Những gia đình giàu nhất thế giới Ảrập
Ngoài các cá nhân vẫn được mệnh danh là "những ông vua tiền", một số gia đình cũng góp tên vào danh sách top 10 những người giàu nhất các nước Ảrập trong năm 2005. Đó là gia đình Bin Laden, Olayan, Hariri và Kanoo với thứ hạng lần lượt là 3, 4, 5 và 8. Điểm chung của họ là cực kỳ nhanh nhạy trong việc nắm bắt thời cơ kinh doanh.
Gia đình Bin Laden - Ảrập Xêút (6,9 tỉ USD)
Cái tên Bin Laden thường được đề cập đến như một "thương hiệu" khủng bố nhưng thực ra, gia đình này lại rất nổi tiếng trong giới kinh doanh. Gần đây, tập đoàn xây dựng Bin Laden của đại gia đình này đã trúng thầu hợp đồng xây dựng nhà cửa tại thánh địa Mecca trị giá 533 triệu USD. Dự án trên giúp tạo chỗ ở cho hơn 2 triệu người sùng đạo hành hương đến đây mỗi năm. Bin Laden Construction Group được Mohammad Bin Laden sáng lập vào những năm 50 thế kỷ trước và nhanh chóng trở thành một trong những công ty hùng mạnh ở Ảrập Xêút với tài sản khoảng 5 tỉ USD. Tập đoàn này cũng xây dựng nhiều cung điện tại Riyadh và Jeddah cho các thành viên hoàng gia và từng trùng tu đền thờ al-Aqsa ở Đông Jerusalem sau khi đền này bị tấn công vào năm 1969. Hiện con trai thứ nhì của Mohammad là Baker đang kế nghiệp cha điều hành tập đoàn và mở rộng kinh doanh sang nhiều nước Ảrập khác với số nhân công lên đến hàng chục ngàn người.
Gia đình Olayan - Ảrập Xêút (6,82 tỉ USD)
Bắt đầu kinh doanh từ năm 1947, Tập đoàn Olayan hiện là một mạng lưới với hơn 50 công ty, trong đó có những tên tuổi lớn như MetLife, American International Group... Người sáng lập ra tập đoàn này là ông Suliman Olayan sinh năm 1918. Rời trường trung học năm 1936, Suliman vào làm cho một công ty dầu mỏ ở Bahrain. Một năm sau, trở về quê nhà, ông "đầu quân" cho Công ty dầu mỏ C.A.S.O.C của Mỹ, tiền thân của Aramco. Đến năm 1947, Suliman lại nổi bật trong các vai trò từ người điều phối vận chuyển, giám sát kho cho đến một vị trí trong Phòng quan hệ chính phủ.
Trong Thế chiến thứ 2, khi công nghiệp dầu mỏ bùng nổ, Suliman đã đánh hơi được đây là cơ hội hiếm có và quyết định thành lập Công ty vận chuyển General Contracting Co. vào giữa năm 1947. Đến năm 1954, ông cho ra đời General Trading Co., nhà phân phối thực phẩm và sản phẩm tiêu dùng. Cũng trong năm này, Suliman nhảy vào lĩnh vực bảo hiểm khi thành lập Arab Commercial Enterprises (ACE) - công ty bảo hiểm lớn nhất Trung Đông. Cứ thế, ông cho ra đời hơn 50 công ty kinh doanh trên đủ mọi lĩnh vực. Ông qua đời năm 2002, để lại cho vợ và 4 người con gia tài gần 7 tỉ USD.
Gia đình Hariri - Li-băng (5,4 tỉ USD)
Vụ cựu Thủ tướng Li-băng R.Hariri bị sát hại hồi tháng 2 năm ngoái đã tạo nên một cơn "động đất" trên chính trường nước này, nhưng lại không gây hậu quả tương tự đối với "đế chế" xây dựng khổng lồ của gia đình tỉ phú này. Tập đoàn xây dựng Saudi Oger Group của nhà Hariri được thành lập vào năm 1978 và hiện có doanh thu hằng năm hơn 3 tỉ USD. Cũng như Bin Laden Construction Group, Saudi Oger thường thầu xây dựng các công trình công cộng trong hơn 20 năm qua. Năm 1978, nhờ thành tích xây dựng "thần tốc" khách sạn quốc tế Taif trị giá 150 triệu USD chỉ trong 8 tháng (cho một hội nghị Hồi giáo ở Ảrập Xêút) mà Saudi Oger được Quốc vương Fahd "chiếu cố" giao cho hàng loạt các hợp đồng béo bở xây dựng sân bay, cầu đường, bệnh viện...Tài sản của gia đình này hiện chiếm gần 25% GDP của Li-băng.
Gia đình Kanoo-Bahrain (4,7 tỉ USD)
Chỉ trong 12 tháng, gia đình Kanoo đã làm giàu thêm sơ sơ... 200 triệu USD. Thành công này có được là nhờ Haji Yusuf Ahmed Kanoo, người đã lãnh sự nghiệp buôn bán nhỏ bé của gia đình vào năm 1890 để rồi "hô biến" thành một tập đoàn thành công và uy tín như ngày nay. Kinh doanh nhiều thứ từ vận chuyển đến buôn bán máy móc, năm 1930 Kanoo bành trướng hoạt động sang Ảrập Xêút và vào đầu năm 1960 sang Abu Dhabi, Dubai và Shrjah. Trong thời kỳ cao trào của cơn sốt dầu mỏ, Kanoo phất lên như diều gặp gió và trở thành một trong những tập đoàn kinh doanh đa dạng nhất. Gần đây, Kanoo đã nhảy sang lĩnh vực công nghệ thông tin và triển lãm.
Theo Uyên Phi
Thanh niên/ITP, Forbes, Times of India