Những nhân vật tuổi Rắn nổi tiếng thế giới
(Dân trí) - Theo quan niệm của người Á Đông, tương ứng với năm sinh tính theo 12 con giáp là những tính cách, vân mệnh khác nhau. Trong đó, những người sinh năm con Rắn được cho là có tài ngoại giao và luôn thu hút những người khác phái…
* Johann Wolfgang Goethe - Đại văn hào người Đức
Ông là một văn hào vĩ đại của nền văn học cổ điển Đức và là một trong những đại diện tiêu biểu nhất của nền văn học tiến bộ toàn nhân loại.
Không chỉ viết văn, làm thơ, sáng tác kịch, ông còn là nhà khoa học, nhà triết học, chính khách của thế kỉ 18-19 và là một vĩ nhân của nhân loại.
Johann Wolfgan Goethe cũng được coi là người mở đường cho nền văn học hiện đại của dân tộc Đức, một nhà cách tân lớn trong văn học-nghệ thuật.
Ông đã có những cống hiến xuất sắc trong việc xây dựng một nền lý luận mỹ học hiện thực chủ nghĩa. Vở kịch “ Faust” là kiệt tác lớn nhất của Goethe, chứa dựng tất cả tài năng sáng tạo của ông.
Goethe qua đời ngày 22-3-1832 tại Weimar, thọ 83 tuổi.
* Abraham Lincoln – Tổng thống thứ 16 của Mỹ
Ông là Tổng thống Mỹ từ tháng 3/1861 cho đến khi bị ám sát vào tháng 4/1865.
Abraham Lincoln là nhân vật lịch sử tiêu biểu hàng đầu của Mỹ. Ông đã thành công trong nỗ lực lãnh đạo nước Mỹ vượt qua cuộc khủng hoảng hiến pháp, quân sự và đạo đức, duy trì chính quyền liên bang, chấm dứt chế độ nô lệ, đồng thời hiện đại hóa nền kinh tế, tài chính cho đất nước Mỹ.
Ông được đánh giá là một chính trị gia vĩ đại và theo bảng xếp hạng Tổng thống trong lịch sử nước Mỹ (được thực hiện từ thập niên 1940), Abraham Lincoln luôn có tên trong ba người đứng đầu.
* Charles Darwin - nhà sinh vật học lỗi lạc nhất nước Anh thế kỷ 19
Ông là nhà sinh vật học lỗi lạc nhất nước Anh thế kỷ XIX khi đã phát hiện và chứng minh được rằng mọi loài đều tiến hóa theo thời gian thông qua quá trình chọn lọc tự nhiên. Khám phá của Darwin là lý thuyết thống nhất cho các ngành khoa học sinh vật vì có thể đưa ra lời giải thích duy lý cho sự đa dạng loài.
Năm 1859, Darwin cho xuất bản tác phẩm có giá trị nhất là “Nguồn gốc các loài, con đường chọn lọc tự nhiên". Tác phẩm này thực sự là một cuộc cách mạng trong ngành khoa học tự nhiên và làm thay đổi toàn bộ suy nghĩ của con người về sự biến đổi của vạn vật.
Darwin được nhận Huân chương công trạng của nước Phổ năm 1878. Ông qua đời ngày 19-4-1882, thọ 74 tuổi.
Để ghi nhận công lao to lớn của Darwin, nước Anh đã quyết định cử hành quốc tang cho ông. Ông là một trong năm người không thuộc Hoàng gia Anh của thế kỷ XIX được cử hành quốc tang và được chôn ở Westminster Abbey, cạnh mộ của John Herschel và Isaac Newton.
* Alfred Nobel – Nhà bác học lỗi lạc
Ông không chỉ nổi danh với những sáng chế thiên tài về quân sự, đặc biệt là công nghệ chất nổ, mà còn là nhà hóa học kiêm kỹ sư nổi tiếng thế kỷ XIX.
Nobel thường có những tưởng tượng rất kỳ quặc, nhưng rồi ông đều biến chúng thành hiện thực. Trong cuộc đời, Nobel đã tạo ra và bán tới 350 bản quyền phát minh khác nhau.
Tên tuổi của Alfred Nobel đã trở nên quá đỗi quen thuộc. Dù đã qua đời, nhưng ông đã để lại một di sản lớn cho nhân loại bằng giải thưởng do chính ông tạo ra: Giải thưởng Nobel. Đây được xem là một giải thưởng danh giá nhất trao cho những người kiến tạo hòa bình và các nhà khoa học đã cho ra đời những phát minh thúc đẩy sự phát triển của nhân loại.
Alfred Nobel qua đời ngày 10-12-1896 tại San Remo, Italia.
* Konstantin Eduardovich Tsiolkovsky - nhà bác học người Nga
Ông được coi là cha đẻ của ngành du hành vũ trụ và kỹ thuật tên lửa hiện đại. Ông đã để lại cho loài người hơn 500 công trình nghiên cứu khoa học, những kiến thức vô cùng quý báu mà là các thế hệ khoa học nổi tiếng đã hiện thực hóa để chinh phục vũ trụ và bay tới các vì sao.
Nhà nước Xôviết đã xuất bản toàn tập tác phẩm khoa học của Tsiolkovsky và đặt ra huy chương vàng mang tên ông để tặng cho những công trình xuất sắc trong lĩnh vực vũ trụ.
Tsiolkovsky qua đời ngày 19-9-1935, tại Kaluga - một thành phố cách Mátcơva 200 km về phía tây nam.
* Mahatma Gandhi- Anh hùng dân tộc của Ấn Độ
Ông đã lãnh đạo cuộc kháng chiến chống chế độ thực dân của đế quốc Anh và giành độc lập cho Ấn Độ với sự ủng hộ của hàng triệu người dân.
Từ khi lãnh đạo cuộc đấu tranh giành tự do và đứng đầu đảng Quốc Đại Ấn Độ năm 1918, ông được hàng triệu người dân Ấn Độ gọi một cách tôn kính là Mahatma, nghĩa là “Linh hồn lớn”, “Vĩ nhân” hoặc “Đại nhân”. Không chỉ được xem là một trong những nhà lãnh đạo vĩ đại nhất của Ấn Độ, ông còn được nhiều người Ấn Độ tôn vinh như Quốc phụ và coi như một vị Thánh của dân tộc.
Ngày 30/1/1948, Mahatma Gandi bị tín đồ Ấn Độ giáo bị ám sát.
Với những đóng góp to lớn cho đất nước, ngày sinh của ông được coi là ngày lễ quốc gia. Năm 1996, Ấn Độ cũng phát hành một loạt tiền giấy có hình Mahatma Gandi. Năm 2007, Liên hợp quốc ra nghị quyết lấy ngày 2/10 – ngày sinh của Mahatma Gandi – làm Ngày quốc tế Bất bạo động.
* Pablo Picasso - Hoạ sĩ thiên tài của thế kỉ XX
Picasso là một trong số ít những hoạ sĩ nổi tiếng ngay khi còn sống. Ông hoạt động nghệ thuật trên nhiều lĩnh vực khác nhau, ở lĩnh vực nào Picasso cũng bộc lộ tài năng hiếm có của mình, ảnh hưởng sâu sắc tới nhiều thế hệ hoạ sĩ và các trào lưu nghệ thuật.
Với tốc độ kỳ lạ, Picasso lao động không mệt mỏi và cống hiến cho kho tàng của nhân loại một lượng khổng lồ các tác phẩm nghệ thuật đa dạng về phong cách, phong phú về thể loại.
Ông còn cùng với Georges Braque sáng lập ra trường phái lập thể trong hội họa và điêu khắc. Lúc đầu loại hình nghệ thuật này không được công chúng hoan nghênh vì nó xa lạ, nhưng sau này mọi người nhận ra được vẻ cao quí, giá trị chân chính về những tìm kiếm mới mẻ và thú vị bất ngờ khi ngắm kỹ, nhìn nhiều các bức tranh của Picasso. Hàng triệu người trên khắp các châu lục, dù chưa hiểu hết các tác phẩm hội hoạ của Picaso, vẫn tin yêu và kính trọng ông vì biết ông thuộc về họ.
Picasso mất ngày 8-4-1973 tại Mougins, Pháp, nhưng tên tuổi của ông vẫn gần gũi, thân quen đối với tất cả những ai yêu chuộng nghệ thuật và loài người tiến bộ.
* Alexander Fleming - nhà vi trùng học nổi tiếng nước Anh
Ông là người có công tìm ra chất Penicillin - thuốc kháng sinh ngày nay- cứu sống hàng triệu sinh mạng. Nhờ phát minh này, tên tuổi Alexander Fleming nổi tiếng khắp thế giới và nổi tiếng mọi thời đại.
Nhiều bác sỹ cho rằng Penicillin là tiến bộ y học lớn nhất mà thế giới đã biết từ trước đến giờ. Nhờ có Penicillin, những nhiễm khuẩn thông thường đã bị đẩy lùi. Nhiều loại Penicillin bây giờ đã được sản xuất, được cấu trúc một cách chuyên biệt cho các bệnh nhiễm khuẩn riêng biệt bằng đường uống cũng như tiêm. Có thể nói Penicillin đã làm thay đổi thế giới.
Năm 1945, Alexander Fleming được nhận Giải thưởng Nobel cùng với Chain và Florey, những người đưa Penicillin vào quy trình công nghệ sản xuất ở Mỹ.
Ông đột ngột qua đời vào ngày 11-3-1955 tại Luân Đôn, Anh.
Việt Giang