(Dân trí) - Những trận "mưa" tên lửa của Nga nhằm vào các thành phố Ukraine và cuộc tiến công thần tốc của Kiev ở Kherson là những diễn biến mới có khả năng xoay chuyển cuộc xung đột khi mùa đông tới gần.
NHỮNG DIỄN BIẾN MỚI TRONG XUNG ĐỘT NGA - UKRAINE KHI MÙA ĐÔNG CẬN KỀ
Những trận "mưa" tên lửa của Nga nhằm vào các thành phố Ukraine và cuộc tiến công thần tốc của Kiev ở mặt trận Kherson là những diễn biến mới có khả năng xoay chuyển cuộc xung đột khi mùa đông tới gần.
Nga gần đây đã phóng hàng chục tên lửa vào thủ đô Kiev của Ukraine và một số thành phố khác, trong đó có nhiều thành phố nằm sâu trong lãnh thổ Ukraine và cách xa chiến trường. Theo các quan chức Ukraine, các cuộc không kích của Nga đã khiến ít nhất 14 người thiệt mạng và hơn 90 người khác bị thương.
Các cuộc tập kích tên lửa trên diện rộng dường như lặp lại kịch bản của những ngày đầu xung đột hồi cuối tháng 2, nhưng cũng cho thấy cuộc xung đột Nga - Ukraine, vốn chìm trong bế tắc suốt nhiều tháng qua, đang có xu hướng bùng phát mạnh trở lại khi mùa đông đến gần.
Đây không phải lần đầu tiên cuộc xung đột Nga - Ukraine bước sang giai đoạn mới không thể đoán trước. Theo Keir Giles, chuyên gia tư vấn cấp cao của chương trình Nga và Á-Âu tại Viện Chatham House, "cuộc chiến có thể bước sang các giai đoạn thứ 3, thứ 4, thậm chí có thể thứ 5 như những gì chúng ta đang thấy".
8 tháng sau ngày Nga bắt đầu triển khai chiến dịch quân sự tại nước láng giềng, cuộc xung đột vẫn chưa đến hồi kết khi cả Moscow và Kiev đều tìm cách giành được lợi thế và giáng đòn mạnh vào đối phương trước mùa đông khắc nghiệt.
Cuối tháng 9, Tổng thống Vladimir Putin thông báo Nga sáp nhập 4 vùng lãnh thổ tại Ukraine gồm Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhia. Ngày 19/10, ông Putin tuyên bố thiết quân luật tại các vùng lãnh thổ này. Trong khi đó, Ukraine vẫn tiếp tục mở rộng vùng lãnh thổ mà họ kiểm soát và quân đội Nga đã rút khỏi thành phố Lyman ở miền Đông Ukraine. Lực lượng Ukraine cũng giành được lãnh thổ ở Kherson ở miền Nam, một trong những khu vực mà Tổng thống Putin tuyên bố sáp nhập vào Nga.
Tổng thống Putin hồi tháng 9 cũng phát lệnh động viên 300.000 quân dự bị cho chiến dịch tại Ukraine. Ngày 14/10, ông Putin xác nhận Nga đã huy động được 220.000 quân, trong đó khoảng 16.000 người đã được triển khai tới tiền tuyến. Lệnh động viên của Nga có thể kết thúc trong tháng 10, nhưng các chuyên gia dự đoán xung đột có thể sẽ tiếp tục kéo dài qua mùa đông.
Ukraine đối mặt mùa đông khắc nghiệt
Các chuyên gia cho rằng những tuần tiếp theo của cuộc chiến sẽ là giai đoạn rất quan trọng khi mùa đông đang đến gần khiến tốc độ của cuộc chiến bị chậm lại, trong khi các bên vẫn đang tìm cách chặn đà tiến công của bên còn lại.
"Phản ứng từ Nga nhiều khả năng sẽ tiếp tục leo thang, trong khi chiến thắng của Ukraine ngày càng trở nên thuyết phục hơn", chuyên gia Giles nhận định.
Cả Nga và Ukraine đều nỗ lực chiến đấu để giành lợi thế trước khi mặt đất đóng băng vào mùa đông. Trong những tháng vừa qua, Ukraine đã tiến công nhanh chóng và giành lại hàng nghìn km2 lãnh thổ. "Tôi nghĩ chúng ta đã chứng kiến sự thay đổi thực sự trong 3 tháng qua. Ukraine đang giành được lợi thế và họ chắc chắn đã chuẩn bị sẵn sàng cho chiến dịch vào mùa đông", một quan chức phương Tây nói với các phóng viên bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO ở Brussels, Bỉ trong tháng này.
Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), quân đội Ukraine đang tập trung chủ yếu vào việc đẩy lùi lực lượng Nga về phía đông sau khi vượt sông Oskil vào cuối tháng 9, trong khi Moscow đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc bảo vệ các thành phố Starobilsk và Svatove ở Lugansk, vùng Donbass, miền Đông Ukraine. Việc giáng đòn mạnh vào Donbass sẽ gửi một tín hiệu mạnh mẽ và Ukraine dường như muốn tăng cường lợi thế trước khi nhiệt độ giảm mạnh vào mùa đông và châu Âu hứng chịu tác động đầy đủ của việc tăng giá năng lượng.
"Có rất nhiều lý do thúc đẩy Ukraine hoàn thành kế hoạch một cách nhanh chóng, trong đó có cuộc khủng hoảng năng lượng vào mùa đông ở châu Âu, cơ sở hạ tầng năng lượng và nguồn điện của Ukraine bị phá hủy sau các cuộc tập kích của Nga. Đây sẽ là phép thử đối với khả năng phục hồi của Ukraine và những người ủng hộ phương Tây", chuyên gia Giles cho biết.
Các nhà lãnh đạo NATO tuyên bố sẽ hậu thuẫn Ukraine bất kể cuộc chiến diễn ra trong bao lâu, nhưng một số quốc gia châu Âu, đặc biệt là những nước phụ thuộc nhiều vào năng lượng của Nga, đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng do chi phí sinh hoạt tăng cao cũng như giá nhiên liệu tăng vọt. Nếu Ukraine không đạt được bước tiến trên chiến trường, sự ủng hộ của phương Tây dành cho Kiev sẽ giảm sút.
Các cuộc giao tranh trong những ngày gần đây cho thấy, các địa điểm nằm ngoài khu vực chiến tuyến trên bộ cũng không tránh khỏi nguy cơ bị tấn công. Hiện vẫn chưa rõ chính xác vụ đánh bom cầu Crimea, cây cầu bắc qua eo biển Kerch nối đất liền Nga với bán đảo Crimea, được thực hiện như thế nào, và Ukraine vẫn chưa nhận trách nhiệm về vụ việc, nhưng việc một mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ do Nga kiểm soát có thể bị tấn công đã cho thấy mối đe dọa nghiêm trọng từ Ukraine đối với các tài sản quan trọng của Nga.
Thách thức bủa vây
Các lực lượng Nga vẫn đang nỗ lực tiến công trên thực địa và chưa giành được ưu thế trên không, tuy nhiên các vụ tập kích tên lửa gần đây vào Kiev và hàng loạt thành phố của Ukraine có thể chứng minh cho những người còn hoài nghi trong nội bộ nước Nga rằng, Moscow vẫn duy trì sức mạnh trong cuộc xung đột.
Tuy nhiên các chuyên gia nhận định, Nga khó có thể duy trì các cuộc tập kích quy mô lớn như vậy, vì kho dự trữ vũ khí của nước này có hạn. "Chúng tôi biết và các chỉ huy của Nga trên thực địa cũng biết rằng nguồn cung vũ khí và đạn dược của họ đang cạn kiệt", Jeremy Fleming, giám đốc cơ quan tình báo Anh, cho biết.
ISW cũng đưa ra nhận định tương tự, cho rằng "việc Nga sử dụng kho vũ khí chính xác có hạn của họ trong các cuộc tấn công như vậy có thể khiến Nga mất đi các lựa chọn nhằm ngăn chặn các cuộc phản công đang diễn ra của Ukraine".
Tuy nhiên, Nga có thể nhận được sự trợ giúp để khắc phục vấn đề thiếu vũ khí tấn công chính xác. Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko tuyên bố Belarus và Nga sẽ "triển khai lực lượng quân sự hiệp đồng trong khu vực", làm dấy lên lo ngại về hợp tác quân sự chặt chẽ giữa hai nước đồng minh thân cận và quân đội Belarus có thể chính thức sát cánh cùng Nga trong cuộc chiến tại Ukraine. Belarus đã phàn nàn về các mối đe dọa được cho là của Ukraine đối với an ninh của họ trong thời gian gần đây, điều mà các nhà quan sát cho rằng có thể là bước dạo đầu cho sự can dự của Belarus vào cuộc xung đột ở Ukraine.
Tuy vậy, tác động của khả năng can thiệp quân sự từ Belarus được cho là không đáng kể, vì Belarus chỉ có khoảng 45.000 binh sĩ tại ngũ. Con số này dù không giúp Nga tăng quá nhiều quân số, nhưng có thể đe dọa một cuộc tấn công khác vào sườn phía bắc của Ukraine nơi giáp biên giới Belarus.
"Việc mở lại mặt trận phía bắc sẽ là một thách thức mới đối với Ukraine. Điều đó sẽ mở cho Nga một tuyến đường mới vào Kharkov, khu vực vốn bị Ukraine tái chiếm, nếu Nga ưu tiên nỗ lực giành lại lãnh thổ này", chuyên gia Giles bình luận.
Tướng Patrick Ryder, người phát ngôn Lầu Năm Góc, dự đoán Nga sẽ phải đối mặt với những thách thức đáng kể về hậu cần khi mùa đông tới. "Khi nhìn vào những yếu tố như mưa, tuyết, bùn đất, chắc chắn sẽ làm tăng thêm mức độ phức tạp cho chiến trường vốn đã rất khốc liệt", ông Ryder nhận định.
Trong thời gian tới, Nga có thể đối mặt với thách thức nếu tiếp tục triển khai chiến thuật trút "mưa" tên lửa vào các mục tiêu tại Ukraine. Hệ thống phòng không của Ukraine hiện vẫn phụ thuộc chủ yếu vào các khí tài từ thời Liên Xô như S-300, nhưng Kiev ngày càng được tiếp nhận thêm nhiều hệ thống phòng không hiện đại của phương Tây. Mỹ đang đẩy nhanh việc cung cấp các hệ thống NASAMS hiện đại cho Ukraine, trong khi Kiev cũng nhận được hệ thống IRIS-T do Đức cung cấp.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng tuyên bố liên minh quân sự này sẽ cung cấp các hệ thống phòng không cho Ukraine trong thời gian tới nhằm hỗ trợ Kiev trước các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) của Nga vào các cơ sở hạ tầng quan trọng. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết các cuộc không kích của Nga đã phá hủy 30% hạ tầng điện ở Ukraine chỉ trong một tuần.
Trận chiến quyết định ở Kherson
Giới phân tích cho rằng xung đột Nga - Ukraine dường như đang ở giai đoạn bước ngoặt. Ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy Kiev có thể tái chiếm thành phố Kherson nằm sâu trong khu vực miền Nam Ukraine. Khi các lực lượng Ukraine tăng cường tấn công vào Kherson, truyền thông Nga đưa tin Điện Kremlin đã bắt đầu sơ tán khoảng 60.000 dân thường và nhân viên hành chính từ các vùng lãnh thổ Ukraine ở hữu ngạn sông Dnepr sang bờ bên kia. Joachim Krause, Giám đốc Viện Chính sách An ninh tại Đại học Kiel (ISPK), nói rằng Điện Kremlin có thể bắt buộc chuyển một phần dân cư sang Nga sau khi "thiết quân luật" được ban bố gần đây tại các vùng lãnh thổ Ukraine sáp nhập vào Nga.
Dnepr là con sông lớn nhất và quan trọng nhất ở Ukraine. Sông có chiều rộng trung bình hơn 2km, phân chia giữa đông và tây Ukraine, tạo thành một hàng rào tự nhiên. Đây cũng là khu vực cung cấp năng lượng quan trọng, với nhiều nhà máy thủy điện có từ thời Liên Xô.
Cho đến nay, quân đội Nga mới chỉ có thể vượt sông Dnepr ở phía nam xung quanh Kherson, nơi Moscow đã nắm quyền kiểm soát từ những ngày đầu tiên của chiến dịch quân sự. Khu vực này bao gồm tuyến đường bộ duy nhất dẫn đến Crimea, bán đảo Nga sáp nhập từ năm 2014. Sau khi Nga sáp nhập Crimea, Ukraine đã đóng cửa một con kênh cung cấp nước từ sông Dnepr cho bán đảo Crimea vốn khô hạn. Nga đã nối lại việc cung cấp nước cho Crimea sau khi mở chiến dịch quân sự.
Tuy nhiên, kể từ tháng 2, quân đội Nga hầu như không tiến thêm, trong khi quân đội Ukraine gần đây đã giải phóng một loạt thị trấn trong khu vực. Ukraine đạt được bước tiến này nhờ các cuộc pháo kích có chủ đích vào các cây cầu trên sông Dnepr kể từ tháng 7, khiến các tuyến đường tiếp tế của Nga bị gián đoạn. Do quân đội Ukraine đã nhắm mục tiêu vào một số cây cầu ở Kherson, Nga phải sử dụng phà và cầu phao để sơ tán dân khỏi khu vực này.
Đại tá và nhà sử học quân sự người Áo Markus Reisner cho rằng đây là một "tình huống quyết định trước mùa đông", Ông gọi chiến dịch Kherson là "cuộc tấn công quan trọng nhất và mang tính quyết định" đối với Ukraine. Ông chỉ ra rằng quân đội Nga đã vượt qua sông Dnepr ở giai đoạn đầu chiến dịch quân sự và lực lượng Nga cuối cùng có thể sử dụng khu vực này để tiến lên Odessa. Điều này sẽ giúp Nga kiểm soát hoàn toàn việc tiếp cận Biển Đen và biến Ukraine thành một quốc gia không giáp biển. Kiev có ý định ngăn chặn kịch bản này bằng mọi giá.
Theo ông Reisner, các cây cầu ở Kherson đã bị quân đội Ukraine "làm hư hại nghiêm trọng" và Nga không có đủ cầu phao. "Nếu chiến lược của Nga là củng cố một phòng tuyến vững chắc trước mùa đông, thì kịch bản hợp lý là họ có thể từ bỏ bờ Tây và quay trở lại bờ Đông. Nhưng điều này có nghĩa là Nga sẽ không thể tấn công Mykolaiv và Odessa từ Kherson, ít nhất là ở thời điểm hiện tại", chuyên gia Reisner nhận định.
Giới quan sát cho rằng những phát biểu gần đây của Tướng Sergei Surovikin, tư lệnh mới của Nga tại Ukraine, cho thấy Điện Kremlin có thể đang cân nhắc việc rút khỏi Kherson. Tướng Surovikin thừa nhận tình hình chiến sự ở Kherson "không dễ dàng" và ông không loại trừ việc Nga phải đưa ra "những quyết định khó khăn". Điều đó cho thấy sự thay đổi trong lập trường của Điện Kremlin. Vào cuối tháng 9, New York Times từng đưa tin Tổng thống Vladimir Putin đã từ chối yêu cầu rút khỏi Kherson của quân đội Nga.
Hiện tại, trong bối cảnh Nga chuẩn bị để bảo vệ Kherson, có nhiều đồn đoán về những gì có thể xảy ra tại đập thủy điện Kakhovka cách thượng nguồn sông Dnepr vài km. Tướng Surovikin cáo buộc Ukraine đang chuẩn bị một cuộc tấn công tên lửa vào đập Kakhovka, điều mà Kiev phủ nhận. Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cáo buộc Nga đặt mìn và âm mưu cho nổ tung đập này. Ông Zelensky cảnh báo về một "thảm họa quy mô lớn" nếu điều này xảy ra.
Thành Đạt
Theo Politico, AFP, Vox, Reuters