1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Những nữ tướng cướp làm chấn động mặt biển (phần II )

(Dân trí) - Người phụ nữ vốn chân yếu tay mềm, là hình tượng của sự dịu dàng và lòng nhân ái. Chỉ có nỗi đau đến tột cùng mới có thể biến họ trở thành những tên cướp biển tàn bạo và hung hãn.

Phần I

Mary Read - Cuộc sống tình cảm đầy bất hạnh và những nỗi đau dày vò

Từ bé, Mary đã được cải trang thành một cậu nhóc để đem về cho bà mẹ khoản tiền khổng lồ từ tài sản của ông bố quá cố. Mười hai tuổi, Mary là chân chạy việc cho một quí bà. Sau đó “cậu” tham gia vào quân đội Flemish ở binh chủng lính bộ binh. Nhưng dù có mang lốt đàn ông, Mary vẫn là phụ nữ và vẫn phải yêu. 

Bà yêu một người lính cùng đơn vị. Không thể kìm nén nỗi lòng mình, bà thú nhận về giới tính của mình và thổ lộ tình cảm với người đồng đội. Đám cưới của họ diễn ra không lâu sau đó, đơn vị còn góp tiền mua tặng họ một ngôi nhà nhỏ gần Breda, Hà Lan. Nhưng hạnh phúc chẳng được bao lâu thì chồng bà mất vì một cơn bạo bệnh. Đau đớn vì nỗi mất mát quá lớn, bà cải trang thành nam giới và lên tàu đi đến Tây Ấn.  

Cướp biển thời đó thường thực hiện những vụ cướp của cải trên các con tàu lớn, đồng thời đẩy toàn bộ đoàn thủy thủ vào cuộc đời cướp biển. Hòa vào thế giới này, cuộc đời cướp biển của bà được hậu thế đánh giá là rất “hoàn hảo”. Chẳng chịu thua một đấng mày râu nào, bà có tài bắn súng rất siêu hạng, vì thế những hải tặc khác đều rất kính nể “ngài” Mary. 

Cuộc đời lênh đênh trên mặt biển khiến Mary thấy cô đơn, bà dần có tình cảm với một thủy thủ giỏi, nhưng không thể thổ lộ. Tình yêu mãnh liệt của bà được âm thầm minh chứng khi “người trong mộng” của bà gặp rắc rối. Chàng ta xúc phạm một tên cướp biển khác và bị hắn thách thức đấu súng.

Để cứu người mình yêu, Mary ngay lập tức gây hấn với tên cướp đó, chỉ với mục đích sắp xếp một cuộc đấu súng với hắn - đúng nửa giờ trước cuộc đấu súng của hắn với tên hải tặc kia. Bằng tài bắn súng chuẩn xác của mình, bà ngay tức khắc giết chết tên cướp, nhờ đó mà cứu được người bà yêu. Nhưng tình cảm mà Mary nhận được sau chuyện ấy, tất nhiên, vẫn không hơn một sự biết ơn đối với “ngài” Mary. 

Đau đớn khi không thể tìm thấy hạnh phúc trọn vẹn trong cuộc đời, Mary đi tìm niềm vui mới. Ngoài Mary ra trên tàu này chỉ còn một người phụ nữ khác tên là Ann Bonny. Mặc dù đã sống cuộc sống vợ chồng công khai với “Calico Jack” Rakam, kẻ cầm đầu băng cướp, Bonny vẫn bị chinh phục bởi tài trí của một chàng thủy thủ - không ai khác chính là Mary Read. Có nhiều nhà sử học cho rằng có mối quan hệ đồng tính giữa hai người phụ nữ tai tiếng này. 

Ann Bonny - Tuổi thơ dữ dội và cuộc đời đầy tai tiếng

Ann Bony là kết quả của một mối tình trắc trở giữa William Cormac - một luật sư đã ly hôn và người hầu của bà vợ cũ. Gia đình này gây ra nhiều vụ xì-căng-đan đến nỗi họ phải di cư đến thuộc địa Nam Carolina và bắt đầu gây dựng một đồn điền. Ann là một đứa trẻ hoang dã, cô bé cưỡi ngựa và bắn súng rất khá, thậm chí còn giỏi hơn những đứa con trai cùng trang lứa.

Những nữ tướng cướp làm chấn động mặt biển (phần II ) - 1

Hai nữ tướng cướp Mary Read và Ann Bonny

Khi mới chỉ là một thiếu niên, cô yêu và kết hôn với Jame Bonny. Cũng từng là cướp biển khét tiếng, James âm mưu cướp đất đai của bố vợ. William giận dữ từ mặt vợ chồng Ann và để trả thù cho chuyện này, Ann không ngần ngại thiêu rụi toàn bộ đồn điền của ông bố và cùng chồng bỏ trốn.

Họ dừng lại ở New Providence, Bahamas, nay là Nassau. James lộ mặt là một kẻ hèn nhát và phản bội, hắn nhanh chóng trở thành tên chỉ điểm ăn lương chính phủ. Ann dần xa rời James, gần gũi hơn với băng nhóm cướp biển khét tiếng. Cô nhanh chóng có quan hệ sâu nặng với một tên cướp biển tàn bạo Calico Jack Rackham.

Cay cú vì bị vợ “cắm sừng”, James Bonny bắt cóc Ann, hạ nhục Ann trước mặt dân chúng và kết tội Ann chạy trốn hắn. Để cứu người đẹp, Calico Jack ngay lập tức đề nghị một vụ đổi chác. Hắn nhường cho James một phần trong tài sản đồ sộ của mình, đổi lại, James phải trả tự do cho Ann. Mờ mắt trước sức mạnh đồng tiền, James li hôn Ann và từ đó, Ann gia nhập đoàn thủy thủ của Jack và cải trang thành nam giới, bắt đầu cuộc đời của một tên cướp biển. 

Chiến đấu với gươm và súng lục, Ann chứng tỏ mình là một chiến binh dũng cảm và liều chết. Có rất nhiều câu chuyện được thêu dệt về tính khí bạo lực của bà, phải kể đến chuyện Ann đâm chết một cô hầu gái người Anh khi bà còn là cô bé ở đồn điền của bố. Ann đã trở thành tay kiếm mà ai cũng phải dè chừng khi bà thản nhiên chém đứt đôi ông thầy dạy kiếm của mình, bà còn đánh te tua những kẻ “dại dột” tán tỉnh bà.  

Cùng với Colico và Mary Read (người đã được nhắc đến ở trên), Ann đã trở thành nỗi khiếp đảm cho những nơi mà họ đi qua. Năm 1721 Calico Jack và đoàn thủy thủ của hắn, trong đó có Ann, bị người Anh bắt giữ. Đoàn thủy thủ bị đưa vào nhà tù ở Spanishtown, Jamaica và bị kết án xử tử treo cổ.

Tại phiên tòa, Mary và Ann (khi đó vẫn trong trang phục đàn ông) nói với chủ tọa phiên tòa rằng họ đang có bầu. Phiên tòa ầm lên những tiếng xì xào bàn cãi. Luật pháp Anh không cho phép treo cổ một người phụ nữ đang mang thai cho đến khi họ sinh. Và quả thật là họ còn sáu tháng mang thai nữa. Nhờ đứa con đang mang trong bụng và tiền đút lót của gia đình vào tay tòa án, Mary thoát khỏi cái chết đau đớn trên giàn treo cổ.

Hồng Hạnh

Theo Beaglebay