1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Những nguồn nghi cung tên lửa cho phiến quân Syria

(Dân trí) - Chuyên gia quân sự Vadim Saranov đã có bài phân tích đăng trên báo Sputnik về những nguồn có thể cung cấp tên lửa vác vai MANPAD cho phiến quân Syria, lực lượng được cho là đã bắn hạ máy bay chiến đấu Su-25 của Nga gần đây.

Phiến quân Syria bắn rơi Su-25 của Nga, 1 phi công thiệt mạng


Một tên lửa MANPAD trên vai (Ảnh minh họa: AFP)

Một tên lửa MANPAD trên vai (Ảnh minh họa: AFP)

Syria

Lực lượng đặc nhiệm Syria đã được điều tới khu vực máy bay chiến đấu Su-25 của Nga bị bắn rơi tuần qua để truy tìm nguồn gốc tên lửa phòng không vác vai (MANPAD) mà phiến quân đã sử dụng để tấn công.

Tên lửa MANPAD được lực lượng đối lập sử dụng từ năm 2011 khi cuộc nội chiến ở Syria bắt đầu nổ ra. Cuộc tấn công thành công đầu tiên của lực lượng phiến quân là vụ bắn rơi trực thăng Mi-8 hồi tháng 7/2012. Vào thời điểm đó, có nhiều lời đồn đoán về nguồn gốc của vũ khí này, cho rằng lực lượng phiến quân được các nước vùng Vịnh cung cấp tài chính. Các lô vũ khí được cho là được vận chuyển vào Syria từ biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.

Chuyên gia quân sự Nga Vadim Saranov cho biết thống kê về vũ khí MANPAD mà phiến quân sử dụng trong các cuộc xung đột cho thấy phần lớn chúng có thiết kế của Liên Xô/Nga, bao gồm vài biến thể của tên lửa phòng không vác vai Igla và Strela.

Theo thống kê của ông Saranov, hệ thống phòng không của phiến quân đã tấn công ít nhất 3 trực thăng Mi-8, 2 máy bay chiến đấu MiG-21 và MiG-23 của Syria, 1 máy bay ném bom Su-22 và máy bay huấn luyện/tấn công mặt đất L-39.

Ông Saranov cho hay trước nội chiến Syria, Liên Xô/Nga đã bán nhiều thiết bị MANPAD sang Syria nên không loại trừ khả năng phiến quân đã chiếm được một số tổ hợp, trong đó có công cụ đã khai hỏa vào Su-25.

Ngoài ra, ông Saranov cho rằng MANPAD có thể xuất phát từ một số nguồn bao gồm Trung Đông, Đông Âu và ngay cả Đông Á.

Libya

Sau sự sụp đổ của chính quyền Gaddafi năm 2011, các chuyên gia quân sự cho rằng các tổ hợp tên lửa MANPAD của nước này có thể đã bị đưa sang khu vực xung đột khác, trong đó có Syria. Vào mùa thu năm 2011, truyền thông Phương Tây ước tính khoảng 20.000 hệ thống tên lửa phòng không đã biến mất khỏi kho chứa của Lục quân Lybia, và hàng trăm tổ hợp MANPAD đã bị tuồn ra nước ngoài.

Đông Âu


Tên lửa phòng không vác vai MANPAD (Ảnh minh họa: Sopref)

Tên lửa phòng không vác vai MANPAD (Ảnh minh họa: Sopref)

Theo giới quan sát, khu vực Đông Âu dường như là khu vực cung cấp lượng lớn tổ hợp MANPAD cho phiến quân Syria. Nói về sự kiện Su-25 bị bắn hạ, chuyên gia Igor Morozov đến từ Cơ quan tình báo nước ngoài của Nga nhận định MANPAD mà phiến quân sử dụng có thể được nhập lậu từ Ukraine. Ông Morozov nhắc lại vụ cháy kho vũ khí mùa thu năm ngoái. Vào thời điểm đó các quan chức Ukraine đã cảnh báo rằng rất có thể đó là âm mưu được toan tính kỹ lưỡng nhằm che giấu việc đánh cắp vũ khí. Theo các nhà chức trách Ukraine, số vũ khí đó có thể rơi vào tay phiến quân Syria qua các nguồn chợ đen khác nhau.

Ngoài ra, giới chuyên gia nhiều lần cho biết Bulgaria bán lượng lớn vũ khí cho các quốc gia Đông Âu. Bằng cách nào đó, chúng đã bị lọt vào tay lực lượng phiến quân. Do từng là thành viên của khối phía Đông nên Bulgaria được phép sản xuất các hệ thống MANPAD Strela-2M, Strela-3 và Igla-1.

Châu Á

Năm 2013, Quân đội Syria Tự do (FSA) đã đăng tải đoạn video cho thấy 2 trực thăng Mi-8/17 bị phá hủy tại Deir ez-Zor và Aleppo bằng tên lửa FN-6 - MANPAD do Trung Quốc sản xuất. Tên lửa này có tính năng khá tương tự Igla-1. Một năm sau đó, giới quan sát lại thấy FN-6 được sử dụng bởi nhóm khủng bố IS ở chiến trường Iraq.

Ông Ivan Konovalov, Giám đốc Trung tâm Các nghiên cứu Xu hướng Chiến lược tại Moscow nhận định, FN-6 có thể đã đi qua một con đường "vòng vèo" từ Trung Quốc qua Sudan, rồi Qatar trước khi tới Syria.

Ngoài ra, ông Saranov cho biết tên lửa HT-16PGJ của Triều Tiên, một phiên bản khác của Igla-1, dường như cũng đã bị bắt gặp sử dụng trên chiến trường Syria bởi các phiến quân. Ông phỏng đoán do Syria từng nhập HT-16PGJ của Triều Tiên từ năm 2004 và chúng có thể đã lọt vào tay phiến quân khi lực lượng này chiếm kho vũ khí chính phủ.

NATO


Máy bay chiến đấu Su-25 của Nga (Ảnh minh họa: Sputnik)

Máy bay chiến đấu Su-25 của Nga (Ảnh minh họa: Sputnik)

Dù chưa có bằng chứng là MANPAD do NATO sản xuất xuất hiện trên chiến trường Syria nhưng Mỹ và các đồng minh thường bị cáo buộc cung cấp tổ hợp tên lửa này cho lực lượng đối lập Syria.

Đơn cử như vào giữa tháng 1, truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ và Ả-rập Xê-út đưa ra nghi vấn rằng Mỹ dường như đã bí mật cung cấp vũ khí phòng không cho lực lượng người Kurd ở khu vực Afrin, Syria.

Lầu Năm Góc đã kiên quyết phản bác cáo buộc trên. Tuy nhiên, khoảng 2 tuần sau, FSA được cho là đã thu giữ được các tên lửa Igla từ lực lượng người Kurd. Ông Saranov nhận định Mỹ có thể đứng sau cung cấp vũ khí này cho lực lượng này.

Ông Saranov cho rằng nếu Mỹ mang tên lửa Stinger tới cung cấp cho lực lượng đối lập Syria, điều này nếu bị lộ ra thì sẽ trở thành một bê bối tồi tệ. Vì vậy, chuyên gia này phỏng đoán Mỹ dường như đã cung cấp các hệ thống vũ khí từ thời Liên Xô. Washington được cho là đã mua các hệ thống này từ các nước Đông Âu hoặc tích trữ chúng.

Đức Hoàng

Theo Sputnik

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm