1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Những kịch bản có thể khiến Triều Tiên hài lòng trong thượng đỉnh với Mỹ

(Dân trí) - Giới quan sát đã đưa ra những nhận định về các kịch bản có thể khiến Bình Nhưỡng hài lòng tại hội nghị thượng đỉnh lần 2 giữa Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Hà Nội.

 

Những kịch bản có thể khiến Triều Tiên hài lòng trong thượng đỉnh với Mỹ - 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore tháng 6 năm ngoái (Ảnh: Reuters)

 

Tuyên bố chính trị nhằm kết thúc chiến tranh Triều Tiên

Theo chuyên gia lịch sử và chính sách công Jean H. Lee (Hàn Quốc), kết quả khiến Triều Tiên ưng ý nhất có thể sẽ là những thành tựu về cả ngoại giao lẫn kinh tế.

Giống ông Trump, ông Kim có thể sẽ mong muốn tạo ra thời khắc lịch sử khi 2 nhà lãnh đạo của 2 quốc gia đã mâu thuẫn trong 70 năm qua, có thể cùng nhau hóa giải bất hòa và cùng đưa ra tuyên bố chính trị để kết thúc cuộc chiến tranh Triều Tiên.

Để có thể đạt được một hiệp định chính thức, cả Mỹ và Triều Tiên còn một quá trình dài phải trải qua. Tuy nhiên, việc 2 bên thể hiện ý chí trong việc giảng hòa sẽ được coi là “chiến thắng” quan trọng của ông Kim và ông Trump, ít nhất là về mặt truyền thông.

Kết thúc cuộc chiến đã kéo dài tới 7 thập niên là mục tiêu mà cả cố lãnh đạo Kim Nhật Thành và Kim Jong-il chưa thực hiện được lúc sinh thời. Chính vì vậy, nếu ông Kim Jong-un có thể nắm được thời cơ và tạo nên sự thay đổi, vị thế của ông tại Triều Tiên sẽ ngày càng vững chắc hơn nữa.

Ngoài ra, tuyên bố trên có thể cho phép ông Kim "chèo lái" con thuyền Triều Tiên theo định hướng ưu tiên phát triển kinh tế.

Quan trọng hơn cả, ông Kim dường như sẽ thương lượng để đạt được những lợi ích về mặt kinh tế nhằm đổi lại việc xóa bỏ chương trình vũ khí hạt nhân. Việc cộng đồng quốc tế gỡ bỏ lệnh trừng phạt là một trong những ưu tiên hàng đầu của ông Kim. Một khi lệnh trừng phạt được gỡ bỏ, họ sẽ tự do hơn trong việc hợp tác kinh tế với các nước trên thế giới.

“Chiến thắng vừa phải”

Theo ông Adam Mount từ tổ chức liên hiệp Nhà khoa học Mỹ, việc Chủ tịch Kim Jong-un tới Hà Nội tham gia hội nghị thượng đỉnh lần 2 cũng được coi là một động thái có lợi cho Triều Tiên ngay cả khi 2 bên không thể đưa ra một thỏa thuận cụ thể.

Trong lần gặp đầu tiên ở Singapore hồi năm ngoái, cho dù 2 nhà lãnh đạo chỉ đưa ra những kết luận có phần thiếu chi tiết, nhưng việc họ thực hiện cuộc gặp lịch sử cũng được coi là thể hiện thiện chí của 2 bên.

Kể năm ngoái tới nay, Triều Tiên đã ngừng thử nghiệm tên lửa và hạt nhân, thay vào đó, họ duy trì mối quan hệ nồng ấm hơn với Mỹ và Hàn Quốc. Điều này giúp họ nâng cao cơ hội được Trung Quốc và Hàn Quốc nới lỏng bớt các lệnh trừng phạt. Triều Tiên cũng đã cải thiện quan hệ với Seoul và hai bên vẫn đang hướng tới những mục tiêu hòa hợp mối quan hệ chia cắt hàng chục năm trời giữa 2 miền bán đảo Triều Tiên.

Thêm vào đó, tại hội nghị thượng đỉnh lần đầu, cho dù 2 bên vẫn “lệch pha” về cách hiểu phi hạt nhân hóa và chưa đạt được bước tiến cụ thể, nhưng việc Mỹ thu hẹp quy mô tập trận chung với Hàn Quốc được cho là một trong những kết quả tích cực cho Triều Tiên.

Theo ông Mount, nếu hội nghị thượng đỉnh lần 2 kết thúc bằng một thỏa thuận không cụ thể, Triều Tiên cũng không hẳn rơi vào tình huống bất lợi vì họ chưa phải đánh đổi bất cứ điều gì và về mặt lý thuyết họ vẫn còn kho vũ khí hạt nhân để đảm bảo an ninh.

Trong khi đó, với ông Trump, ông dường như buộc phải khiến Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân, đổi lấy cam kết về nền an ninh ổn định hơn và nền kinh tế phát triển hơn.

Dừng chương trình hạt nhân đổi lấy nới lỏng trừng phạt

Theo chuyên gia Tong Zhao từ trung tâm chính sách toàn cầu Carnegie-Tsinghua (Trung Quốc), mục tiêu của Triều Tiên hiện thời dường như là duy trì năng lực răn đe hạt nhân chiến lược để đảm bảo an ninh quốc gia.

Ông Tong cho rằng để 2 bên có thể đạt được sự tin cậy hoàn toàn với nhau trong bối cảnh 2 nước đối đầu hàng chục năm qua, cần có một khoảng thời gian dài. 

Vì lý do này, cộng đồng quốc tế dường như không nên kỳ vọng quá lớn vào sự nhượng bộ từ Triều Tiên, theo ông Tong. Chuyên gia này cho rằng trong tương lai gần, kịch bản Triều Tiên loại bỏ bớt năng lực răn đe hạt nhân trong khi họ chưa yên tâm hoàn toàn về mặt an ninh là khó xảy ra.

Vì lẽ đó, ông Tong chỉ ra một kịch bản khác: Ông Trump sẵn lòng chấp nhận thỏa thuận tập trung vào việc Triều Tiên đóng băng chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa cũng như không tiếp tục cải tiến kho vũ khí trong tương lai thay vì loại bỏ hoàn toàn các yếu tố chủ chốt trong năng lực hạt nhân hiện tại của Bình Nhưỡng. Nếu kịch bản này thành sự thật, và Mỹ đồng ý nới lỏng lệnh trừng phạt, đây sẽ là một kết quả có lợi cho Triều Tiên.

Đức Hoàng

Tổng hợp