1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Những cú phản đòn tấn công ngoại giao Mỹ - Trung

(Dân trí) - “Cả Bắc Kinh lẫn Washington đều không muốn đối đầu. Nhưng Trung Quốc sẽ không lùi bước, như vậy nguy cơ đối đầu sẽ nghiêm trọng hơn và điều này rất đáng lo ngại cho tương lai” - Giáo sư Chu Phong (Zhu Feng) cảnh báo.


Tổng thống Obama phát biểu khi thăm tàu chiến Gregorio del Pilar. (Ảnh: AP)

 

Tổng thống Obama phát biểu khi thăm tàu chiến Gregorio del Pilar. (Ảnh: AP)

 

Bằng những lời lẽ cứng rắn, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã trấn an các đồng minh Philippines và Malaysia - những nước đang gia tăng lo ngại trước tham vọng bành của Bắc Kinh tại khu vực Biển Đông.

Phát biểu trên tàu chiến Gregorio del Pilar của Philippines, Tổng thống Mỹ Obama nêu rõ: “Chúng tôi có một thỏa thuận, một cam kết quốc phòng vững chắc với Philippines. Các bạn có thể tin chúng tôi”.

Theo phóng viên của báo Le Figaro tại Thượng Hải, tình tiết này có lẽ đã được lên kế hoạch trước khi Tổng thống Mỹ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Diễn đàn kinh tế APEC. Điều này, một mặt nhằm khẳng định quyết tâm của Mỹ trước các hành xử ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông, mặt khác cũng nhằm động viên các đồng minh của Mỹ vững tâm tin vào Washington giữa lúc Bắc Kinh bồi đắp trái phép các đảo nhân tạo để đòi chủ quyền vô lý tại khu vực.

Để bảo vệ quyền tự do hàng hải và an ninh khu vực Biển Đông, ngoài những lời phát biểu cứng rắn, Tổng thống Mỹ còn chỉ đạo thực thi những hành động cụ thể, mà gần đây nhất là khoản chi 259 triệu USD để giúp hiện đại hóa hải quân của các nước đồng minh trong khu vực.

Trước đó, ngày 27/10, tàu khu trục được trang bị tên lửa dẫn đường USS Lassen của Hải quân Mỹ đã đi vào khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Điều này đã khiến Bắc Kinh nổi giận (!?)

Liên tiếp những động thái mới theo kiểu hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại càng khiến tình hình khu vực thêm căng thẳng. Cụ thể là Trung Quốc liên tục bồi đắp bãi đá đang có tranh chấp với Philippines thành một hòn đảo dài 3 km có cả đường băng trên đó. Rồi tới chuyện Mỹ đưa máy bay ném bom chiến lược B-52 tuần tra gần các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông, phớt lờ lời cảnh báo “hãy tránh xa” của Bắc Kinh.

Động thái trên là biểu hiện mới nhất chiến lược của Tổng thống Obama, đó là tập trung lực lượng quân sự của Mỹ tại khu vực Thái Bình Dương để kiềm chế Trung Quốc. Giáo sư Chu Phong (Zhu Feng), thuộc đại học Nam Kinh, Trung Quốc đánh giá: “Đây là cách thị uy lực lượng nhằm vào Bắc Kinh. Tự do hàng hải chỉ là cái cớ”.

Sau loạt hành động cụ thể được dư luận đánh giá là mạnh mẽ và cứng rắn hơn với Bắc Kinh, trong tuần qua Tổng thống Mỹ tiếp tục mở chiến dịch tấn công ngoại giao trong khuôn khổ chuyến công du của ông tại Đông Nam Á, kết thúc vào ngày 22/11 tại Kuala Lumpur, nhân hội nghị Thượng đỉnh ASEAN. Từ Malaysia, một nước cũng có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc, một lần nữa, ông Obama kêu gọi Bắc Kinh "chấm dứt" hành vi xây đảo nhân tạo trái phép tại Biển Đông.

Tất nhiên Bắc Kinh cũng chẳng chịu ngồi im, đòn phản công ngoại giao của Trung Quốc đã lập tức được tung ra thông qua những động thái được cho chiến dịch "quyến rũ" để trấn an các nước láng giềng vốn đang gia tăng lo ngại, trước những lời “khẳng định chủ quyền lãnh thổ” vô lý dựa trên các đảo nhân tạo do Bắc Kinh bồi đắp trái phép.

Rõ ràng ông Tập Cận Bình đang cố mang lại hình ảnh một Trung Quốc hòa giải trong chuyến thăm chính thức Việt Nam vào đầu tháng 11/2015, trước khi bắt tay với Đài Loan trong cuộc hội ngộ “lịch sử” tại Singapore.

Tại thủ đô Manila, Chủ tịch Trung Quốc còn nở nụ cười thân thiện và chêm vào vài câu bông đùa khi bắt tay với Tổng thống nước chủ nhà thượng đỉnh APEC Benigno Aquino, mặc dù Manila vừa ghi một điểm trước Bắc Kinh sau khi Tòa Trọng tài La Haye tuyên bố có đủ thẩm quyền để xem xét những đòi hỏi chủ quyền của Philippines tại quần đảo Trường Sa.

Cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ trong khu vực đang được các nước theo dõi chặt chẽ, như một dấu hiệu về tương quan lực lượng giữa hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới, trước vấn đề nóng bỏng trong khu vực.

“Cả Bắc Kinh lẫn Washington đều không muốn đối đầu. Nhưng Trung Quốc sẽ không lùi bước, như vậy nguy cơ đối đầu sẽ nghiêm trọng hơn và điều này rất đáng lo ngại cho tương lai” - Giáo sư Chu Phong (Zhu Feng) cảnh báo.

Quý Cao (theo Le Figaro)

Những cú phản đòn tấn công ngoại giao Mỹ - Trung - 2