1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Những ông trùm buôn lậu vũ khí: Sarkis – Nhà buôn chiến tranh

Trong số những ông trùm lái súng mà tên tuổi đã trở nên lẫy lừng trong giới mua bán vũ khí chợ đen thì Sarkis Garabet Soghanalian là trường hợp lạ lùng nhất.

Lạ ở chỗ ông ta vừa được Chính phủ Mỹ khen thưởng, lại vừa bắt bỏ tù. Giới truyền thông gọi Sarkis là “kẻ buôn lậu vũ khí lớn nhất thập niên 90 thế kỷ trước”, còn Saddam Hussein, cố Tổng thống Iraq thì đặt cho Sarkis cái tên “Nhà buôn chiến tranh - Merchant of War”…

Vừa có công, lại vừa có tội!

Sở dĩ Sarkis có cái tên chẳng lấy gì làm đẹp đẽ là vì lúc cuộc chiến giữa Iran, Iraq nổ ra vào tháng 9-1980 và kéo dài đến tháng 8-1988, Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) mặc dù không ưa Saddam Hussein nhưng để hạn chế tầm ảnh hưởng của Iran, đồng thời cũng để trả đũa vụ Iran bắt 63 con tin người Mỹ tại Sứ quán Mỹ ở Tehran hồi tháng 11-1979 nên họ đã nhờ Sarkis đứng ra bán vũ khí cho Iraq.

Với sự hỗ trợ của Cục Quản lý Hành chính và Ngân sách Mỹ (Office of Management and Budget) cùng các cơ quan tình báo Mỹ, Sarkis đã chuyển cho Saddam Hussein một số chiến cụ trị giá 1,6 tỉ USD, trong đó có cả những khẩu pháo cỡ nòng 175mm do Pháp chế tạo.

Những ông trùm buôn lậu vũ khí: Sarkis – Nhà buôn chiến tranh - 1

Sarkis Garabet Soghanalian.

Thoạt đầu, những nhà lãnh đạo Iraq tiếp cận một số quan chức trong chính quyền Tổng thống Reagan để mua pháo 175mm của Mỹ - được mệnh danh là “vua chiến trường” nhưng đã bị từ chối. Tuy nhiên, các quan chức ấy lại rỉ tai cho Iraq biết là có thể tìm mua súng ống thông qua những nhà buôn vũ khí tư nhân, và một trong những nhà buôn “uy tín nhất” là Sarkis, coi như họ “vẽ đường cho hươu chạy!”

Năm 1981, một nhóm chuyên gia Iraq lần đầu gặp gỡ Sarkis tại văn phòng của ông ta ở thành phố Miami, bang Florida, Mỹ. Sau khi đã thảo luận xong những điều kiện cơ bản với phía Iraq, Sarkis tìm đến người Pháp bởi thông tin do CIA cung cấp, Sarkis biết Tổng thống Pháp là ông Francois Mitterrand đồng ý cho phép tiến hành các giao dịch miễn là nó được giữ bí mật vì rằng thời điểm ấy, Iran cũng đang cầm giữ con tin người Pháp nên ông Mitterrand không muốn vụ việc lùm xùm thêm. Thương vụ mua bán pháo 175mm được CIA đặt mật danh là “Vulcan - Hỏa diệm sơn”.

Không chỉ dừng lại ở đó, theo yêu cầu của Saddam Hussein, Sarkis còn mua giúp Iraq hàng trăm khẩu pháo 155mm có nguồn gốc từ Nam Phi rồi chuyển đến Áo trước khi giao cho Iraq qua một nhân vật trung gian nhằm tránh sự trừng phạt của Liên Hiệp Quốc. Chưa hết, cũng nhờ Sarkis, quân đội Iraq có thêm 300.000 bộ quân phục, mũ sắt, giày trận, áo giáp,  trị giá 28 triệu USD, do Romania sản xuất!

Sau này, trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình 60 Minutes, Mỹ, Sarkis nói: “Các quan chức cấp cao Mỹ - bao gồm cựu Tổng thống Richard Nixon, cựu Phó tổng thống Spiro Agnew, Tham mưu trưởng của Nixon là đại tá Jack Brennan và Tổng chưởng lý John N. Mitchell ngay từ đầu đã nhận thức được lợi ích của Mỹ khi bán vũ khí cho Iraq. Để khuyến khích các quan chức cấp cao khác đồng ý, Nixon đã viết một lá thư nhằm đẩy nhanh việc này”...

Những vụ mua bán vũ khí có “chỉ đạo”!

Sinh ngày 6-2-1929 tại Iskanderun, Syria (nay là một phần của Thổ Nhĩ Kỳ) trong một gia đình gốc Armenia. Cuối năm 1939, Sarkis cùng cha mẹ đến Liban để tránh cuộc chiến tranh giành lãnh thổ giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Do điều kiện kinh tế khó khăn, cuộc sống thiếu thốn nên Sarkis quyết định bỏ học rồi gia nhập quân đội Pháp - lúc ấy có một đơn vị đồn trú ở Beirut, Liban - với vai trò là một lính xe tăng.

Những ông trùm buôn lậu vũ khí: Sarkis – Nhà buôn chiến tranh - 2

Lực lượng FARC phấn khởi với những khẩu súng mới tinh mà lẽ ra, người mua là chính phủ Peru.

Chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc, Sarkis giải ngũ rồi kiếm sống bằng cách làm hướng dẫn viên trượt tuyết ở Liban. Tại đây, ông kết hôn với một phụ nữ người Mỹ tên là Shirley. Năm 1958, vợ chồng ông chuyển đến Miami, bang Florida, Mỹ và lần lượt có hai người con. Sarkis kể: “Sau Thế chiến II, quân đội Anh, Mỹ dư thừa rất nhiều xe Land Rover, xe Jeep. Móc ngoặc với một số chỉ huy các đơn vị quân vận, tôi mua nó dưới dạng “xe thanh lý” rồi bán lại cho những người có nhu cầu, trong đó chủ yếu là quân đội Liban”.

Từ việc mua bán xe dẫn đến việc mua bán súng. Năm 1973, một nhóm tướng lĩnh Liban hỏi Sarkis, rằng liệu ông có thể tìm mua giúp họ một số vũ khí hay không? Sau nhiều ngày tìm hiểu, ông trả lời được. Lô hàng đầu tiên giao cho Liban chỉ gồm vài nghìn khẩu súng trường Garant M1, M2 và tiểu liên Thompson do Mỹ sản xuất, và người Mỹ biết rõ việc này.

Khi Liban xảy ra nội chiến, nhu cầu vũ khí tăng cao, Sarkis nhanh chóng tìm ra một nguồn cung cấp khác từ Bulgaria, Hungary và Ba Lan nhưng ban đầu chủ yếu vẫn là súng cá nhân. Sarkis kể tiếp: “Khi đã tạo được sự tin tưởng, họ bán cho tôi súng cối và súng máy hạng nặng vì họ cũng đang cần ngoại tệ là những đồng USD”.

Và không chỉ Liban, Sarkis còn vươn tay đến châu Phi bằng việc bán vũ khí cho Mặt trận Nhân dân giải phóng Tây Sahara (POLISARIO) thông qua nước Cộng hòa Hồi giáo Mauritania, bán cho Mobutu Sese Seko, Tổng thống Zaire cũng như bán cho các nước Mỹ Latinh như Nicaragua, Ecuador. Thời điểm ấy, mỗi năm Sarkis kiếm được hơn 12 triệu USD và được coi là “cỗ máy cá nhân kiếm tiền nhanh nhất thế giới”.

Năm 1982, khi xảy ra cuộc tranh chấp hòn đảo Falklands giữa người Anh và Argentina, Sarkis mua tên lửa Exocet của Pháp rồi bán lại cho Argentina. Nhờ loại tên lửa này, Hải quân Argentina đã bắn chìm chiến hạm HMS Sheffield của Hải quân Anh.

Những ông trùm buôn lậu vũ khí: Sarkis – Nhà buôn chiến tranh - 3

Chiến hạm HMS Sheffield, Anh quốc trúng tên lửa Exocet do Sarkis bán cho Argentina.

Cũng trong năm 1982, Sarkis bị bắt rồi bị kết án 5 năm quản chế vì đã bán 197 súng máy hạng nặng, đạn dược, trị giá 1,1 tỉ USD cho Cộng hòa Hồi giáo Mauritania. Đến năm 1986, Sarkis lại bị bắt ở sân bay quốc tế Miami vì đã vận chuyển 2 tên lửa đất đối không vác vai không giấy phép nhưng lần này thẩm phán Tòa án Maimi tuyên bố ông ta vô tội.

Giữa năm 1990, một thời gian ngắn trước khi Saddam Hussein cho quân đội Iraq xâm chiếm Kuwait, Sarkis nhiều lần xuất hiện trong các cuộc phỏng vấn trên truyền hình và chẳng hiểu cái miệng ăn mắm ăn muối thế nào mà ông lại giải thích rất chi tiết về những việc ông ta đã làm ở Iraq, đồng thời nêu tên một số quan chức Chính phủ Mỹ, những người đã cùng ông ta tham gia mua bán súng đạn. Nhiều thành viên thuộc Tiểu ban Tình báo Hạ viện Mỹ cho rằng tiết lộ của Sarkis là “cực kỳ đáng lo ngại cho mọi người Mỹ”.

Bị lật bài ngửa, Bộ Tư pháp Mỹ buộc tội Sarkis vận chuyển vũ khí trái phép đến Iraq, trong đó có 103 máy bay trực thăng vũ trang. Tiếp theo, Tòa án liên bang tuyên phạt Sarkis 6 năm rưỡi tù giam và nộp phạt 20.000USD nhưng mới chỉ ngồi tù 2 năm, Sarkis được trả tự do vì đã cung cấp thông tin, giúp chính quyền Mỹ phá vỡ một vụ làm giả hóa đơn trị giá 100 tỉ USD có nguồn gốc từ Liban.

Giải thích với kênh truyền hình Frontline, Mỹ, về chuyện bị ở tù, Sarkis nói: “Người Mỹ biết rõ những gì tôi làm và tôi đã từng được khen thưởng. Khi Liên Hiệp Quốc tuyên bố cấm vận vũ khí với Iraq, chúng tôi đã cung cấp cho họ nhằm chống lại kẻ thù chung - thời điểm đó là Ayatollah Khomeini - nhà lãnh đạo tinh thần tối cao của Iran. Để giữ thể diện cho nước Mỹ, chúng tôi không thực hiện bất kỳ một hoạt động nào từ Mỹ, mà thông qua một số quốc gia châu Âu. Nhưng khi Saddam Hussein xua quân xâm lược Kuwait, và Mỹ tham gia chống lại Saddam Hussein thì người bạn của ngày hôm qua đã trở thành kẻ thù của ngày hôm nay…”

Dù đã “đoái công chuộc tội” nhưng Bộ Tư pháp Mỹ vẫn chưa bỏ qua cho Sarkis. Năm 2001, ông lại bị bắt một lần nữa với cáo buộc gian lận ngân hàng 3 triệu USD, liên quan đến một vụ làm ăn với Peru. Tuy nhiên, chỉ một năm sau khi vào tù, Sarkis khai ra chiến dịch mua bán vũ khí giữa CIA và Peru - mà chiến dịch ấy được cho là nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của Chính phủ Peru do Tổng thống Alberto Fujimori lãnh đạo - thì ông ta được trả tự do.

Cội nguồn của vụ việc này là năm 1999, theo “gợi ý” của CIA, Sarkis đã sắp xếp một chuyến hàng gồm 50.000 khẩu AK 47, xuất xứ từ CHDC Đức và Jordan để bán cho Chính phủ Peru. Thế nhưng, phần lớn số súng ấy lại rơi vào tay Lực lượng Vũ trang cách mạng Colombia (FARC), trong lúc Chính phủ Mỹ ủng hộ Chính phủ Colombia.

Theo lời tường thuật của Sarkis với kênh truyền hình Frontline, thì đích thân ông ta đã đến Peru và trực tiếp gặp gỡ tướng Vladimiro Montesinos, Giám đốc Cơ quan Tình báo Peru. Sarkis nói: “Tôi đã kiểm tra và tôi đã bị tướng Montesinos thuyết phục rằng đó là một vụ mua bán chính đáng. Nhưng sau khi giao hàng thì tôi không thể kiểm soát được, người mua sử dụng chúng ra sao, tôi không thể biết được. Sau này, tôi mới hay rằng đã có một cuộc đảo chính ở Peru, dẫn đến việc tướng Montesinos phải trốn khỏi đất nước. Ngẫm lại, tôi đã bị Vladimiro Montesinos  lừa…”

Vẫn theo Sarkis, hầu hết các vụ giao nhận vũ khí đều được thả bằng dù từ những chiếc máy bay tư nhân: “Nếu bạn tuân thủ các quy định của IATA (Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế) thì mỗi lần cất cánh, IATA sẽ biết bạn đi đâu qua hệ thống định vị toàn cầu, và chi phí sẽ đắt gấp 5 lần so với bay tự do. Còn tôi, 2 tiếng trước khi bay, tôi liên hệ với một công ty bảo hiểm hàng không và công ty này sẽ làm việc với các trạm kiểm soát không lưu trên suốt tuyến đường mà tôi sẽ đến. Sau đó, họ cung cấp cho tôi lộ trình, thời gian, độ cao, tần số vô tuyến điện. Họ làm điều đó rất dễ dàng…”

Và mặc dù là “nhà buôn chiến tranh” nhưng Sarkis cũng làm… từ thiện! Năm 1988, khi xảy ra trận động đất kinh hoàng ở Liên Xô, giết chết 55.000 người và khiến hơn 750.000 người mất nhà cửa, nhiều người trong số họ là người Armenia, Sarkis đã cho 26 máy bay vận tải phản lực của mình chở hàng cứu trợ đến. Trước hành động này, Tổng thống Mỹ George Bush đã mô tả Sarkis là “một cá nhân tích cực góp phần tăng cường các mối quan hệ đoàn kết nhân loại”.

Ngày 5-10-2011, Sarkis qua đời tại Bệnh viện Hialeah ở thành phố Hialeah, bang Florida, Mỹ sau một cơn đau tim. Trước đó, ông đã ly dị vợ là bà Shirley. Hai đứa con ông, một trai và một gái luôn ở cạnh ông trong những giờ phút cuối.

Ông nói: “Con trai tôi không được phép tham gia vào những vụ mua bán vũ khí. Thậm chí tôi còn không cho nó biết”, rồi ông mỉa mai: “Khi phát minh ra thuốc nổ, Alfred Nobel đã bị những người cùng thời gọi là “lái buôn thần chết” nhưng sau đó, họ lại lấy tên ông để đặt cho các giải thưởng về y học, hóa học, vật lý, văn học, kinh tế và hòa bình. Còn tôi, tôi chỉ là một nhà kinh doanh nên họ muốn gọi tôi là gì cũng được. Mỗi cuộc chiến tranh đều có một hay nhiều nguồn gốc chứ đâu phải hễ muốn là có”.

Vẫn theo ông “lái buôn chiến tranh”, có hàng trăm cách để ngăn chặn vũ khí chợ đen: “Với công nghệ tiên tiến hiện nay, khi bạn giao khẩu súng cho một ai đó thì liền lập tức, người đó phải kích hoạt hệ thống điều khiển súng thông qua dấu vân tay. Rồi chỉ khi nào người cầm súng có dấu vân tay giống như vân tay đã kích hoạt thì mới bắn được”.

Sau khi Sarkis mất, Cơ quan Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã cho giải mật 2.500 trang tài liệu về các hoạt động của Sarkis, trong đó có những vụ động trời, chẳng hạn như: “Cuối năm 1987, Sarkis đóng một vai trò quan trọng trong nỗ lực đưa cựu Tổng thống Ferdinand Marcos từ Honolulu, Hawaii về Philippines để thực hiện âm mưu đảo chính, giành lại quyền hành…”.

Theo Cao Trí/Global Witness

An ninh thế giới