1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Những cuộc đời ở khu đèn đỏ Bangkok

Cuộc đời của những “lao động tình dục” (sex worker) tại “Phố đèn đỏ” Patpong - Thái Lan hầu hết đều có kết cục buồn như nhau. Họ bị cuốn trong vòng luẩn quẩn nghèo khó, bệnh tật lúc tuổi xế chiều kéo theo những hệ lụy đến cả cuộc đời của những đứa con mình.

Phần I

 

Nakyramy, một “lao động tình dục” từng làm việc ở một điểm “matxa toàn thân” (body massage) ở Patpong, ví von rằng khoảng thời gian hành nghề ngắn ngủi của các cô giống như một ngôi sao lóe sáng rồi vụt tắt.

 

Dù có nổi tiếng đến mấy, kiếm được tiền bao nhiêu rồi cuối cùng cũng trắng tay. Không ít người trong số họ kết thúc cuộc đời trong nghèo đói, bệnh tật và sự rẻ rúng của xã hội. “Chỉ mới vài năm trước, tôi từng là hoa khôi của khu phố này. Có đêm kiếm được hàng ngàn USD. Nhưng những đồng tiền đó được dùng vào những canh bạc, thuốc lắc và ma túy, để rồi nó giết lần giết mòn tuổi xuân của tôi”, Nakyramy nói.

 

Không có việc làm, lại nghiện hút, Nakyramy phải sống bằng những đồng tiền vay mượn mà xem như bố thí của các “đồng nghiệp” cũ. Mới đây, cô phát hiện mình bị nhiễm HIV khi sinh con trai đầu lòng với một người đàn ông lớn tuổi xa lạ.

 

Nakyramy bảo rằng cô muốn có một đứa con để hủ hỉ tuổi về già mà không cần có cha. “Bây giờ thì chấm hết tất cả. Không còn hi vọng gì ở tương lai. Tôi cảm thấy rất có tội với con mình vì gieo cho nó một căn bệnh hiểm nghèo khi mới lọt lòng mẹ”, Nakyramy nghẹn giọng.

 

Nooti, một nhà hoạt động xã hội ở Bangkok, nói rằng cái vòng luẩn quẩn của cuộc đời các “lao động tình dục” khiến không ít những đứa con gái của họ khi đến tuổi trưởng thành lại tiếp tục trở thành gái mại dâm như mẹ chúng. Những đứa trẻ là kết quả của những cuộc tình vụng dại hay những mái ấm gia đình vừa tan vỡ của các “lao động tình dục”, chúng thường thiếu sự quan tâm, chăm sóc của người mẹ.

 

Tata Simon - cô gái vừa tròn 18 tuổi quê ở Chiang Rai, làm việc ở hộp đêm Bell tại “khu đèn đỏ” - thừa nhận với chúng tôi rằng cô “nối nghiệp” mẹ mình đã được ba năm.

 

“Tuổi thơ của tôi là những ngày sống vất vưởng trong sự cưu mang của những người bạn “đồng nghiệp” của mẹ. Trong ký ức tôi vẫn con nhớ rất rõ những lần chứng kiến mẹ mình khoác tay những gã đàn ông xa lạ về nhà trong tình trạng say mèm và sáng ra bà lại có một ít tiền. Khi ấy tôi đã rất giận mẹ mình. Nhưng càng lớn tôi càng hiểu và thông cảm với mẹ mình hơn. Bà ấy cũng có nỗi khổ của mình”, Simon kể.

 

Khi tuổi xuân qua đi, không thể làm “lao động tình dục” nữa, mẹ của Simon nhận làm lao công quét dọn cho chính hộp đêm ngày trước bà đã làm. Một lần, trong trạng thái say xỉn, bà bị xe hơi tông chết. Simon lại chọn con đường đi của mẹ để mưu sinh.

 

Nơi cứu rỗi những tâm hồn

 

Bà Prakong Vithaysai là bác sĩ khoa dị ứng và miễn dịch học thuộc Bệnh viện Đại học Y dược thành phố Chiang Mai. Vào thời điểm đại dịch HIV/AIDS bùng phát tại Thái Lan những năm đầu thập kỷ 1990, bệnh viện nơi bà làm việc hầu như không có trang thiết bị phục vụ việc điều trị, tuyên truyền phòng chống căn bệnh thế kỷ này.

 

Vậy mà ngày nào bệnh viện cũng phải đón nhận những đứa trẻ vô thừa nhận bị mẹ vứt bỏ ngay khi cất tiếng khóc chào đời. Đau lòng hơn, hầu hết các cuộc xét nghiệm máu các cháu bé để thử HIV đều cho kết quả dương tính. Số trẻ ra đời nhiễm bệnh cứ đông thêm như chính số lượng gái mại dâm “chuyên nghiệp” cũng đang bùng phát thời kỳ này phục vụ nền “công nghệ du lịch” ở Thái Lan.

 

Không thể để mặc những sinh linh nhỏ bé qua đời đau đớn vật vã như thế, bà Prakong đã xin phép ban giám đốc bệnh viện cho phép mình tự tay chăm sóc những đứa bé. Từ một bác sĩ khoa dị ứng - miễn dịch, Prakong trở thành bác sĩ khoa nhi bất đắc dĩ.

 

Bà đảm đương những công việc mà các bác sĩ khác không dám đụng tay tới: lau máu, rửa rốn, bón thức ăn cho bé... Sau mấy năm túc trực bên giường bệnh của những đứa trẻ nhiễm HIV/AIDS, câu chuyện “bà tiên” Prakong đã bắt đầu được thế giới biết đến.

 

Câu chuyện này đến tai một triệu phú người Thụy Sĩ. Sau nhiều lần thư từ qua lại, triệu phú có tấm lòng nhân ái đó đã quyết định bay đến Chiang Mai trực tiếp trao cho bà Prakong một khoản tiền lớn để bà có thể thực hiện mơ ước lớn nhất trong đời là thành lập quĩ hỗ trợ trẻ mồ côi bị nhiễm HIV/AIDS. Số tiền này cộng với khoản tiền do bà và chồng tự quyên góp mấy năm trời để cho ra đời Support the Children Foundation (SCF) - tổ chức ủng hộ trẻ mồ côi và trẻ nhiễm HIV/AIDS.

 

Ngày 2/9/1992, SCF chính thức ra mắt và trở thành tổ chức từ thiện quyên góp tiền ủng hộ trẻ bị bỏ rơi nhiễm HIV/AIDS lớn nhất Thái Lan. Những đứa trẻ vô thừa nhận, phần đông là con của các “lao động tình dục” đã giải nghệ và đang hành nghề ở các nhà thổ tại Patpong cũng như trên toàn Thái Lan, được đưa về đây nuôi dưỡng.

 

Thay vì phải sống trong điều kiện thiếu thốn về vật chất và tinh thần ở bệnh viện, các đứa trẻ đã được đưa về chung sống trong bốn ngôi nhà biệt lập được SCF mua nằm ở trung tâm thành phố Chiang Mai. Các em được cung cấp thuốc điều trị, được các bác sĩ và y tá chăm sóc hằng ngày, được nô đùa vui chơi như những đứa trẻ bình thường khác.

 

Hàng ngàn đứa trẻ sinh ra bị bỏ rơi trong bệnh viện được các cô gái bán dâm ở các “khu đèn đỏ” tự đem đến SCF gửi đã được cưu mang, nuôi dưỡng trong hơn 15 năm qua. Bà Prakong cùng các nhân viên của mình cũng đã đi tìm lại được nhiều bà mẹ của các đứa bé là những “lao động tình dục” đã giải nghệ để giúp họ một số vốn và công việc mưu sinh như trồng nấm, nuôi heo..., tạo điều kiện cho họ ổn định cuộc sống, có điều kiện trở lại thăm viếng con mình.

 

Tổ chức SCF đã trở thành nơi tư vấn, giúp đỡ và ngăn ngừa HIV/AIDS cho các cô gái bán dâm khắp Thái Lan muốn trở về sau thời gian lạc lối. Các nhóm tình nguyện viên của SCF đã mở hàng ngàn chiến dịch tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS.

 

Bản thân bà Prakong cũng đã từng đi đến tận các nhà thổ, hộp đêm để vận động các “lao động tình dục” sử dụng bao cao su. “Cần phải giúp các “lao động tình dục” phòng chống, ngăn ngừa ngay từ đầu những hiểm họa đến với mình để giảm đi những trường hợp trẻ em vừa ra đời đã bị đánh mất cả tuổi thơ và cuộc đời vì hậu quả do mẹ chúng gây ra”, bà Prakong kết luận.

 

Còn tiếp

 

Theo Tuổi Trẻ