Những nét tương đồng trong văn hóa Việt Nam-Azerbaijan
(Dân trí) - Hội thảo "Những nét tương đồng trong văn hóa Việt Nam-Azerbaijan" là dịp để tìm hiểu những điểm tương đồng trong văn hóa của Việt Nam và Azerbaijan và qua đó thúc đẩy giao lưu nhân dân, quan hệ giữa hai nước.
Đại sứ quán Azerbaijan tại Việt Nam và Trung tâm nghiên cứu lịch sử và văn hóa Azerbaijan tại Hà Nội ngày 10/4 đã tổ chức hội thảo tại Hà Nội mang tên "Những nét tương đồng trong văn hóa Azerbaijan và Việt Nam".
Đông đảo các đại biểu Azerbaijan và Việt Nam đã tham dự hội thảo, trong đó có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội - Tiến sĩ Ngô Đức Mạnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nghiêm Vũ Khải, đại diện bộ ban ngành của Việt Nam trong lĩnh vực văn hóa, Đại sứ Azerbaijan tại Hà Nội, Phó Hiệu trưởng Đại học ngoại giao Azerbaijan (Đại học ADA), các cựu du học sinh Việt Nam tại Azerbaijan.
Đại sứ Azerbaijan tại Việt Nam Anar Imanov đã phát biểu khai mạc hội thảo. Ông Imanov đã nhắc tới mối quan hệ truyền thống giữa Việt Nam và Azerbaijan, khi nhiều sinh viên Việt Nam từng sang thủ đô Baku học tập vài thập niên trước. Nhờ đó, nhiều người dân Việt Nam đã hiểu về văn hóa của Azerbaijan và ngược lại người dân Azerbaijan cũng hiểu phần nào về đất nước Việt Nam. Thủ đô Baku của Azerbaijan hiện có một đường phố mang tên thành phố Vũng Tàu của Việt Nam và ngược lại ở Vũng Tàu cũng có một đường phố mang tên thành phố Baku.
Tại hội thảo, các đại biểu đã trình bày các tham luận chỉ ra những tương đồng trong văn hóa giữa Việt Nam và Azerbaijan, đặc biệt trong lịch sử dựng nước và bảo vệ đất nước, tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc.
Tiến sĩ Nguyêm Vũ Khải cho hay Azerbaijan là đất nước nước luôn chia sẻ, đoàn kết và ủng hộ hết mình cho một Việt Nam chiến đấu, hi sinh. Điều đó như một minh chứng rằng sự đồng tính, đồng cảm đó có nguồn gốc sâu xa là sự tương đồng về văn hóa, nhận thức, về giá trị giao cả và thiêng liêng nhất: độc lập, tự do, hòa bình cho mỗi dân tộc và cả nhân loại.
Theo ông Khải, Azerbaijan không phải là một dân tộc lớn nhưng đã từng chịu áp bức nên người dân nước này coi cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam cũng là cuộc đấu tranh của những dân tộc tuy nhỏ nhưng không chịu khuất phục, không chịu làm nô lệ. Họ luôn tin và tương lai tốt đẹp của Việt Nam và đã làm mọi thứ có thể vì niềm tin đó. Đó cũng là sự tương đồng trong văn hóa của hi vọng và niềm tin, văn hóa của lòng dũng cảm và tinh thần bất khuất.
"Hôm nay, chúng ta bàn về sự tương đồng về văn hóa giữ hai dân tộc Việt Nam và Azerbaijan không chỉ để làm phong phú nhận thức của mình về chủ đề này. Mà sâu xa hơn, sự tương đồng vè văn hóa là nền tảng của quan hệ hữu nghị và hợp tác. Chúng ta có trách nhiệm làm phong phú và sâu sắc thêm bản sắc văn hóa của mình bằng những cống hiến tiếp tục hôm nay và trong tương lai", ông Khải nhấn mạnh.
Trong khi đó, nhà văn, dịch giả Thúy Toàn, một nhà nghiên cứu tiếng Nga lâu năm, lại chỉ ra những tương đồng trong văn học Azerbaijan và Việt Nam. Thông qua việc dịch các tác phẩm của các nhà thơ Azerbaijan, dịch giả Thúy Toàn đã nhận ra nhiều điểu rất gần gũi với tâm hồn người đọc Việt Nam, nhiều nét tương đồng trong sáng tác của các nhà thơ Azerbaijan và các bài thơ châm biếm, trào lộng tế nhị mà sâu sắc của các nhà thơ Việt Nam như Tú Xương, Tú Mỡ.
"Đọc những câu chuyện dân gian, truyện cổ tích, truyện cười của Azerbaijan, mô típ anh chàng lười Seidulla hay gã keo kiệt Azulfa bị trừng phạt đích đáng cũng chẳng khác nào các nhân vật lười, keo kiệt trong các câu truyện dân gian của Việt Nam... Đọc những câu chuyện về Molla Naserddin ta lại nhớ đến những truyện về Trạng Lợn, Trạng Quỳnh", dịch giả Thúy Toàn chỉ rõ.
Các đại biểu của Azerbaijan đã cũng tham gia trình bày các tham luận tại hội thảo, trong đó có phần phát biểu của Phó thị trưởng thành phố Sheki, Phó hiệu trưởng Đại học ADA và các sinh viên Azerbaijan.
Một du học sinh Việt Nam tại Đại học ADA mặc áo dài và đội nón lá chụp ảnh cùng các sinh viên quốc tế học cùng trường.
Tại hội thảo, Phó hiệu trưởng Đại học ADA Fariz Ismailzade cho hay giáo dục đã góp phần tạo dựng mối quan hệ giữa Azerbaijan và Việt Nam. Theo ông Ismailzade, nhiều sinh viên Việt Nam từng học tập tại Baku vào những năm 70, 80 của thế kỷ trước và giờ đây cơ hội để các sinh viên Việt Nam sang Azerbaijan vẫn luôn rộng mở.
Ông Ismailzade cho biết Đại học ADA mỗi năm trường này dành 40-45 suất học bổng toàn phần cho các sinh viên nước ngoài. Năm nay, ADA dự kiến dành khoảng 5 suất học bổng cho các sinh viên Việt Nam có thành tích học tập tốt, với điểm IELTS từ 6-6,5.
Ông Ismailzade cho hay ADA có lợi thế so với các trường phương Tây là chi phí rẻ nhưng chất lượng tốt, rất phù hợp cho các sinh viên muốn tìm hiểu kỹ hơn về khu vực Trung Á.
Trong bài phát biểu kết thúc hội thảo, Đại sứ Azerbaijan Anar Imanov cho hay ông vui mừng khi sự kiện được tổ chức thành công, với nhiều tham luận giá trị. Ông cũng bày tỏ hi vọng rằng thông qua sự kiện này, người dân Azerbaijan và Việt Nam càng hiểu hơn về văn hóa của nhau, qua đó tăng cường sự giao lưu, gắn kết giữa hai nước.
An Bình