1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Những "nút thắt" khiến đàm phán Nga - Ukraine vẫn bế tắc

Đức Hoàng

(Dân trí) - Nga và Ukraine đã trải qua nhiều vòng đàm phán để tìm giải pháp ngoại giao cho chiến sự. Tuy nhiên, hai bên vẫn còn tồn tại những khác biệt khiến quá trình này vẫn chưa có bước tiến nào đáng kể.

Những nút thắt khiến đàm phán Nga - Ukraine vẫn bế tắc - 1

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Reuters).

Ngày 24/2, Nga đã phát động chiến dịch đặc biệt ở Ukraine với mục tiêu phi quân sự hóa nước láng giềng. Sau khoảng gần một tháng, hai bên đã ngồi xuống bàn đàm phán theo cả hình thức trực tiếp lẫn trực tuyến, nhưng cho tới nay vẫn chưa thể thống nhất được những vấn đề quan trọng.

Dù Thổ Nhĩ Kỳ, bên đang tích cực làm trung gian hòa giải, tiết lộ rằng cả Nga và Ukraine đã xích lại gần nhau trong một số vấn đề chính, nhưng thực tế, chưa có một thông tin chính thức nào cho thấy, hai nước đã có tiếng nói chung liên quan tới các biện pháp khép lại chiến sự.

Theo Reuters, có nhiều hơn một vấn đề đang "ngáng đường" 2 bên tìm đến một giải pháp cuối cùng. Nga vẫn duy trì sự kiên quyết của họ với mục tiêu được đặt ra bất chấp áp lực trừng phạt từ phương Tây. Trong khi đó, Ukraine, được sự hỗ trợ từ Mỹ và đồng minh, cũng thể hiện quan điểm cứng rắn trên bàn đàm phán với những vấn đề mà họ cho rằng không thể thỏa hiệp. 

Vấn đề lãnh thổ

Vấn đề khó khăn nhất trong cuộc đàm phán chính là lãnh thổ. Nga đã sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014 và tới ngày 21/2, Moscow công nhận độc lập của 2 vùng ly khai Donetsk và Lugansk ở Đông Ukraine.

Kể từ khi chiến sự diễn ra, các lực lượng Nga đã nắm quyền kiểm soát một vùng lãnh thổ trên sườn phía nam của Ukraine, phía bắc Crimea, lãnh thổ xung quanh các khu vực ly khai, cũng như lãnh thổ ở phía đông và phía tây của Kiev.

Ukraine tuyên bố họ sẽ không bao giờ công nhận việc Nga sáp nhập Crimea cũng như nền độc lập của 2 vùng ở Donbass.

"Lập trường của chúng tôi là không thay đổi", nhà đàm phán của phái đoàn Ukraine Mykhailo Podolyak cho biết. Ông nói rằng, Ukraine kiên quyết hướng tới mục tiêu đạt được lệnh ngừng bắn, Nga rút quân và các đảm bảo an ninh cho phía Kiev.

Với Nga, việc Ukraine công nhận việc Moscow sáp nhập Crimea và công nhận độc lập của 2 vùng ly khai ở Donbass cũng quan trọng không kém và là mục tiêu được đặt ra trên bàn đàm phán.

Sự giằng co giữa 2 bên về những điều kiện tiên quyết trên bàn đàm phán khiến các cuộc trao đổi tới nay không thể đi tới một kết luận chung.

"Trung lập hóa Ukraine"

Ngoài vấn đề về lãnh thổ, Nga cũng nêu rõ mong muốn của họ là Ukraine sẽ trở thành quốc gia trung lập. Trưởng đoàn đàm phán của Nga Vladimir Medinsky cho biết Ukraine đã gợi ý rằng họ có thể trung lập như Áo hoặc Thụy Điển nhưng với quân đội của riêng họ. Tuy nhiên, Kiev đã bác bỏ thông tin này.

Hiện chưa rõ mức độ trung lập mà Nga và Ukraine mong muốn là như thế nào. Trên thực tế, sau Liên Xô sụp đổ, Quốc hội Ukraine trong Tuyên bố về Chủ quyền Nhà nước năm 1990 đã nêu ra mong muốn trở thành một quốc gia trung lập vĩnh viễn. Tuy nhiên, sau vài chục năm, Ukraine lại sửa hiến pháp và bổ sung mục tiêu gia nhập NATO - điều khiến Nga quan ngại về rủi ro an ninh ở cửa ngõ của họ.

Ông Medinsky cho hay, cả Nga và Ukraine đã bàn bạc về quy mô tối đa của quân đội Kiev trong tương lai nếu thỏa thuận hòa bình được ký kết. Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, ông muốn có một cam kết bằng văn bản rằng Ukraine sẽ không bao giờ gia nhập NATO. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thừa nhận nước này sẽ không thể sớm gia nhập NATO vì khối liên minh này sẽ không chấp nhận đơn của Kiev.

Với vấn đề trung lập của Ukraine, hai bên vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung, dù giới chuyên gia cho rằng, đây có thể là một trong những nội dung có thể thỏa hiệp được.

Quyền lợi của cộng đồng nói tiếng Nga

Một vấn đề quan trọng khác trong đàm phán giữa Moscow và Kiev là quyền lợi của người Nga tại Ukraine, cụ thể là vấn đề tiếng Nga và người nói tiếng Nga.  

Năm 2019, Ukraine thông qua luật cấp quy chế đặc biệt cho tiếng Ukraine. Luật này bắt buộc mọi công dân phải biết tiếng Ukraine và biến nó thành yêu cầu bắt buộc đối với công chức, binh lính, bác sĩ và giáo viên. Đây đã trở thành một vấn đề nhạy cảm giữa 2 nước và khiến Nga chỉ trích rằng luật này sẽ "chỉ đào sâu thêm sự chia rẽ trong xã hội Ukraine".

Mặt khác, Nga cũng nhiều lần cáo buộc các nhóm dân tộc cực đoan có tư tưởng tân phát xít ở Ukraine đang khoét sâu vào mâu thuẫn sắc tộc. Moscow cáo buộc những lực lượng này có hành vi bài xích và bạo lực với cộng đồng nói tiếng Nga ở Ukraine. Đây là một trong những lý do khiến Nga quyết định hành động hôm 24/2.

Vấn đề quyền lợi cho người gốc Nga và người nói tiếng Nga ở Ukraine được cho cũng đang trở thành yếu tố khiến các cuộc đàm phán giữa 2 bên bị ảnh hưởng, theo Reuters.

Theo Reuters
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine