1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Những nước rút ngắn thời gian tiêm mũi 3 vì biến chủng Omicron

Minh Phương

(Dân trí) - Ngày càng nhiều nước rút ngắn thời gian tiêm mũi vaccine tăng cường do sự xuất hiện của biến chủng có khả năng lây lan nhanh Omicron.

Những nước rút ngắn thời gian tiêm mũi 3 vì biến chủng Omicron  - 1

Nhiều nước bắt đầu rút ngắn thời gian chờ tiêm mũi 3 vaccine Covid-19 nhằm đối phó với Omicron (Ảnh minh họa: Reuters).

Reuters cho biết, nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ, từ đầu năm nay đã phê chuẩn tiêm vaccine Covid-19 mũi tăng cường với người đã tiêm đủ hai liều tiêu chuẩn. Theo đó, mũi vaccine thứ ba sẽ được tiêm sau mũi thứ hai 6 tháng.

Tuy nhiên, gần đây, do sự xuất hiện của Omicron - biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 được cho là dễ lây lan hơn, dễ né miễn dịch hơn, nhiều nước đã bắt đầu giảm khoảng cách giữa mũi thứ hai và thứ ba xuống còn 3-5 tháng.

Trong tháng này, Hàn Quốc, Anh và Thái Lan đã giảm thời gian chờ xuống còn 3 tháng. Bỉ cũng hạ xuống còn 4 tháng. Pháp, Singapore, Italy, Australia và đảo Đài Loan giảm xuống còn 5 tháng. Một số nước như Anh, Nam Phi, Đức vẫn duy trì khoảng thời gian chờ là 6 tháng.

Giới chức y tế Phần Lan đến nay mới khuyến nghị giảm thời gian chờ tiêm mũi tăng cường xuống 3 tháng nhưng chỉ với nhóm thuộc nguy cơ cao. Họ cho biết, họ không tin việc rút ngắn thời gian chờ tiêm mũi tăng cường cho tất cả các nhóm dân số có thể làm chậm được đà gia tăng của số ca nhập viện.

Tây Ban Nha và Lithuania đến nay cũng chỉ khuyến nghị tiêm vaccine tăng cường với người có hệ miễn dịch kém, người cao tuổi, người dễ tổn thương.

Trong khi đó, Ấn Độ vẫn chưa có quyết định về chiến dịch tiêm chủng tăng cường.

Tiêm vaccine mũi tăng cường được cho là cần thiết để đối phó Covid-19 đặc biệt là khi hiệu quả bảo vệ của vaccine giảm theo thời gian. Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng, việc tiêm vaccine tăng cường có thể chưa cần thiết với tất cả các nhóm dân số, hơn nữa, tiêm liều tăng cường quá sớm có thể làm giảm hiệu quả của vaccine.

"Nhìn chung với các vaccine phải tiêm nhắc lại, hệ thống miễn dịch sẽ hoạt động tốt hơn nếu có đủ thời gian", Tiến sĩ William Schaffner, chuyên gia dịch tễ tại Đại học Dược Vanderbilt (Mỹ),  cho biết.

Các nghiên cứu chỉ ra, mũi tăng cường trước mắt có thể làm tăng lượng kháng thể, nhưng các nhà khoa học cho rằng, mục tiêu của vaccine không chỉ là tạo ra kháng thể mà còn cả miễn dịch đặc hiệu qua tế bào lympho T nhằm ngăn chặn nguy cơ nhập viện do virus.

Các loại vaccine đa liều giúp nâng cao hệ thống miễn dịch, giúp nó có thời gian để điều khiển các hệ thống phòng thủ dự phòng. Luciano Borio, cựu chuyên gia của Cục Thực và Dược phẩm Mỹ, bình luận: "Ba tháng dường như có vẻ là khoảng thời gian quá ngắn".

Mỹ hiện chưa có kế hoạch điều chỉnh thời gian chờ tiêm mũi vaccine tăng cường, người phát ngôn Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ Kristen Nordlund cho biết. "Xét theo quan điểm miễn dịch, việc rút ngắn thời gian chờ xuống dưới 6 tháng không hợp lý", một quan chức y tế Arkansas cũng nói.

Trong khi đó, một số chuyên gia lập luận rằng, 6 tháng là khoảng thời gian chờ được xác định trước khi biến chủng Omicron xuất hiện. Dữ liệu mới thu thập chỉ ra rằng, khả năng miễn dịch được đo bằng lượng kháng thể đã bắt đầu giảm xuống 4 tháng sau mũi tiêm đầu tiên.