1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Những "người hùng" thầm lặng lênh đênh trên biển tìm MH370

(Dân trí) - Gần 2 năm kể từ khi máy bay MH370 của hãng Malaysia Airlines mất tích bí ẩn trên đường từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh, hoạt động tìm kiếm chiếc máy bay xấu số này vẫn tiếp diễn. Vẫn có những "người hùng" thầm lặng tham gia cuộc tìm kiếm này.

Ông Jay Larsen. (Ảnh: AP)
Ông Jay Larsen. (Ảnh: AP)

Ông Jay Larsen, một người Mỹ đã thiết kế thiết bị tìm kiếm bằng sóng âm sử dụng cho cuộc tìm kiếm, đã bỏ ra gần 6 tháng lênh đênh trên biển để hỗ trợ quá trình tìm kiếm. Với ông, trách nhiệm đi tìm lời giải thích cho sự biến mất bí ẩn của MH370 để có thể có câu trả lời cho người thân 239 hành khách trên máy bay vẫn đau đáu. Giờ đây, cuộc tìm kiếm khu vực ở ngoài khơi vùng biển phía tây của Úc đã dần kết thúc và các mảnh vỡ được phát hiện thấy trong thời gian qua cho thấy vẫn còn rất nhiều khó khăn để xác định nơi MH370 gặp nạn.

Chuyên gia của Mỹ trên đã tham gia ngay từ khi bắt đầu quá trình tìm kiếm. Đó là lúc nhà thầu quốc phòng Phoenix International Holdings thuê công ty khảo sát và nghiên cứu đại dương Hydrospheric Solutions cung cấp thiết bị tìm kiếm sóng âm để sử dụng trên tàu tìm kiếm GO Phoenix, mẫu tàu được chính phủ Malaysia thuê để hoạt động trong 8 tháng cho tới tháng 6 năm ngoái.

Mới đây, ông Larsen và nhóm của mình đã tới Singapore để đưa thiết bị sóng âm lên trên một con tàu của Trung Quốc có tên Dong Hai Jiu 101. Tàu này cùng với 3 tàu khác tiếp tục cuộc hành trình tìm kiếm MH370 ở vùng biển Ấn Độ Dương. Sau đó, ông đã lên tàu Dong Hai Jiu 101 để tới thành phố Fremantle nằm ở phía tây của Úc và sau khi bảo đảm rằng thiết bị tìm kiếm và nhóm của ông đã sẵn sàng cho một hành trình mới, họ đã lên kế hoạch tìm kiếm ở khu vực rộng 1.800km về phía tây nam.

Công ty của ông Larsen có 8 người tham gia thuỷ thủ đoàn trên tàu Trung Quốc, những người này có nhiệm vụ vận hành thiết bị tìm kiếm bằng sóng âm. Đây là thiết bị dài 6m, rộng 1,5m, màu vàng, nặng 3,5 tấn và có tên SLH ProSAS-60. Với khả năng quét khu vực rộng 2km, thiết bị này gửi dữ liệu về các máy tính trên tàu nhằm phân tích thông tin để chuyển thành hình ảnh. Những tấm hình đen trắng được gửi về nhìn như bề mặt của Mặt trăng nhưng lại có độ phân giải tốt hơn các loại ảnh của những thiết bị tìm kiếm bằng sóng âm thông thường khác. Ông Larsen khẳng định với chất lượng hình ảnh mà SLH ProSAS-60 chụp lại, đội tìm kiếm của ông sẽ không bỏ lỡ bất cứ mảnh vỡ nào của MH370.

Tuy nhiên, quá trình tìm kiếm cũng gây ra những căng thẳng. Ông Larsen từng lênh đênh trên biển trong suốt 6 tháng trời và chỉ thấy bờ khi tàu GO Phoneix quay về đất liền để lấy đồ tiếp tế, cũng như trở lại Mỹ một lần vào dịp lễ. "Công việc này như tàn phá tâm trí, tinh thần và cuộc hôn nhân của tôi. Nhưng tôi vẫn sẽ vấn tiếp tục", ông Larsen khẳng định.

Công cuộc tìm kiếm MH370 vẫn tiếp diễn kể từ khi máy bay mất tích cách đây 2 năm. (Ảnh: AFP)
Công cuộc tìm kiếm MH370 vẫn tiếp diễn kể từ khi máy bay mất tích cách đây 2 năm. (Ảnh: AFP)

Trên tàu, hai nhóm gồm 6 người chia ra làm ca thay phiên nhau liên tục 12 giờ đồng hồ. Đây rõ ràng là một công việc đòi hỏi sự phối hợp và cẩn thận. Một trong những nhân viên của ông Larsen ngồi ở vị trí điều khiển thiết bị, trong khi một nhân viên khác có nhiệm vụ ngồi bên cạnh để rà soát địa hình dưới đáy biển nhằm đưa ra những cảnh báo. Nhân viên còn lại đóng vai trò "dự bị" trong trường hợp một trong hai người này cần nghỉ ngơi.

Công việc trên đôi khi khá đơn điệu nhưng lại có lúc đầy rẫy những cam go. Có thể các nhân viên trong một nhóm trải qua một quãng đường không phát hiện thấy bất cứ điều gì. Tuy nhiên, chỉ một phút chốc, một ngọn núi lớn dưới lòng biển bỗng nhiên xuất hiện. Thiết bị tìm kiếm bằng sóng âm có thể bị hư hại nếu va vào khối đá này hoặc sẽ bị kẹt lại mãi mãi dưới đáy đại dương nếu không có sự quan sát kỹ lưỡng của nhân viên làm nhiệm vụ hoa tiêu.

"Đôi khi đó là những giờ đồng hồ dài vô tận dưới đáy biển song lại có những khoảnh khắc đáng sợ. Địa hình dưới biển thật không thể tin được. Những ngọn núi hay các đoạn mấp mô luôn được chúng tôi kiểm tra kỹ để bảo đảm rằng thiết bị không bỏ lỡ bất cứ thứ gì. Hình ảnh thiết bị thu về được có chất lượng nhưng hậu quả thật khó lường. Đây là một thiết bị trị giá nhiều triệu USD nên chúng tôi phải tập trung để hạn chế mọi nguy cơ", ông Larsen khẳng định.

Ngoài ra, nhóm của ông Larsen cũng phải phối hợp chặt chẽ với thuỷ thủ đoàn để bảo đảm rằng tàu luôn được duy trì ở tốc độ vừa phải sao cho thiết bị không chìm quá sâu vào đáy biển. Tháng đầu tiên bắt đầu quá trình tìm kiếm MH370, nhóm của ông Larsen hy vọng có thể sẽ sớm phát hiện thấy những mảnh vỡ của máy bay. Tuy nhiên, khi thời gian trôi qua, những âu lo đã xuất hiện và công việc đã trở nên thường nhật hơn. Song chưa bao giờ nhóm của ông Larsen từ bỏ hy vọng, dù chỉ còn 30% trong khu vực rộng 120.000 km2 là chưa dò tìm.

Theo kế hoạch, tàu Dong Hai sẽ đi quanh khu vực tìm kiếm trong khoảng thời gian từ 38 tới 42 ngày trước khi quay trở lại cảng để nhận đồ tiếp tế. Rõ ràng đây là một công việc vất vả song dường như ông Larsen không gặp khó khăn gì trong việc tuyển những nhân viên tham gia quá trình này. "Ai cũng muốn tìm kiếm MH370", ông nói.

Gần 2 năm kể từ ngày chiếc máy bay của hãng hàng không Malaysia Airlines mất tích, ông Larsen càng mong muốn sớm tìm ra câu trả lời cho vụ việc này. Ông chia sẻ: "Gia đình của 239 nạn nhân vẫn ở đó. Vào lúc này, chúng tôi rất tự hào khi là một phần của cuộc tìm kiếm vì đây là một chiến dịch lớn với sự tham gia của nhiều nước. Tôi hy vọng có thể mang tới một tin vui cho gia đình các nạn nhân. Đôi khi, đây chính là động lực để thôi thúc chúng tôi tiếp tục hành trình tìm kiếm".

Ngọc Anh

Theo AP