1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Những cột mốc quan hệ Mỹ - Iran (2)

(Dân trí) - Tháng 9/2000, Ngoại trưởng Mỹ Albright đã gặp Ngoại trưởng Iran Kamal Kharrazi tại trụ sở LHQ ở New York. Đây là cuộc hội đàm đầu tiên kể từ khi quan hệ ngoại giao giữa hai nước bị đổ vỡ năm 1997.

Tháng 6/2001: Mỹ tố cáo các phần tử trong chính phủ Iran có liên hệ trực tiếp tới vụ đánh bom một căn cứ quân sự của Mỹ ở Ảrập Xê-út năm 1996. Tehran giận dữ phản đối tố cáo trên.

 

Tháng 9/2001: Trong một bản báo cáo, Cơ quan tình báo trung ương Mỹ CIA tố cáo Iran sở hữu một trong những chương trình hạt nhân mạnh nhất thế giới để sản xuất vũ khí. Ngoài ra, Mỹ còn cho rằng Iran đang tìm kiếm công nghệ liên quan đến tên lửa từ một số nước, trong đó có Nga và Trung Quốc.

 

Ngày 29/1/2002: Trong bài phát biểu trước cả nước, Tổng thống Mỹ George W Bush đã xếp Iran, Iraq và CHDCND Triều Tiên vào “trục ma quỷ”. Bush cảnh báo việc các nước này phát triển tên lửa tầm xa là một mối đe doạ lớn đối với cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ. Bài phát biểu của Bush đã khiến Iran nổi giận và khiến các nhà cải cách cũng như bảo thủ lên án kịch liệt.

 

Tháng 9/2002: Bất chấp sự phản đối của Mỹ, các kỹ thuật viên Nga bắt đầu xây dựng lò phản ứng hạt nhân đầu tiên cho Iran tại Bushehr.

 

Tháng 12/2002: Mỹ tố cáo Iran bí mật phát triển chương trình vũ khí hạt nhân, và công bố các bức ảnh vệ tinh về hai cơ sở hạt nhân đang được xây dựng ở Natanz và Arak.

 

Từ tháng 2 – 5/2003: Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA tiến hành hàng loạt hoạt động thanh sát ở Iran. Iran khẳng định đang xây các cơ sở hạt nhân ở Natanz và Arak, nhưng nó cũng giống như lò phản ứng ở Bushehr, chỉ để phục vụ cho các nhà máy điện trong tương lai.

 

Tháng 6/2003: Nhà Trắng từ chối loại bỏ khả năng “tấn công quân sự” Iran, sau khi IAEA thông báo Iran “không chịu tiết lộ thông tin về một số hoạt động và nguyên liệu hạt nhân”. Tuy nhiên, IAEA vẫn chưa tuyên bố Iran vi phạm Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân.

 

Tháng 9/2003: Washington tuyên bố Iran không tuân thủ hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân, nhưng lại đồng ý với đề xuất của Anh, Pháp và Đức, cho Iran thời hạn đến hết tháng 10 năm đó để ngừng tất cả các hoạt động hạt nhân.

 

Từ tháng 10-11/2003: Tehran đồng ý ngưng chương trình làm giàu uranium và cho phép LHQ thanh sát các cơ sở hạt nhân của họ. IAEA cho biết Iran thú nhận đã sản xuất plutonium nhưng không có dấu hiệu cho thấy họ đang cố gắng phát triển bom nguyên tử. Về phía Mỹ, họ bác bỏ bản báo cáo của IAEA. 

 

Tháng 12/2003: Sau trận động đất giết chết 50.000 người ở thành phố Bam, Mỹ gửi viện trợ nhân đạo cho Iran. Trợ lý ngoại trưởng Mỹ Richard Armitage và đại sứ Iran tại LHQ, Mohammad Javad Zarif, đã nói chuyện điện thoại với nhau.

 

Tháng 1/2004: Tổng thống Bush phủ nhận tin Mỹ đã thay đổi chính sách đối với Tehran, và khẳng định động thái giúp Iran sau thảm hoạ động đất không phải để hâm nóng quan hệ hai nước.

 

Tháng 3/2004: LHQ ra nghị quyết lên án Iran không khai báo hết các hoạt động hạt nhân của mình. Iran phản ứng lại bằng cách cấm cửa các thanh sát viên quốc tế trong nhiều tuần.

 

Tháng 9/2004: IAEA thông qua bản nghị quyết đưa ra tối hậu thư cho Iran, đòi nước này phải ngừng hoạt động làm giàu uranium vào tháng 11. Iran phớt lờ tối hậu thư và bắt đầu chuyển uranium thô thành khí.

 

Tháng 11/2004: Theo đề xuất của châu Âu, Iran đồng ý ngưng hoạt động làm giàu uranium để đổi lấy các nhượng bộ về thương mại. Song đến phút cuối, Tehran lại đòi được tiếp tục hoạt động một số máy ly tâm. Kết quả, Mỹ tuyên bố sẽ đơn phương đưa Iran lên Hội đồng Bảo an LHQ, nếu Iran không chịu tuân thủ những cam kết trước kia của mình.

 

Tháng 1/2005: Châu Âu và Iran bắt đầu đàm phán thương mại. Bộ ba Pháp, Đức, Anh đã yêu cầu Iran vĩnh viễn ngừng chương trình làm giàu uranium.

 

Tháng 2/2005: Tổng thống Iran Mohammed Khatami tuyên bố Iran sẽ không bao giờ từ bỏ công nghệ hạt nhân vì mục đích hoà bình. Nga ủng hộ Iran và ký thoả thuận cung cấp năng lượng cho lò phản ứng ở Bushehr.

 

Tháng 3/2005: Tổng thống Bush “ra hiệu” cho sự thay đổi lớn trong chính sách của Mỹ với Iran. Ông cho biết Mỹ ủng hộ con đường ngoại giao của bộ ba châu Âu, và đưa ra những "đề xuất" về kinh tế cho quốc gia Hồi giáo Iran. Đổi lại, họ phải từ bỏ tham vọng hạt nhân của mình.

 

Tháng 6/2005: Mahmoud Ahmadinejad, một người theo trường phái bảo thủ, giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Iran.

 

Tháng 7/2005: Mỹ kết luận rằng Tổng thống Ahmadinejad chính là bộ óc của nhóm đứng đằng sau cuộc khủng hoảng bắt cóc con tin năm 1979 tại sứ quán Mỹ ở Tehran. Tuy nhiên, Mỹ cũng thú nhận họ không chắc ông có trực tiếp tham gia vào vụ bắt cóc hay không.

 

Tháng 8/2005: Tổng thống Bush đưa ra tuyên bố đầu tiên trong hàng loạt tuyên bố rằng Mỹ sẽ không loại trừ khả năng tấn công vũ lực đối với Iran.

  

Từ tháng 8-9/2005: Tehran cho biết họ đã nối lại hoạt động chuyển đổi uranium tại nhà máy Isfahan, và khẳng định đó là vì mục đích hoà bình. IAEA cho rằng Iran vi phạm Hiệp ước chống phổ biến hạt nhân.

 

Tháng 3/2006: Ngoại trưởng Mỹ Rice tuyên bố Iran sẽ chịu “nhiều tổn thất” hơn Mỹ nếu họ không ngừng các hoạt động hạt nhân của mình.

 

Tháng 4/2006: Một bản báo cáo ở New York cho thấy Mỹ đang lên kế hoạch cho một cuộc tấn công hạt nhân tinh vi vào các cơ sở hạt nhân dưới lòng đất của Iran. Dĩ nhiên, Mỹ phủ nhận thông tin này. Còn Iran cho biết sẽ đáp trả bất kỳ cuộc tấn công nào.

 

Cũng vào thời điểm này, Tehran gợi ý đối thoại trực tiếp với Washington về tình hình ở Iraq. Đây có thể là cuộc đối thoại đầu tiên giữa hai bên kể từ năm 1980. Nhưng sau đó, Tehran lại huỷ bỏ đề xuất.

 

Tháng 5/2006: Mỹ, Anh và Pháp soạn thảo một nghị quyết đệ trình lên Hội đồng bảo Anh, kêu gọi Iran ngừng ngay các hoạt động làm giàu uranium nếu không sẽ phải đối mặt với “những hành động mạnh hơn”. “Trả lời” cho bản dự thảo trên, quốc hội Iran doạ sẽ rút khỏi Hiệp ước chống phổ biến hạt nhân.

 

Trong một động thái mới nhất, Tổng thống Iran Ahmadinejad đã gửi cho Tổng thống Bush một bức thức, đưa ra “những giải pháp mới” cho sự khác biệt của họ. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ năm 1979 một nhà lãnh đạo của Iran gửi thư cho Tổng thống Mỹ.

 

Phần I

 

Phan Vũ

Theo BBC