Những phóng viên Việt Nam đầu tiên được viếng Lãnh tụ Fidel Castro
Sau lễ truy điệu lãnh tụ Cuba Fidel Castro ngày 3/12, chúng tôi chuẩn bị sẵn sàng đưa tin lễ an táng ông tại Nghĩa trang Santa Ifigenia.
Cả nhóm phóng viên chúng tôi, bao gồm cả các phóng viên nước ngoài từ nhiều hãng tin nổi tiếng trên thế giới đều bất ngờ khi được tin lễ an táng sẽ được tổ chức theo hình thức gia đình và phóng viên sẽ không được tiếp cận.
Do có thông tin như vậy nên sáng hôm sau chúng tôi chủ động tới di tích lịch sử trại lính Moncada, nơi Fidel dẫn đầu một nhóm chiến sỹ tấn công ngày 26/7/1953. Cuộc tấn công tuy thất bại do chênh lệch vì lực lượng nhưng được coi là có ý nghĩa lịch sử to lớn, là điểm khởi đầu cho cách mạng Cuba.
Mặc dù đã gần trưa, với suy nghĩ rằng lễ an táng đã kết thúc, chúng tôi vẫn quyết định ra Nghĩa trang Santa Ifigenia. Trước cổng Nghĩa trang, rất đông người dân Cuba, cả khách du lịch, và đặc biệt là rất nhiều phóng viên quốc tế đang đứng chờ gì đó, thỉnh thoảng lại nghển cổ ngó vào trong khu vực Nghĩa trang. Nhiều người dân Cuba cầm trên tay những bông hoa nhỏ, nét mặt ai cũng đượm buồn.
Chúng tôi nhanh chóng hòa vào dòng người, tranh thủ kết hợp phỏng vấn người dân và cũng mong rằng sẽ được vào trong nghĩa trang để tác nghiệp. Chốc chốc lại có một sỹ quan quân đội đi ra, các phóng viên hỏi liệu có được vào tác nghiệp hay không.
Chúng tôi khá thất vọng khi câu trả lời rằng chỉ có người dân được vào, phóng viên thì phải có giấy phép và đăng ký trước. Một số phóng viên, trong đó có cả chúng tôi, đã định quay ra, nhưng tự nhiên thấy mọi người nháo nhác chen lên phía trước, hóa ra là lại được phép tác nghiệp vào phút chót.
Các phóng viên đều mong sẽ được vào trước để đưa tin sớm nhất. Từng nhóm 10 người lần lượt vào. Trong lúc đứng chờ trước khi vào nghĩa trang, chúng tôi được bà Giám đốc Nghĩa trang, một phụ nữ nhỏ nhắn trong trang phục màu trắng đưa cho mỗi người một bông hồng trắng để vào viếng Lãnh tụ Fidel.
Đi khoảng 2 phút, trước mắt tôi là khu mộ Lãnh tụ Fidel. Một phiến đá lớn với dòng chữ Fidel, đằng trước là chỗ để hoa, đằng sau là một bức tường nhỏ với dòng chữ “Các liệt sỹ- ngày 26/7/1953”. Tôi đặt bông hồng trắng trước mộ Fidel. Ngôi mộ thật giản dị, giản dị như tính cách của Fidel- vị lãnh đạo cách mạng kiệt xuất của nhân dân Cuba.
Trên đường ra, tôi thấy người dân Cuba xếp hàng càng ngày càng đông để được vào viếng vị Lãnh tụ kiệt xuất của mình. Tôi nhìn thấy một người đàn ông, tầm 70 tuổi, ngồi lặng lẽ một mình bên đường. Ông đang khóc, từng giọt nước mắt chảy dài.
Tôi không biết nói gì hơn, ngồi xuống với ông, và trong tôi cũng cảm thấy nghẹn ngào như cảm nhận được nỗi đau buồn, thương tiếc của người dân Cuba đối với Lãnh tụ Fidel. Tôi xin phép được chụp lại một bức ảnh của ông, người đàn ông lặng lẽ gật đầu. Tới giờ, ngồi viết lại những dòng này, tôi vẫn không thể nào quên hình ảnh người đàn ông ngồi khóc một mình bên đường.
Chúng tôi thật vinh dự khi là những người Việt Nam, những phóng viên Việt Nam đầu tiên được viếng Lãnh tụ Fidel tại khu mộ của ông. Riêng tôi, sẽ không bao giờ quên ngày 4/12/2016, ngày tôi được đứng trước Lãnh tụ Fidel và thầm nhủ “Hasta siempre, Comandante!” (Xin mãi hẹn gặp lại, Tư lệnh Fidel Castro). Và chắc chắn sẽ có ngày tôi và gia đình sẽ quay trở lại Cuba, Tổ quốc thứ hai của tôi, để tới thăm ông./.
Theo Phạm Huân/VOV-Washington (từ Santiago de Cuba)