1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Những giải Nobel Hòa bình gây tranh cãi nhất lịch sử

(Dân trí) - Nobel Hòa bình luôn là một trong những giải thưởng được công chúng chờ đón nhất hàng năm, tuy nhiên đôi khi quyết định lựa chọn người được trao giải của Ủy ban Nobel trái ngược với dự đoán của dư luận.

Giải thưởng Nobel Hòa bình 2018 đã được trao cho bác sĩ phụ khoa người Congo Denis Mukwege và Nadia Murad - người phụ nữ từng bị phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) bắt làm nô lệ tình dục. Hai chủ nhân của giải Nobel Hòa bình năm nay được vinh danh vì những nỗ lực nhằm chấm dứt nạn bạo lực tình dục và họ xứng đáng được nhận giải thưởng cao quý này.

Tuy nhiên trong lịch sử của giải Nobel Hòa bình, không ít lần những người được xướng tên trở thành chủ đề gây tranh cãi của dư luận vì nhiều lý do khác nhau. Hãng tin RT (Nga) đã điểm lại một số lần trao giải Nobel Hòa bình gây tranh cãi nhiều nhất trong lịch sử.

Barack Obama

Ông Obama nhận giải Nobel Hòa bình năm 2009 (Ảnh: AFP)
Ông Obama nhận giải Nobel Hòa bình năm 2009 (Ảnh: AFP)

Nhiều người cho rằng việc cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama được trao giải Nobel Hòa bình vào năm 2009 là bằng chứng cho thấy khuynh hướng của ủy ban Nobel trong việc trao giải vì sự kỳ vọng nhiều hơn là kết quả thực tế. Ông Obama nhận giải thưởng danh giá này chỉ 12 tuần sau khi nhận nhiệm sở, và thậm chí bản thân ông cũng cảm thấy bất ngờ khi được trao giải.

“Tôi không xem giải thưởng này là sự ghi nhận cho thành tích của tôi mà là sự ghi nhận cho vai trò lãnh đạo của Mỹ trong việc đại diện cho khát vọng của người dân ở tất cả các quốc gia”, ông Obama nói trong bài diễn văn nhận giải Nobel Hòa bình.

Henry Kissinger

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger (Ảnh: Getty)
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger (Ảnh: Getty)

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger được cho là một trong những người nhận giải Nobel Hòa bình gây tranh cãi nhiều nhất. Ông Kissinger nhận giải vào năm 1973 vì vai trò của ông đối với việc ký kết Hiệp định Paris nhằm chấm dứt chiến tranh Việt Nam.

Tuy nhiên, nhiều người không đồng tình với quyết định trao giải Nobel Hòa bình cho ông Kissinger vì cho rằng cựu Ngoại trưởng Mỹ có liên quan tới một loạt vụ ném bom bí mật ở Đông Nam Á khiến nhiều người thiệt mạng, bị thương và mất nhà cửa.

Mahatman Gandhi

Ông Mahatma Gandhi (Ảnh: AFP)
Ông Mahatma Gandhi (Ảnh: AFP)

Một trong những lần gây tranh cãi nhất trong lịch sử giải Nobel Hòa bình xảy ra vào năm 1948 khi ủy ban Nobel không thể tìm ra bất kỳ ai trên thế giới xứng đáng nhận giải thưởng này. Năm 1948 cũng là năm Mahatma Gandhi, người dẫn dắt phòng trào phi bạo lực để giành độc lập ở Ấn Độ, qua đời.

Mặc dù được đề cử tới 12 lần nhưng ông Gandhi chưa bao giờ được trao giải Nobel Hòa bình. Sau khi ông Gandhi qua đời, ủy ban Nobel tuyên bố chỉ những người còn sống mới có thể được nhận giải Nobel Hòa bình và họ không muốn đưa ra trường hợp ngoại lệ.

Quyết định của ủy ban Nobel khi không trao giải Nobel Hòa bình cho bất kỳ ai vào năm 1948 được xem là sự thừa nhận ngầm của ủy ban rằng, giải thưởng năm đó chỉ có thể trao cho Gandhi nếu ông còn sống. Geir Lundestad, thư ký Ủy ban Nobel Na Uy, năm 2006 từng thừa nhận rằng việc ông Gandhi không được nằm trong danh sách chủ nhân của giải Nobel Hòa bình “chắc chắn” là thất bại lớn nhất của ủy ban này.

Cordell Hull

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Cordell Hull (Ảnh: Nobel Prize)
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Cordell Hull (Ảnh: Nobel Prize)

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Cordell Hull được trao giải Nobel Hòa bình vào năm 1945 vì đóng góp đáng kể của ông trong việc thành lập Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên 6 năm trước đó, ông Hull từng là nhân vật có liên quan tới sự kiện tàu SS St. Louis gây tranh cãi.

Vào năm 1939, tàu St. Louis chở theo 950 người tị nạn Do Thái tìm cách trốn chạy khỏi sự ngược đãi của phát xít Đức. Tổng thống Mỹ khi đó là ông Franklin Roosevelt tỏ ý sẵn lòng tiếp nhận số người tị nạn trên, song Ngoại trưởng Hull đã thuyết phục ông Roosevelt đổi ý.

Ông Hull thậm chí dọa sẽ không ủng hộ Tổng thống Roosevelt trong đợt bầu cử tiếp theo nếu ông Roosevelt vẫn cố tình cho phép 950 người tị nạn đổ bộ vào đất Mỹ. Ông Roosevelt rốt cuộc đã không để tàu St. Louis nhập cảnh vào Mỹ.

Con tàu này sau đó buộc phải quay trở lại châu Âu. Tại đây, rất nhiều người trên tàu đã bị giết chết trong các trại tập trung của phát xít Đức.

Suu Kyi

Bà Aung San Suu Kyi (Ảnh: Reuters)
Bà Aung San Suu Kyi (Ảnh: Reuters)

Ủy ban Nobel hồi tháng 8 đã quyết định không thu hồi giải thưởng Nobel Hòa bình từng trao cho bà Aung San Suu Kyi, lãnh đạo dân sự của Myanmar. Ủy ban Nobel khẳng định bà Suu Kyi đoạt giải Nobel Hòa bình vì đã đấu tranh cho dân chủ và tự do cho đến năm 1991, năm bà được trao giải.

Thông báo trên được đưa ra sau khi cuộc điều tra của Liên Hợp Quốc gần đây công bố những bằng chứng cho thấy quân đội Myanmar đã vi phạm nhân quyền nhằm vào cộng đồng người Hồi giáo Rohingya, bao gồm các vụ cưỡng hiếp, tấn công tình dục và giết người hàng loạt. Bà Suu Kyi bị chỉ trích vì không lên tiếng phản đối các hành động của quân đội.

Sau báo cáo của các nhà điều tra Liên Hợp Quốc, Ủy ban Nobel gọi một số hành động của bà Suu Kyi là “đáng tiếc”, đồng thời cho biết theo quy định của giải Nobel Hòa bình, ủy ban Nobel không cho phép lấy lại giải thưởng.

Yasser Arafat

Nhà lãnh đạo Arafat (bên trái) nhận giải Nobel Hòa bình cùng Thủ tướng và Ngoại trưởng Israel năm 1994. (Ảnh: AFP)
Nhà lãnh đạo Arafat (bên trái) nhận giải Nobel Hòa bình cùng Thủ tướng và Ngoại trưởng Israel năm 1994. (Ảnh: AFP)

Nhà lãnh đạo Palestine Yasser Arafat được trao giải Nobel Hòa bình vào năm 1994 vì những nỗ lực của ông trong việc thúc đẩy ký kết Hiệp định Hòa bình Oslo nhằm mang lại tương lai hòa bình cho khu vực Trung Đông. Hai nhà lãnh đạo khác cũng được trao giải cùng với ông Arafat là Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin và Ngoại trưởng Israel Shimon Press.

Quyết định trao giải cho ông Arafat vấp phải sự chỉ trích của dư luận, một phần do nhiều người cho rằng giải thưởng này không thực sự góp phần chấm dứt cuộc xung đột giữa Israel và Palestine. Thậm chí Kare Kristiansen, một thành viên của Ủy ban Nobel, đã từ chức vì phản đối việc Ủy ban này chọn ông Arafat cho giải Nobel Hòa bình.

Thành Đạt

Tổng hợp