Những điều ít biết về biệt đội sát thủ của Hàn Quốc
(Dân trí) - Hàn Quốc từng xây dựng một biệt đội sát thủ từ năm 1968 nhưng kế hoạch này đã chấm dứt bằng thảm kịch đẫm máu khi chính những người được huấn luyện tiến hành một cuộc nổi loạn bất ngờ.
Với sứ mệnh đào tạo các sát thủ hàng đầu của Hàn Quốc, “Biệt đội 684” đã được thành lập vào năm 1968 sau cuộc tấn công của lính Triều Tiên nhằm vào dinh tổng thống Hàn Quốc. Tuy nhiên, dự án này đã không thành công và chấm dứt bằng một thảm kịch đẫm máu khi những người được đào tạo để trở thành sát thủ đã phải gánh chịu những kết cục khác nhau.
Bảy người trong nhóm đào tạo sát thủ đã mất mạng vì những lý do như bị hành quyết vì bỏ trốn, phạm tội hoặc chết do kiệt sức sau quá trình huấn luyện khắc nghiệt trên một đảo hẻo lánh. Trong khi đó, 24 thành viên còn lại trong nhóm đã giết chết chính những người huấn luyện họ trong cuộc nổi loạn đẫm máu.
Những thông tin liên quan tới kết cục đẫm máu của biệt đội sát thủ trên đảo Silmido đã được giấu kín cho tới khi Ủy ban Sự thật thuộc Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tiết lộ vào năm 2006. Câu chuyện về biệt đội sát thủ này cũng trở thành chủ đề cho một bộ phim bom tấn của Hàn Quốc.
Câu chuyện liên quan tới biệt đội sát thủ gần đây được nhắc lại khi Hàn Quốc được cho là đang lên kế hoạch xây dựng một đơn vị tương tự để đối phó với Triều Tiên trong bối cảnh mối đe dọa từ chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng ngày càng tăng lên.
Biệt đội 684 ra đời
Ban đầu, cơ quan tình báo Hàn Quốc dự định tuyển mộ những tù nhân đang đối mặt với án tử hình. Tuy nhiên, báo cáo của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc năm 2006 cho biết các sĩ quan tình báo rốt cuộc đã thu nạp “những người dân thường”.
Yang Dong-soo, một cựu huấn luyện viên của Biệt đội 684, nói với CNN rằng những người được tuyển mộ chủ yếu dựa trên tiêu chí ngoại hình.
“Các sĩ quan tình báo tiếp cận những người đàn ông trông có vẻ chơi thể thao và có dáng vóc khỏe mạnh để tuyển dụng. Những người này có thể làm công việc đánh giầy, bán báo, nhân viên tại rạp chiếu phim”, ông Yang cho biết.
Vào năm 1970, ông Yang, 21 tuổi, là tình nguyện viên của lực lượng không quân và được đưa tới đảo Silmido. Nhiệm vụ của ông Yang là huấn luyện cho những người mới được tuyển vào Biệt đội 684 kỹ năng chiến đấu bằng tay không.
“Tôi dạy cho các tân binh kỹ năng cần thiết để họ tồn tại. Và bài học quan trọng nhất đó là, “muốn sống, phải giết kẻ thù””, ông Yang nhớ lại.
Trên đảo Silmido, nơi hiện không còn người ở, cả huấn luyện viên và tân binh đều bị cấm giao lưu với thế giới bên ngoài. Quá trình huấn luyện rất cực khổ và khắc nghiệt.
“Một người đã bỏ mạng vì kiệt sức khi rèn luyện kỹ năng sống sót trên biển”, ông Yang nói.
Từ năm 1968-1971, 7 trong số 31 thành viên của Biệt đội 684 đã bỏ mạng. Theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, 2 người bị hành quyết vì hành vi bỏ trốn, còn một người bị xử tử vì đe dọa huấn luyện viên. 3 người khác đã bị hành quyết hoặc thiệt mạng sau khi tìm cách trốn khỏi đảo và cưỡng bức một phụ nữ địa phương.
Kết cục bi thảm
Trong 3 năm huấn luyện trên đảo Silmido, các thành viên của Biệt đội 684 chưa từng được triển khai tới Triều Tiên. Ngoài những vụ hành quyết, chết chóc và sự cô lập, sự hứa hẹn mà những người tuyển mộ từng nói với các thành viên trong đơn vị cũng không được thực hiện.
Theo Ủy ban Sự thật, sau 3 tháng đầu tiên trên đảo Silmido, các chỉ huy đã dừng trả lương cho các tân binh và cho họ ăn theo chế độ nghèo nàn. Và một vụ việc bất ngờ đã xảy ra vào sáng ngày 23/8/1971 khi những người được đào tạo trở thành sát thủ quay lưng sát hại chính những người chỉ huy của mình.
Yang nhớ lại rằng vào buổi sáng hôm đó, ông đã nghe thấy tiếng súng nổ khi chuẩn bị rời khỏi hòn đảo để chuẩn bị lấy đồ tiếp tế hàng tháng từ đất liền.
“Ban đầu tôi tưởng lực lượng đặc nhiệm Triều Tiên tới đây để chiếm hòn đảo”, ông Yang nói. Sau đó, ông Yang phát hiện một tân binh bắn vào cổ ông.
“Khi tôi tỉnh dậy, tôi thấy máu chảy ra từ cổ và xung quanh là những huấn luyện viên bị các tân binh bắn chết hoặc đang bỏ chạy. Có những người bị các tân binh bắn liên tiếp để đảm bảo rằng họ đã chết. Đó là cảnh tượng hỗn loạn”, ông Yang nhớ lại.
Khi đó, ông Yang đã nấp sau những tảng đá tối màu được phủ kín bởi những con hàu trên bờ biển. Trong khi máu chảy không ngừng, ông Yang vẫn nấp sau những tảng đá và cầu nguyện để các học viên không tìm thấy ông.
Ông Yang may mắn thoát chết, nhưng 18 huấn luyện viên khác đã chết dưới tay các thành viên của Biệt đội 684. Và họ vẫn chưa dừng lại.
Những người được đào tạo trở thành sát thủ tiếp tục tiến vào đất liền, khống chế một xe buýt và tiếp tục tới thủ đô Seoul. Tại đây, họ đã đụng độ với cảnh sát và các binh sĩ. Hàng chục dân thường và lực lượng an ninh đã thiệt mạng và bị thương.
Vụ việc chỉ kết thúc sau khi xe buýt phát nổ, giết chết 20 kẻ nổi loạn. 4 người sống sót sau vụ nổ. Họ bị xét xử bí mật và cả 4 người đều bị hành quyết vào ngày 10/3/1972.
“Sau vụ hành quyết, thi thể (của 4 người) không được bàn giao cho gia đình”, báo cáo của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết.
Biệt đội mới
Gần 50 năm sau thảm kịch của Biệt đội 684, có nhiều dấu hiệu cho thấy quân đội Hàn Quốc đang cố gắng tránh lặp lại những sai lầm trong quá khứ khi xây dựng biệt đội sát thủ mới.
Giới chức Hàn Quốc tiết lộ rất ít thông tin về biệt đội mới với tên gọi “Lữ đoàn tác chiến đặc nhiệm”. Khác với biệt đội trước đây gồm toàn bộ các thành viên là dân thường, những thành viên được tuyển mộ vào biệt đội ngày nay là những lính đặc nhiệm được huấn luyện kỹ càng.
Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Song Young Moo cho biết cần một năm để kết nối tất cả thành viên của biệt đội với nhau. Một nghị sĩ Hàn Quốc nói rằng Bộ Quốc phòng dự định đầu tư 57,7 tỷ won (khoảng 50 triệu USD) trong những năm tới để trang bị đạn dược và vũ khí cần thiết cho biệt đội sát thủ. Các trang thiết bị bao gồm radar “nhìn xuyên tường”, máy bay không người lái “tự sát” và máy phóng lựu đạn.
Thành Đạt
Tổng hợp