1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Những cột mốc quan hệ Mỹ - Iran (1)

(Dân trí) - Năm 1953, chính tình báo Mỹ và Anh đã giúp quân đội Iran lật đổ Thủ tướng Muhammad Mussadeq, người tiên phong trong chính sách quốc hữu hoá ngành dầu lửa Iran. Nhưng kể từ sau vụ khủng hoảng con tin năm 1979, Mỹ đã cắt hết mọi giao bang với đất nước này. Và từ đó đến nay, hai nước liên tục "hục hặc" lẫn nhau.

Năm 1953: Tình báo Anh và Mỹ đã giúp các quan chức quân đội Iran lật đổ Thủ tướng Muhammad Mussadeq, một người tiên phong trong phong trào quốc hữu hoá ngành dầu lửa.

 

Ngày 16/1/1979: Nhà lãnh đạo Iran Shah được Mỹ ủng hộ đã buộc phải rời khỏi đất nước sau hàng loạt các cuộc biểu tình.

 

Ngày 1/2/1979: Sau nhiều năm sống lưu vong, Thủ lĩnh Hồi giáo Ayatollah Khomeini trở về nước để lãnh đạo Iran.

 

Ngày 4/11/1979: Sinh viên Iran đã bắt cóc 63 con tin tại Sứ quán Mỹ ở Tehran, gây ra một cuộc khủng hoảng chính trị giữa hai nước, khiến Mỹ không những cắt đứt ngoại giao với Tehran mà còn áp đặt lệnh cấm vận lên quốc gia Hồi giáo này. Trong lần bắt cóc con tin, đầu tiên, Iran đòi Shah phải từ Mỹ trở về nước chịu tội. Sau đó, Iran yêu cầu Mỹ không can thiệp vào công việc nội bộ của họ.

 

Ngày 25/4/1980: Lực lượng quân đội bí mật của Mỹ đã giải cứu được một số con tin ở sa mạc miền trung Iran.

 

Ngày 27/7/1980: Nhà cựu lãnh đạo sống lưu vong Shah chết vì ung thư tại Ai Cập, nhưng cuộc khủng hoảng con tin ở Iran vẫn tiếp diễn.

 

Ngày 22/12/1980: Iraq đánh chiếm, tạo nên một cuộc chiến kéo dài suốt một thập kỷ với Iran. Trong cuộc chiến này, về ngoại giao, Iran hoàn toàn bị cô lập. Rất nhiều nước phương Tây đã ủng hộ cho Iraq.

 

Ngày 20/1/1981: Sau nhiều nỗ lực ngoại giao, 52 con tin Mỹ cuối cùng bị bắt cóc năm 1979 được thả. Các con tin được phóng thích chỉ vài giờ sau Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ Jimmy Carter rời nhiệm sở. Họ đã bị bắt giữ suốt 444 ngày.

 

Tháng 6/1985: Mỹ bí mật hội đàm với Iran và trao đổi vũ khí với nước này, để đổi lại vụ Iran giúp Mỹ giải phóng các con tin bị bắt giữ ở Li-băng. Chính sự kiện này đã gây ra một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong suốt nhiệm kỳ của Tổng thống Ronald Reagan.

 

Tháng 8/1987: Lực lượng Mỹ tham gia vào hàng loạt các cuộc đối đầu với lực lượng Iran, trong đó có cả những lần tấn công các giàn khoan dầu trên Vùng Vịnh.

 

Ngày 3/7/1988: Tàu hải quân Mỹ Vincennes đã bắn nhầm máy bay của Iran bay trên vùng Vịnh, khiến toàn bộ 290 người trên máy bay thiệt mạng.

 

Ngày 3/6/1989: Thủ lĩnh Ayatollah Khomeini qua đời. Ngày hôm sau, Tổng thống Khamenei đã bổ nhiệm thủ lĩnh tối cao mới.

 

Ngày 17/8/1989: Hashemi Rafsanjani nhậm chức tổng thống, dưới sự ủng hộ của cả những người theo đường lối bảo thủ và những nhà cải cách.

 

Năm 1990: Iran vẫn giữ thái độ trung lập trong cuộc can thiệp do Mỹ dẫn đầu ở Kuwait.

 

Tháng 3/1992: Iran chỉ trích Mỹ can thiệp quá nhiều vào sự kiện Vùng Vịnh và vào hiệp ước hoà bình giữa Israel – Palestine.

 

Năm 1993: Tổng thống Bill Clinton lên nắm quyền tại Nhà Trắng.

 

Năm 1995: Bill Clinton áp đặt lệnh cấm vận thương mại và dầu lửa đối với Iran, với lý do nước này đỡ đầu cho bọn khủng bố, theo đuổi các chương trình vũ khí hạt nhân, và có thái độ thù địch đối với tiến trình hoà bình Trung Đông. Dĩ nhiên, Iran phủ nhận tất cả những cáo buộc trên.

 

Năm 1996: Bill Clinton siết chặt lệnh cấm vận, tuyên bố sẽ phạt bất kỳ công ty nào đầu tư từ 40 triệu USD trở lên vào các dự án dầu lửa và khí gas ở Iran và Libya.

 

Ngày 23/5/1997: Muhammad Khatami đắc cử Tổng thống Iran.

 

Năm 1998: Tổng thống Khatami kêu gọi một cuộc “đối thoại với người Mỹ” trong lần phỏng vấn trên đài truyền hình Mỹ. Nhưng trong một bài thuyết giáo vài tuần sau đó, ông lại kịch liệt chỉ trích Mỹ có “những chính sách đàn áp”.

 

Năm 1999: Đánh dấu 20 năm sau ngày vụ khủng hoảng con tin tại sứ quán Mỹ ở Tehran. Các nhà chính trị theo đường lối cứng rắn thì tổ chức đón mừng sự kiện, tuy nhiên các nhà cải cách Iran lại nhìn nhiều về tương lai hơn là quá khứ.

 

Ngày 18/2/2000: Các nhà cải cách Iran giành thắng lợi vang dội trong cuộc tổng tuyển cử năm đó. Nhưng ngay lập tức, Tổng thống Mỹ Clinton lại tiếp tục siết chặt cấm vận Iran, cấm tất cả các công ty Mỹ ký hợp đồng với Iran, do Iran vẫn ủng hộ cho khủng bố quốc tế.

 

Tháng 3/2000: Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright kêu gọi một bước khởi đầu mới trong mối quan hệ giữa Mỹ và Iran. Bà tuyên bố sẽ dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với các mặt hàng xuất khẩu của Iran. Bộ ngoại giao Iran mới đầu hoanh nghênh động thái trên, nhưng sau đó Ayatollah Khamenei lại cho rằng hành động của Mỹ là lừa gạt và đã quá muộn.

 

Còn tiếp

 

Phan Vũ

Theo BBC

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm