Những nhiệm vụ quan trọng của tân Thủ tướng Singapore
(Dân trí) - Cuộc chuyển giao quyền lực mang tính lịch sử sau 2 thập niên nắm quyền của Thủ tướng Lý Hiển Long cho tân Thủ tướng Lawrence Wong đánh dấu thời điểm quan trọng trong lịch sử hiện đại của Singapore.
Tối ngày 15/5, tân Thủ tướng Singapore Lawrence Wong đã chính thức tuyên thệ nhậm chức với trọng trách lớn lao khi kế thừa di sản to lớn của những người tiền nhiệm, nhất là trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế không ngừng biến động đặt ra các thách thức không nhỏ.
Dù là một quốc đảo nhỏ ở khu vực Đông Nam Á nhưng 3 thế hệ lãnh đạo của Singapore từ năm 1965 đến nay luôn có sức ảnh hưởng toàn cầu với lập trường trung lập, ủng hộ các chuẩn mực trật tự quốc tế và đã gây dựng được một nền kinh tế tăng trưởng ấn tượng theo cấp số nhân. Cuộc chuyển giao quyền lực mang tính lịch sử sau hai thập niên nắm quyền của Thủ tướng Lý Hiển Long cho tân Thủ tướng Lawrence Wong đánh dấu một thời điểm quan trọng trong lịch sử hiện đại của Singapore kể từ khi nước này giành độc lập vào năm 1965. Chính trường Singapore đã chính thức bước vào giai đoạn "thế hệ lãnh đạo thứ 4".
Trên cương vị Thủ tướng, ông Wong có không ít thuận lợi nhưng cũng phải đối mặt với đầy rẫy khó khăn và thách thức, nhất là trong bối cảnh tình hình trong nước của Singapore không ngừng biến động, cử tri đa dạng hơn và có những kỳ vọng lớn hơn.
Thuận lợi là rất lớn
Một là, tân Thủ tướng Lawrence Wong được kế thừa di sản uy tín và niềm tin từ thế hệ đi trước về chính sách đối ngoại. Singpore đã nhiều lần làm rất tốt vai trò đại diện cho tiếng nói của khu vực. Các bài phát biểu của Thủ tướng Lý Hiển Long tại Đối thoại Shangrila năm 2019 hay như bài phát biểu của ông với khán giả Trung Quốc tại Diễn đàn Bác Ngao vào tháng 10/2023 đều thể hiện rõ ràng lợi ích của khu vực trong trật tự quốc tế thời hậu chiến, đúng tinh thần của bất kỳ nhà lãnh đạo châu Á nào đưa ra trong thập niên qua.
Bên cạnh đó, tại các diễn đàn và đối thoại toàn cầu, Singapore đã nhiều lần khẳng định vị thế và trách nhiệm nhiều hơn những gì họ có. Chính vì thế khi các nhà lãnh đạo Singapore nói về tương lai của khu vực, cả khu vực và thế giới đều muốn lắng nghe. Đây chính là di sản mà Thủ tướng Lý Hiển Long đã trao lại cho ông Lawrence Wong nhằm nâng tầm và vị thế của Singapore cũng như Đông Nam Á trên trường quốc tế.
Hai là, ông Wong có phong cách lãnh đạo kiên định và rõ ràng, đồng thời đã kinh qua nhiều vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị của Singapore. Ông đã đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng trong các bộ ngành khác nhau như Giám đốc điều hành Cơ quan Thị trường Năng lượng, Trợ lý riêng của Thủ tướng Lý Hiển Long; Giám đốc của Cơ quan quản lý tiền tệ Singapore (hay còn gọi là Ngân hàng trung ương).
Năm 2020, ông đã ghi dấu ấn lớn khi cùng Bộ trưởng Bộ Y tế Singapore đồng lãnh đạo lực lượng đặc biệt của Singapore chống đại dịch Covid-19; giữ chức Bộ trưởng Tài chính Singapore vào từ tháng 5/2021. Tháng 4/2022, ông Wong được bổ nhiệm vào nhóm lãnh đạo thế hê thứ 4 (nhóm 4G) của Đảng Hành động Nhân dân (PAP) cầm quyền và đến tháng 6/2022, ông được bổ nhiệm chức Phó Thủ tướng Singapore và đã có nhiều dấu ấn quan trọng trên chính trường.
Đáng chú ý, chiến dịch tham vấn Tiến lên Singapore của ông Wong được triển khai vào tháng 6/2022 được đánh giá là một nỗ lực nhằm làm mới khế ước xã hội của Singapore. Điều này hoàn toàn khác với các sáng kiến tham vấn cộng đồng trước đây nhằm thu thập phản hồi để thông báo chính sách. Các chuyên gia đánh giá, đây sẽ là yếu tố quan trọng giúp tân Thủ tướng giải quyết một loạt thách thức như tình trạng bất bình đẳng thu nhập và đấu tranh giai cấp kéo dài; tính di động và hòa nhập xã hội; bền vững môi trường và biến đổi khí hậu; dân số già và nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng; cũng như căng thẳng địa chính trị khu vực và thế giới.
Ba là, tân Thủ tướng Wong được đánh giá là "hình ảnh thu nhỏ của sự tiếp nối về mặt kỹ trị" và là "thành viên cấp cao duy nhất trong Nội các không xuất thân từ một gia đình quan chức có đặc quyền", do đó, nhà lãnh đạo này được cho là có "sự bình dân" vượt xa phần lớn giới thượng lưu của đảng PAP. Đây chính là một thuận lợi bởi một thủ tướng gần dân hơn có thể mang lại nhiều lợi thế khi PAP chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử phải được tổ chức trước tháng 11/2025, nhất là trong bối cảnh cử tri Singapore dường như ngày càng cởi mở hơn đối với các lựa chọn thay thế PAP.
Kỳ vọng và thách thức là không nhỏ
Tân Thủ tướng Wong sẽ phải gánh vác kỳ vọng to lớn trong việc tiếp nối và kế thừa những di sản của các thế hệ lãnh đạo trước đó của Singapore.
Một là về kinh tế, người dân Singapore kỳ vọng tân Thủ tướng sẽ tiếp tục bước tiếp con đường mà 3 thế hệ lãnh đạo trước đây của đất nước đã gây dựng và phát triển, đồng thời đảm bảo độ mở của một trong những nền kinh tế hàng đầu thế giới với vốn đầu tư nước ngoài lớn và sản phẩm xuất khẩu chất lượng cao.
Trong những thập kỷ trước, nền kinh tế Singapore đã đạt được mức tăng trưởng theo cấp số nhân, tuy nhiên, vấn đề đặt ra nền kinh tế đã đạt được mức phát triển ổn định nên đây rõ ràng là bài toán khó mà tân Thủ tướng phải tìm được "lời giải". Thủ tướng Wong sẽ phải tìm cách duy trì thế cân bằng địa chính trị mong manh của Singapore. Mặc dù là một trong những trung tâm tài chính lớn ở châu Á nhưng nền kinh tế mở khiến Singapore rất dễ bị tổn thương bởi các vấn đề kinh tế vĩ mô và cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung.
Hai là, về các vấn đề an sinh xã hội, mặc dù là nền kinh tế phát triển nhưng bản thân Singapore vẫn có nhiều vấn đề xã hội phức tạp, khó giải quyết như tình trạng bất bình đẳng và chi phí sinh hoạt ngày càng tăng, đặc biệt là vấn đề nhà ở. Trong khi đó, người dân Singapore cũng ngày càng mong muốn được lắng nghe nhiều hơn và thể hiện quan điểm của mình.
Do đó, người dân Singapore kỳ vọng, Thủ tướng Wong sẽ có những đổi mới về tư duy và lắng nghe dân nhiều hơn. Đổi mới tư duy vốn đã là một trong những mục tiêu chính trong chiến dịch tham vấn Tiến lên Singapore sau khi ông Wong được bầu chọn trở thành nhà lãnh đạo thế hệ tiếp theo của Singapore. Ông Wong cũng đã phát biểu rằng, chính phủ đã điều chỉnh và làm mới tư duy quản trị nhằm theo kịp dòng chảy của nền kinh tế toàn cầu. Vì lẽ đó, ông Wong được cho rằng sẽ dễ đồng cảm và gần gũi với người dân nhiều hơn các thế hệ lãnh đạo trước đây của Singapore.
Các nhà quan sát nhận định, khả năng thời gian tới sẽ có "sự thay đổi lớn" thông qua việc triển khai các chương trình hỗ trợ tài chính ngắn hạn nhằm hỗ trợ cá nhân thất nghiệp, chú trọng nhiều hơn đến việc xây dựng mạng lưới an sinh xã hội…
Ba là, về đối ngoại, từ trước đến nay, Singapore luôn nhất quán chính sách ngoại giao trung lập và chính sách này cũng sẽ được Thủ tướng Wong kế thừa và phát triển. Thủ tướng Wong cũng được kỳ vọng sẽ củng cố và phát triển quan hệ ngoại giao với các nước láng giềng như Malaysia, Indonesia; đồng thời có các chính sách ngoại giao hiệu quả nhằm điều hướng cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung, nhất là trong bối cảnh Đông Nam Á đang là trung tâm của cuộc cạnh tranh này.
Hãng tin AP cho rằng, Thủ tướng Wong sẽ phải "dĩ bất biến, ứng vạn biến" trong mối quan hệ với Trung Quốc và Mỹ trong những trường hợp nhất định, tuy nhiên, vẫn phải trên nguyên tắc ngoại giao truyền thống của nước này.
Tân Thủ tướng Singapore được kỳ vọng sẽ duy trì được sự tiếp nối và sự ổn định lãnh đạo, vốn đã là thế mạnh của "quốc đảo sư tử" từ lâu nay. Chính điều này đã giúp Singapore trở thành thiên đường cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài, giúp đất nước và người dân Singapore có được lợi ích cao nhất.
Các vấn đề then chốt
Một là, đổi mới bộ máy lãnh đạo: Các nhà phân tích cho biết, đây là ưu tiên hàng đầu của ông Wong và việc định hình nội các mới là một phần của mục tiêu này vì nó sẽ giúp mang lại niềm tin cho người dân Singapore về đội ngũ lãnh đạo mới của đất nước.
Ngày 13/5, ngay sau khi Thủ tướng Lý Hiển Long đệ đơn từ chức lên Tổng thống Tharman Shanmugaratnam, đồng thời đề cử ông Lawrence Wong lên làm Thủ tướng và đã được Tổng thống Shanmugaratnam chấp nhận, ông Wong đã tuyên bố cải tổ nội các. Theo đó, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Gan Kim Yong, 65 tuổi, sẽ giữ thêm trọng trách Phó Thủ tướng, đảm nhiệm vai trò quyền Thủ tướng khi Thủ tướng vắng mặt, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Singapore, đồng thời chịu trách nhiệm về Nhóm Chiến lược trong Văn phòng Thủ tướng. Phó Thủ tướng đương nhiệm Heng Swee Keat, 63 tuổi, sẽ tiếp tục giữ chức vụ này. Ông Lawrence Wong cũng nêu rõ sẽ không có thay đổi lớn nào đối với các vị trí Bộ trưởng và ông sẽ vẫn giữ quyền lãnh đạo Bộ Tài chính.
Phó Giáo sư Eugene - giảng viên luật Đại học Quản lý Singapore, đồng thời là một nhà bình luận chính trị Singapore cho rằng, người dân có thể kỳ vọng cuộc cải tổ này sẽ mang lại những đổi mới, đồng thời sẵn sàng cho việc xây dựng và phát triển đất nước Singapore trong thập niên tới.
Hai là, chuẩn bị tổng tuyển cử: Các nhà phân tích cho biết, ông Wong và đội ngũ của mình phải chứng minh họ có khả năng lãnh đạo Singapore trong kỷ nguyên đầy thách thức, nhất là trong bối cảnh cuộc tổng tuyển cử tiếp theo ở Singapore sẽ không diễn ra sau tháng 11/2025.
PAP đã giành được 83 trong số 93 ghế và chiếm 61,24% số phiếu phổ thông vào năm 2020, giảm gần 9,0 điểm phần trăm so với kết quả tại cuộc tổng tuyển cử năm 2015 khi đạt 69,9%. Do đó, nhiệm vụ trước mặt của ông Wong và đội ngũ lãnh đạo của Singapore là rất nặng nề. Ngoài việc giành được lòng tin và đưa đảng PAP "ở trạng thái đỉnh cao cho cuộc bầu cử quan trọng", ông Wong còn phải tạo ra một "tầm nhìn hấp dẫn" cho đất nước và người dân Singapore. Hơn nữa, cách ông ấy thuyết phục người dân Singapore cùng tham gia xây dựng tầm nhìn này sẽ chứng tỏ năng lực lãnh đạo của ông.
Ba là, duy trì vị trí toàn cầu của Singapore: Môi trường địa chính trị toàn cầu vẫn "rất biến động" và sẽ cần "nhiều sự quan tâm" từ tân Thủ tướng Lawrence Wong để có thể giúp Singapore duy trì được vị trí toàn cầu. Để duy trì quan hệ ngoại giao của Singapore cũng như giải quyết các xung đột đang nổi lên, ông Wong có thể sẽ cần dành thời gian và nỗ lực ngoại giao để củng cố các mối quan hệ hiện có và thúc đẩy các mối quan hệ mới. Tân Thủ tướng và các đồng sự của mình cũng cần một chặng đường dài để tạo dấu ấn của họ với các nhà lãnh đạo thế giới để có thể được "lắng nghe và tôn trọng" như các thế hệ lãnh đạo trước đó của Singapore, từ đó đảm bảo vai trò của Singapore trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu.
Nhà kinh tế học Manu Bhaskaran - Giám đốc điều hành Công ty tư vấn Centennial Asia Advisors nhận định, Singapore đã làm rất tốt trong vài thập niên qua nhưng làm thế nào để giữ vững được điều này không hề là bài toán dễ dàng.
Bốn là, về kinh tế, sinh kế và an sinh xã hội: Mặc dù Singapore có mức thu nhập bình quân đầu người cao hơn so với các nước châu Á khác, nhưng chi phí sinh hoạt lại khá đắt đỏ, nhất là chi phí nhà ở và giáo dục. Theo khảo sát, Singapore luôn đứng đầu trong danh sách những nơi đắt đỏ nhất thế giới.
Một vấn đề nan giải không kém cần phải giải quyết đó là thực trạng dân số già. Theo ước tính đến năm 2030, cứ 4 công dân Singapore sẽ có 1 người từ 65 tuổi trở lên, trong khi đó, tỷ lệ sinh của Singapore vẫn liên tục giảm. Tình trạng dân số già không chỉ khiến thị trường lao động Singapore bị thu hẹp, trở thành rủi ro hàng đầu đối với tăng trưởng kinh tế mà còn tạo gánh nặng đáng kể lên hệ thống phúc lợi xã hội. Bên cạnh đó, tạo thêm việc làm và giảm chi phí sinh hoạt đắt đỏ cũng là những thách thức đáng kể đối với tân Thủ tướng Lawrence Wong. Mặc dù đây không phải là những vấn đề mới nhưng lại có ảnh hưởng lớn đến người lao động và gia đình họ, từ đó ảnh hưởng rất nhiều đến niềm tin của người dân về hiện tại và tương lai.
Tân Thủ tướng Lawrence Wong đã tiếp quản vị trí vào thời điểm mà đất nước Singapore đang gặp phải đối mặt với hàng loạt thách thức mở ở cả trong và ngoài nước. Những di sản mà các thế hệ lãnh đạo đi trước đã gây dựng, phát triển sẽ được "thế hệ lãnh đạo thứ 4" của Singapore tiếp nối và phát triển. Tuy nhiên, Thủ tướng Wong và các đồng sự của mình sẽ phải nỗ lực nhiều hơn nữa để có thể điều hành hiệu quả một trong những nền kinh tế năng động nhất thế giới, đồng thời xây dựng nền kinh tế Singapore toàn diện hơn, cạnh tranh hơn để có thể thúc đẩy đổi mới, phát triển đất nước và duy trì vị thế toàn cầu của Singapore.