1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Những con sóng ngầm dữ dội khiến Ukraine chao đảo

Cuộc chiến đẫm máu ở miền đông Ukraine đã lắng xuống. Tình trạng giao tranh, đụng độ đã giảm rõ rệt và thương vong theo đó cũng giảm mạnh. Tuy vậy, nội tại Ukraine vẫn đang bị những lớp sóng ngầm xô đẩy khiến hòa bình mong manh của quốc gia này luôn bị đe dọa.

Mỹ lợi dụng xung đột
 
Mỹ lợi dụng xung đột
 
Quân đội Mỹ hy vọng được hưởng lợi từ cuộc xung đột Ukraine theo một chiều hướng đầy bất ngờ, đó là thu thập những gì mà họ cho là tình báo hữu ích về công nghệ quân sự của Nga.
Phát biểu trong một hội nghị quân sự ở trung tâm Huntsville, Alabama hôm 31/3, Trung tướng Ben Hodges, chỉ huy quân đội Mỹ ở châu Âu khẳng định “Chúng tôi phải tận dụng cơ hội này để nghiên cứu những gì Nga đang làm ở Crimea và miền đông Ukraine”.

Ông Hodges cho rằng trong khi Mỹ cung cấp cho Kiev 20 hệ thống radar đánh chặn súng cối “hàng khủng” thì Mỹ sẽ có cơ hội để nhìn thấy Nga phản ứng trước nó, từ đó sẽ rút ra được những bài học quân sự nhằm hiện đại hóa vũ khí của mình.

“Hóa ra các hệ thống radar đánh chặn súng cối là một thiết bị tốt hơn rất nhiều so với chúng tôi nghĩ. Kiev đang sử dụng những radar này ở chiến trường miền đông để đối phó với pháo binh của Nga. Vì vậy chúng tôi sẽ học được rất nhiều kinh nghiệm từ cách mà người Nga phản ứng với nó”, ông Hadges nói

Theo trung tướng Mỹ, cuộc khủng hoảng Ukraine còn là tiềm năng để Washington nghiên cứu các mối đe dọa không gian mạng, bởi trước đó, Tổ chức vũ khí và công nghệ quốc gia Nga Rostec từng tiết lộ họ đã tấn công vào một mục tiêu tình báo Mỹ khi nó hướng đến Crimea.

Ông Hodges khẳng định kinh nghiệm này sẽ cung cấp cho Mỹ một cái nhìn sâu sắc hơn để cải thiện và nâng cấp công nghệ an ninh mạng của đất nước.
Lệnh ngừng bắn liên tục bị vi phạm

Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier hồi cuối tuần qua cho hay, bản báo cáo mới nhất của Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) về các diễn biến ở miền đông Ukraine khiến người ta phải lo ngại.

Theo bản báo cáo này, các giám sát viên của OSCE trong biết, khu vực Shirokino, phía đông thành phố Mariupol, đã phải hứng chịu những vụ bắn phá ác liệt từ quân đội Ukraine hôm 27/3.

Các giám sát viên cho hay, những vụ bắn phá diễn ra ngay sau khi họ vừa rời khỏi Shirokino. Quân ly khai của nước cộng hoà nhân dân Donetsk tự xưng đã bắn đáp trả.

Ngoại trưởng Đức cho rằng, mọi thứ cần phải được làm để ngăn chặn nguy cơ thoả thuận hoà bình và lệnh ngừng bắn bị đổ vỡ.

Ông Steinmeier cũng kêu gọi cả quân đội Ukraine và lực lượng ly khai miền đông Ukraine hãy “tôn trọng tinh thần và nội dung của các thoả thuận Minsk và ngừng ngay những vụ bắn phá”.

Các nhóm phá hoại chơi trò "ném đá giấu tay"

Ngày 1/4, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa tự xưng Donesk (DPR) tuyên bố, đã thu được dữ liệu mật về các “nhóm phá hoại”, sẽ giả danh lực lượng ly khai tung ra những hành động khiêu khích như bắn vào các vị trí của quân Ukraine.

Các nhóm phá hoại Ukraine sẽ thực hiện những hành động khiêu khích, đổ tội cho lực lượng ly khai
Các nhóm phá hoại Ukraine sẽ thực hiện những hành động khiêu khích, đổ tội cho lực lượng ly khai

Trích dẫn một vài đoạn từ các tài liệu, phát ngôn viên nói: “Nhóm phá hoại này đang cố  gắng tiến hành các hoạt động quân sự đặc biệt, tập trung vào làm mất uy tín của lực lượng ly khai, của nhà nước DPR và thuyết phục người dân Donesk rằng, phe ly khai không thể đảm bảo an ninh trong thành phố”.

Tài liệu chỉ rõ rằng, các nhóm này sẽ bắn pháo vào những cơ quan quan trọng và khu vực mọi người thường tụ tập.

Theo phát ngôn viên, có đến 35 nhóm phá hoại và trinh sát, mỗi nhóm gồm 3-8 người, đang hoạt động trong vùng Shirokino và Donetsk.
Đồng minh EU sốc nặng
Đầu tháng 4 này, Ukraine có kế hoạch khởi công xây dựng bức tường thành chắn giữa biên giới của nước này với Nga.

Hàng rào điện với dây thép gai và mìn mà Kiev muốn xây ở biên giới với Nga được cho là sẽ có độ dài lên tới 2.000km và sẽ phải tốn đến 100 triệu euro để xây dựng.

Dự án trên được thực hiện chủ yếu dựa vào nguồn viện trợ từ tiền thuế do người dân của Liên minh Châu Âu (EU) đóng góp và vì thế, kế hoạch của Kiev khiến các nước EU choáng váng và ngỡ ngàng.

Theo kế hoạch chi tiết, bức tường mà Kiev có kế hoạch xây dựng ở biên giới sẽ kéo dài dọc khu vực Kharkiv và Lugansk – nơi đang nằm trong sự kiểm soát của lực lượng ly khai miền đông Ukraine.

Không rõ quá trình xây dựng ở khu vực  Luhansk có thể được tiến hành hay không bởi công việc này có thể tự động dẫn tới tình trạng leo thang căng thẳng trở lại, tờ Deutsche Wirtschafts Nachrichten cho biết.

Cảnh báo cắt viện trợ

Có thể thấy, nền kinh tế Ukraine đã phải hứng chịu sự suy thoái nghiêm trọng trong cuộc đối đầu quân sự ở miền đông Ukraine giữa quân đội Kiev và lực lượng ly khai miền đông. Vì vậy, giới chức Kiev đang tìm cách cứu vãn nền kinh tế bên bờ vực phá sản bằng những khoản vay quốc tế.

Hồi mùa xuân năm ngoái, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cam kết cung cấp cho Kiev khoản vay cứu trợ trị giá 17 tỉ USD trong vòng 2 năm.

Ngoài ra, một số nước phương Tây cũng đã viện trợ cho Ukraine để giúp nước này xây dựng lại nền kinh tế và thực hiện những cải cách cơ chế cần thiết.

Thủ tướng Arseniy Yatsenyuk cũng vừa đến Đức để gặp gỡ Thủ tướng Angela Merkel với mục đích kêu gọi sự hỗ trợ hơn nữa cho Ukraine từ Đức và phần còn lại của EU.  

Thế nhưng nếu vì một lí do nào đó, các khoản viện trợ, cho vay này không được đáp ứng thì số phận của đất nước Ukraine sẽ ra sao?

Mới đây, người phát ngôn Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) William Murray cho hay, nếu Ukraine không trả khoản nợ 3 tỷ USD cho Nga trong năm nay, IMF có thể phải ngừng chương trình cứu trợ dành cho Kiev.
IMF cũng cảnh báo việc vi phạm lệnh ngừng bắn ký giữa chính quyền Kiev và lực lượng đòi độc lập ở miền Đông Ukraine, thất bại trong việc dàn xếp lại nợ với các nhà cho vay tư nhân hay những rắc rối chính trị ở Ukraine có thể phá hỏng kế hoạch cứu trợ của IMF dành cho Ukraine.
 
Hiện Ukraine đang chuẩn bị tổ chức hội nghị các nhà tài trợ quốc tế dự kiến vào ngày 28/4 tới, thảo luận vấn đề hỗ trợ tài chính cho Kiev.

Tuy nhiên, theo giới chức Liên minh châu Âu (EU), các nước và tổ chức phương Tây nhiều khả năng không tham dự hội nghị này, mà sẽ nhóm họp tại Kiev vào cuối năm 2015 để Ukraine có thêm thời gian soạn thảo kế hoạch chi tiết hơn về việc sử dụng tiền cho vay một cách hiệu quả.

"Các cường quốc phương Tây đang xem xét gói viện trợ nhằm phục hồi kinh tế Ukraine đang trên bờ vực vỡ nợ. Tuy nhiên, nhiều nước lại lo ngại đang đầu tư vào một trong những quốc gia có tệ nạn tham nhũng lớn nhất thế giới", hãng tin Reuters đưa tin.
 
Theo Châu Anh (tổng hợp)
Tiền Phong