho một bản báo cáo của Ủy ban về Sự thịnh vượng chung mà một trong các đồng tác giả chính là Larry Summers, cựu Giám đốc Cục dự trữ Liên bang Mỹ thời Tổng thống Bill Clinton. Theo các chuyên gia nghiên cứu bầu cử Mỹ, một chỉ dấu khác nữa để xem xét quan điểm đối nội của Hillary chính là bài phát biểu của bà tại Quỹ New America vào năm 2014.

Khi công khai đề cập khoảng cách giàu nghèo và đưa ra lập luận rằng nhiều lợi ích từ nền kinh tế đang đổ sang phía những người giầu, dường như như Hillary muốn tạo sức ép nhiều hơn lên giới trung lưu trở lên. Nhắc lại bản báo cáo của ông Summers, bà muốn khai thác các khía cạnh để người lao động trực tiếp có nhiều quyền hơn. Những ý kiến này kết hợp cả chính sách phúc lợi theo mô hình kiểu Đức và Bắc Âu nhằm khuyến khích giới kinh doanh và người lao động hợp tác với nhau để cải thiện năng suất lao động.

Bà Hillary cũng khó tránh khỏi việc phải đề xuất cắt giảm thuế cho giới trung lưu. Câu hỏi chỉ là khi nào và liệu có tập trung vào cắt giảm thuế thu nhập hay là chỉ hạ tỷ suất thuế. Bà cũng sẽ phải đề xuất chi phí nếu có cho các điều chỉnh nhằm xóa bỏ những kẽ hở trong luật thuế.

Không có khả năng hùng biện về nguy cơ đổ vỡ ngân hàng như Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren nhưng bà Hillary vẫn muốn thể hiện là bà không hề thua kém giới tài chính phố Wall hoặc bất kỳ một đảng viên Dân chủ nào khác. Có thể Hillary sẽ tiếp tục duy trì luật về điều tiết tài chính có tên Dodd-Frank. Bà thậm chí có thể sẽ thêm vào đó một số điều chỉnh mới và kêu gọi áp dụng hàng loạt quy định tiêu biểu như về năng lực của những người điều hành công ty có quyền phê chuẩn việc mua đi bán lại chứng khoán nhằm tránh thu lợi cá nhân.

Chắc chắn Hillary sẽ tập trung sự quan tâm vào mối quan hệ hợp tác khu vực hành chính công và tư nhân. Trong một sự kiện được tổ chức mới đây tại CAP, bà đã tỏ ra đặc biệt quan tâm khi các chuyên gia đưa ra so sánh Pittsburgh là một thành phố thịnh vượng nhờ sự phối hợp tốt giữa chính phủ và  khu vực tư nhân với thành phố Detroit, nơi rất thiếu vắng sự hợp tác nói trên.

Về chính sách đối ngoại, Hillary sẽ cứng rắn với Nga. Bà cũng sẽ kêu gọi áp dụng chính sách can dự nhiều hơn với Trung Quốc. Do sự lo ngại của những người ủng hộ duy trì việc làm tại Mỹ, bà có thể sẽ tạm hoãn các thỏa thuận thương mại với Trung Quốc dưới một số điều kiện nhất định nào đó.

Trong vấn đề Trung Đông, Hillary sẽ ủng hộ cuộc chiến chống Nhà nước tự xưng IS. Bà cũng có thể sẽ tạm ngừng mọi thỏa thuận hạt nhân với Iran nếu các thỏa thuận đó đã được ký kết. Sự cứng rắn này tương tự chính sách được thực thi trước đây thời bà là Ngoại trưởng.

Ngược lại, Hillary sẽ mềm mỏng với Israel hơn chính quyền hiện tại của ông Obama. Một số nhà nghiên cứu dự báo thậm chí bà có thể sẽ không hợp tác với Tổng thống Obama nữa nếu ông quyết định không phủ quyết nghị quyết về Nhà nước Palestine tại Liên hợp quốc.

Bà Hillary sẽ phải triển khai tất cả những nét lớn về chính sách đó trong cương lĩnh tranh cử của mình vì cuộc đua năm 2016, giống như mọi kỳ bầu cử không có ứng viên là đương kim tổng thống, sẽ chủ yếu đề cập đến tương lai chứ không phải quá khứ.

Minh Châu
Theo Bloomberg