1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Quan hệ Trung - Nhật:

Những dấu hiệu tan băng

(Dân trí) - Sự vận động của trật tự khu vực dường như là trật tự thế giới đa cực đương đại thu nhỏ lại, trong đó Trung Quốc và Nhật Bản là hai cực vừa hợp tác vừa cạnh tranh. Tùy theo ảnh hưởng của sự vận động trật tự thế giới, mặt đấu tranh hay mặt hợp tác trong quan hệ hai nước sẽ chiếm ưu thế…

Trung tuần tháng Tư, cộng đồng thế giới, đặc biệt là các nước Đông Á chú tâm theo dõi chuyến thăm Nhật Bản đầu tiên của một Thủ tướng Trung Quốc sau hơn 6 năm. Chuyến thăm này có thể còn là đợt tiền trạm cho chuyến đi của nhà lãnh đạo cao nhất Trung Quốc, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào.

 

Dường như để mở đường cho chuyến đi Tokyo của ông Ôn Gia Bảo, cả hai bên đều có những tuyên bố và đề xuất giúp cải thiện mối quan hệ giữa hai nước Đông Bắc Á vốn trở nên băng giá sau những chuyến thăm ngôi đền Yasukuni của cựu Thủ tướng Nhật Bản Junichiro Koizumi. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tuyên bố: “Lịch sử là bài học chứ không phải gánh nặng cho quan hệ Trung - Nhật”. Đáp lại, đích thân Thủ tướng Shinzo Abe, người đã đến Bắc Kinh hồi tháng 10/2006, nhiệt liệt hoan nghênh chuyến thăm của người đồng nhiệm Trung Quốc khi trả lời phỏng vấn các phương tiện truyền thông quốc tế.

 

Một loạt các vấn đề cũng đã được nêu ra trong chương trình nghị sự dự kiến: hợp tác kinh tế, môi trường; cơ chế giải quyết những tranh chấp lãnh thổ tại Biển Hoa Đông vốn đã bị phức tạp hoá bởi trữ lượng thăm dò các nguồn tài nguyên dầu mỏ và khí đốt khá lớn; và thậm chí các biện pháp xây dựng lòng tin giữa lực lượng vũ trang hai nước.

 

Chưa thể đo đạc tận tường được những ảnh hưởng tích cực cụ thể đối với quan hệ hai nước sau chuyến thăm này nhưng chính bản thân sự kiện ngoại giao này là hệ quả của đòi hỏi cải thiện quan hệ nhằm mục đích tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế và xa hơn nữa là một trật tự khu vực ổn định tại Châu Á trong đó hai nước là “diễn viên” chính. 

 

Trước hết về mặt kinh tế, mọi thứ có thể được diễn giải cùng với các con số thống kê. Nhật Bản từng là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong suốt 11 năm ròng, cho đến tận năm 2003, trước khi bị Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) vượt qua. Mọi thứ càng trở nên tồi tệ hơn trong năm 2005, sau các vụ biểu tình chống Nhật Bản tại các thành phố lớn trên toàn đất nước Trung Hoa xuất phát từ những tranh cãi về sách giáo khoa lịch sử được chính phủ của ông Koizumi cho phép lưu hành, trong đó “quên” nhắc đến các tội ác chiến tranh của quân đội Nhật thời Chiến tranh thế giới thứ hai.

 

Một tháng sau các cuộc biểu tình, kết quả thăm dò cho thấy chỉ có 54,8 % doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng hoạt động sang Trung Quốc, giảm mạnh so với tỷ lệ 86,3 % vào cuối năm 2004. Thậm chí cho đến cuối năm 2006, tỷ lệ này chỉ mới tăng lên được đến mức 76,8%.

 

Thương mại song phương trong hai năm 2005 và 2006 đều tăng trưởng ở mức 12% nhưng chỉ được bằng chưa được một nửa tỷ lệ tăng trưởng mậu dịch giữa Trung Quốc với Mỹ và EU. Đó là điều bất thường cho sự tương tác giữa hai nền kinh tế khổng lồ của thế giới (Tổng sản phẩm quốc dân (GNP) của Nhật Bản năm 2005 đạt khoảng 4500 tỷ USD và của Trung Quốc đạt 2200 tỷ USD) và chỉ ngăn cách nhau bởi một vùng biển không rộng lắm. Những giá lạnh của quan hệ chính trị là nguyên nhân chính gây ra sự bất thường đó. Bởi thế, sau chuyến thăm “phá băng” của Thủ tướng Shinzo Abe hồi tháng 10/2006, thương mại song phương trong hai tháng đầu năm 2007 đã tăng trưởng đến 22,4%, tăng đến 10,7% so với cùng kỳ năm trước đạt đến 33,49 tỷ USD.   

 

Xa hơn phải xét đến các đặc điểm của trật tự khu vực Châu Á mà trong đó hai nước này là các nhân tố chính. Theo các nhà nghiên cứu quốc tế trật tự khu vực bị chi phối bởi các đặc điểm sau: sự hiện diện của lực lượng quân sự Mỹ cùng với 5 hiệp ước an ninh song phương của nước này với các quốc gia Châu Á-Đại dương; sự vươn lên mạnh mẽ của Trung Quốc với tư cách một cường quốc toàn cầu; chính sách ngoại giao độc lập vừa hợp tác vừa đấu tranh của các quốc gia khu vực; sự hình thành các cộng đồng an ninh hợp tác như Diễn đàn An ninh ASEAN (ARF), Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) và cuối cùng là diễn biến ấm - lạnh quan hệ Trung - Nhật. Đặc điểm cuối cùng mang tính chất chi phối dù đó chỉ là diễn biến của mối quan hệ song phương bởi mỗi bên trong quan hệ này đều là thành tố trong 4 đặc điểm còn lại.   

           

Sự vận động của trật tự khu vực dường như là sự vận động của trật tự thế giới đa cực đương đại thu nhỏ lại trong đó cả Trung Quốc lẫn Nhật Bản là hai cực vừa hợp tác vừa đấu tranh để khẳng định vị thế. Tùy theo ảnh hưởng của sự vận động trật tự thế giới, mặt đấu tranh hay mặt hợp tác trong quan hệ hai nước sẽ chiếm ưu thế. Trong thời điểm hiện tại, cả hai nước đều có mong muốn ưu tiên hợp tác để  “trỗi dậy hòa bình” (đối với Trung Quốc) và “tìm kiếm vị trí tương xứng với những đóng góp cho cộng đồng quốc tế” (đối với Nhật Bản).

 

Tuy nhiên, các khúc mắc trong quan hệ Trung - Nhật vẫn hầu như còn nguyên vẹn và rõ ràng rất khó để có thể được gỡ bỏ một sớm một chiều, thậm chí chúng có thể bị khơi lại để phục vụ cho mục tiêu chính trị ngắn hạn trong bối cảnh cuộc bầu cử Quốc hội Nhật Bản sắp đến gần. Mặt khác, sự chọn lựa chính sách tiếp theo của giới lãnh đạo hai nước cũng có vai trò quyết định. Nếu nhà cầm quyền hai bên không thực sự có thiện chí giải quyết những vấn đề lịch sử một cách chân thành thì các vướng mắc trên càng kéo dài và quan hệ hai nước sẽ khó mà trở nên nồng ấm khiến môi trường an ninh Châu Á tiếp tục bất ổn. Và sau hết một sự can thiệp của cường quốc bên ngoài phục vụ cho ý đồ bá quyền thế giới hoàn toàn có thể khiến quan hệ Trung - Nhật quay trở lại với các nghi kỵ, thù địch thậm chí là đối đầu.

           

Năm 2007 là năm kỷ niệm thứ 35 việc Trung Quốc và Nhật Bản bình thường hoá quan hệ  đồng thời cũng là năm kỷ niệm thứ 70 cuộc chiến tranh xâm lược Trung Quốc của Nhật Bản và các nạn nhân của “Vụ thảm sát Nam Kinh”. Hơn 1/3 thế kỷ đã trôi qua, kể từ lúc hai nước nối lại quan hệ ngoại giao, thế nhưng chưa bao giờ quan hệ song phương thực sự cởi mở bởi các vấn đề lịch sử luôn ám ảnh cả Tokyo lẫn Bắc Kinh. Một sự tiến triển thực chất chỉ có thể bắt đầu từ thiện chí.

 

N.S