1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Những dấu hỏi cho 6 năm cuộc chiến Iraq

(Dân trí) - Iraq đang kỷ niệm 6 năm cuộc chiến do Mỹ đứng đầu lật đổ Saddam Hussein với các cuộc biểu tình và những câu hỏi quen thuộc: bao giờ hết căng thẳng chính trị-sắc tộc và liệu an ninh có thể thực sự được cải thiện khi lính Mỹ bắt đầu rút hết.

Những dấu hỏi cho 6 năm cuộc chiến Iraq  - 1
Người Iraq biểu tình phản đối cuộc chiến của Mỹ.
 
 
Tiến bộ tiềm ẩn những nguy cơ

 

Lễ kỷ niệm lần này, trong tuần lễ bắt đầu từ ngày 19/3, diễn ra vào lúc Iraq có vẻ như sắp thoát khỏi những cảnh xung đột đẫm máu và khi quân đội Mỹ chuẩn bị về nước, nhưng một số chuyên gia vẫn chưa tỏ thái độ lạc quan.

 

Trong thời gian này, gần như tất cả mọi tin tức từ Iraq đều tốt đẹp, những số thương vong quân sự, cảnh sát và thường dân đều hạ xuống, nền kinh tế được cải thiện, những chuẩn bị cho một vòng tuyển cử nữa đang tiến hành suôn sẻ, quân đội Mỹ đang giảm thiểu dần vai trò của họ và sẽ rút hoàn toàn trong vòng 3 năm.

 

Bầu cử khu vực sẽ được tổ chức trên 14 trong số 18 tỉnh và bầu cử quốc hội trên toàn quốc vào cuối năm 2009 dự kiến sẽ tạo điều kiện cho người dân Iraq cơ hội lựa chọn những nhà lãnh đạo mà họ tin là sẽ đại diện cho quyền lợi của họ. Nhưng những thử thách quan trọng có thể xảy ra và các tư lệnh Mỹ tin rằng những phần tử nổi dậy sẽ gia tăng các vụ tấn công nhằm phá hoại quá trình vận động bầu cử. Một số chính trị gia Iraq lo ngại chính quyền sẽ dùng cảnh sát để dọa dẫm các ứng cử viên đối lập.

 

Theo quân đội Mỹ, bạo lực đã giảm 80% trong năm qua, nhưng sự nghi kỵ và thù hằn giữa người Shiitte, Sunni và người Kurd vẫn âm ỉ. Iraq vẫn là một đất nước hoang tàn, nơi mà hàng triệu người không được an toàn. Lễ kỷ niệm năm nay cũng đánh dấu bằng một vài vụ tấn công chết người, trong đó có vụ đánh bom liều chết gần Fallujah làm nhiều người, trong đó có 1 sĩ quan cảnh sát, thiệt mạng.

 

Trong 6 năm, website “Đếm xác người Iraq” cho biết có 91.121 dân thường Iraq thiệt mạng, và phía Mỹ là ít nhất 4.258 binh lĩnh tử trận cùng 307 lính của lực lượng liên quân. Khoảng 2 triệu người Iraq phải rời bỏ đất nước để tránh bạo lực.

 

Vẫn là những nghi ngại

 

Thống kê từ Washington cho thấy cuộc chiến Iraq là chiến dịch quân sự tốn kém nhất của Mỹ kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ II, ảnh hưởng rất lớn với nước Mỹ về tất cả các mặt kinh tế, chính trị, quân sự cũng như xã hội. Mỹ đã chi hơn 700 tỉ USD đã được chi cho Iraq và con số này vẫn chưa dừng lại.

 

Tốn kém như vậy, nhưng năm 2009 - được gọi là năm bản lề của cuộc chiến này, Mỹ sẽ thu được những gì tương xứng? Thượng tướng Lloyd Austin, vị chỉ huy quân sự số hai của Mỹ tại Iraq thừa nhận Iraq mới chỉ đang tiến gần tới một nền hoà bình, chứ chưa hẳn đạt được. Trong khi có ý kiến tỏ ra tin tưởng kế hoạch của Tổng thống Obama rút lực lượng tác chiến Mỹ khỏi Iraq vào tháng 8 năm tới, tiếp đó toàn bộ quân đội Mỹ sẽ rút vào cuối năm, một số nhà phân tích khác, trong đó có quan chức Bộ Ngoại giao Wayne White tại Viện Trung Đông, nói rằng vẫn còn quá sớm để công bố chiến thắng. “Con đường rút khỏi Iraq có thể sẽ khó khăn chẳng kém những năm chinh chiến trước đây. Vẫn còn rất nhiều điều mơ hồ. Tôi nhìn thấy có sự rắc rối”, ông lo lắng.

 

Các giới chức Lầu Năm Góc thường nói rằng sự tiến bộ tại Iraq hãy còn “mong manh”, tuy có khả quan hơn cách đây 1 năm. Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates nói vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết, dù vào thời điểm Iraq đi vào năm chinh chiến thứ 7 của mình, người Iraq đã có thể nhìn về một tương lai xán lạn hơn.

 

Các chính trị gia Iraq không tổ chức buổi lễ chính thức nào kỷ niệm cuộc chiến bước vào năm thứ 7. Ngoại trưởng Iraq Hoshyar Zebari cho biết mặc dù có những tiến bộ an ninh đáng kể, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề đe doạ sự ổn định của nước này. Ông tỏ ý hy vọng việc Mỹ rút quân sẽ không làm đảo ngược những tiến bộ an ninh đã đạt được. Hiện Mỹ có 140.000 quân ở Iraq.

 

Nguyễn Viết

Tổng hợp