Những đứa con IS bị ruồng bỏ
Con cái của những tay súng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bị xã hội ruồng bỏ và không được đất nước của người cha chấp nhận.
Ở một góc trại tị nạn Ain Issa, cách TP Raqqa - Syria gần 60 km về phía Bắc, một nhóm phụ nữ và trẻ em bị tách riêng. Những đứa trẻ tóc nâu vàng đùa giỡn giữa những tấm chăn được mẹ chúng treo lên làm cửa chắn ngang qua những gian phòng nhỏ ẩm ướt. Ở trại này, người ta gọi họ là "Daeshis" (tức "Gia đình của IS"). Chẳng ai muốn biết họ.
Không ai muốn nhận
Những phụ nữ này là vợ góa của các tay súng IS mất mạng. Tất cả đều là người nước ngoài, với tương lai còn ảm đạm hơn cả khoảng 12.000 người chạy loạn ở Syria và Iraq mới đến trại này hoặc nhiều triệu nạn nhân của xung đột đang sống trong các khu lều trại khắp Trung Đông. Trong khi đó, hằng ngày vẫn có nhiều xe tải chở thêm người tị nạn Syria đến trại Ain Issa.
Nét mặt của họ và của con cái họ khác biệt với người dân địa phương nên bị giao nộp cho các quan chức người Kurd điều hành trại. Gia đình của các tay súng thánh chiến nào được xem là có giá trị về tình báo được tách ra và đưa đi nơi khác. Những người còn lại coi như không có nhiều giá trị sử dụng.
Hàng ngàn đứa trẻ vô tội đã bị cuộc chiến chống IS biến thành côi cút. Một số em còn phải chịu đựng thêm một gánh nặng nữa, đó là ý thức hệ IS đã cướp đi của chúng sự thơ ngây. Đối với nhiều người trong xã hội của các em, bọn trẻ là con của quỷ dữ, là những kẻ bị ruồng bỏ không đáng được chăm sóc.
Các cơ quan cứu trợ quốc tế cố tiếp cận số vợ góa con côi được cho là đang gặp nguy hiểm này. Theo một số ước tính, có đến 5.000 phụ nữ có con với tay súng IS nước ngoài tại Iraq và Syria. Bị lăng nhục và không có quyền công dân, một số thành viên những gia đình này kêu gọi quốc gia của người chồng, cha đã mất mạng tiếp nhận họ. Cho đến nay, lời kêu cứu trên vẫn chưa được phản hồi. Anh, Pháp, Úc và nhiều quốc gia châu Âu thừa nhận họ chưa quyết định sẽ làm gì với con cái của phiến quân IS.
Riêng Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly vừa hé lộ có thể tiếp nhận con cái của các công dân nước này đã qua đời, còn mẹ của chúng thì không. Theo ông Parly, một số em có thể đã bị cực đoan hóa nên thách thức của nhà chức trách là làm sao giúp bọn trẻ có một cuộc sống bình thường. Trong khi đó, một quan chức Anh nói những phụ nữ Anh chọn ra đi phải chịu trách nhiệm cho những gì mình làm và không được phép trở về nước. Tuy nhiên, quan chức này cho rằng tình cảnh những đứa trẻ đáng được xem xét.
Nguy cơ bị trả thù
Tại nước láng giềng Iraq, một sư đoàn chống khủng bố canh giữ khoảng 1.800 phụ nữ và trẻ em trong những tòa nhà vô chủ ở phía Nam TP Mosul - thành phố đã được các lực lượng chính phủ tái chiếm hồi tháng 7. Gần như tất cả họ đều là người nước ngoài. Ông Abdul Wahab al-Saadi, tư lệnh phó sư đoàn trên, bày tỏ: "Theo luật pháp Iraq, anh không thể bắt người thân của kẻ tội phạm chịu trách nhiệm về hành động của y và truy tố họ. Vấn đề là cộng đồng chúng tôi, các truyền thống, giá trị của Iraq sẽ không cho phép dễ dàng tha thứ những gia đình đó. Cộng đồng quốc tế phải tham gia giải quyết vấn đề này".
Bà Sukaina Mohamed Younes, người đứng đầu Cơ quan Phụ nữ và Trẻ em ở tỉnh Nineveh - Iraq, cho biết: "Chúng tôi tiếp nhận từ Mosul hàng ngàn trẻ em mất cả mẹ lẫn cha. Có thể nói 75% trong số đó thuộc các gia đình IS. Chúng tôi không có con số chính xác bởi một số em không có bất cứ thứ giấy tờ gì. Hiện có 600 trẻ mồ côi IS ở trại tị nạn Hammam al-Alil... và chưa có chương trình nào xử lý vấn đề này. Tôi từng đề xuất đưa toàn bộ trẻ mồ côi IS vào một trại được bảo vệ chặt chẽ nhưng cũng chưa có động tĩnh gì. Cái khó ở đây là người ta không chấp nhận các gia đình IS nữa".
Theo bà Sukaina, đang tồn tại vấn đề trả thù trẻ em IS. Đơn giản là những người dân bị ảnh hưởng bởi hành động của IS sẽ khó quên được những gì đã xảy ra với họ và gia đình. Trong khi đó, bà Belkis Wille, một nhà nghiên cứu về Iraq, cho biết trẻ em IS bị hệ thống tư pháp quốc gia này đối xử như người lớn. "Khác biệt duy nhất là trẻ em ở Iraq không bị lãnh án tử hình. Người ta không phân biệt được nếu một đứa trẻ được IS tuyển mộ thì em là nạn nhân. Người ta cũng không có các chương trình cải tạo/chống cực đoan hóa".
Tuy vậy, bà Sukaina tin rằng còn có thể áp dụng phương pháp cải tạo với một số đứa trẻ IS ở TP Mosul: "Dễ dàng giúp bọn trẻ trong độ tuổi 8-12 trở về cuộc sống bình thường. Lứa tuổi lớn hơn thực sự khó cải tạo bởi ý thức hệ IS đã ăn sâu vào đầu óc chúng. Cộng đồng quốc tế cần giúp chúng tôi tìm ra giải pháp".
Đối mặt nhiều nguy cơ nói trên, không có gì lạ khi các góa phụ IS sống tại các trại tị nạn ở Bắc Iraq đang cố hết sức giấu giếm quá khứ. Để tránh những chuyện không hay có thể xảy ra, họ thường nhận những đứa con của mình là cháu. Nếu mọi chuyện bị lộ, điều tốt đẹp nhất họ có thể mong đợi trong hoàn cảnh hiện nay là sống tha hương lần thứ hai.
Theo Ngô Sinh
Người lao động