Những cô dâu Ấn Độ vỡ mộng ở trời Tây
Cô sinh viên Sonal Agarwal 22 tuổi nói rằng khuôn mặt biến dạng của cô luôn nhắc nhớ lại đêm hãi hùng nhất trong cuộc đời mình – đêm tân hôn.
“Chồng tôi hóa điên. Anh ta nói muốn giết tôi và chém dao vào mặt tôi", Sonal vừa kể vừa quấn chiếc khăn xanh quanh đầu để che những vết dao trên má trái.
Cô gái xuất thân từ thành phố Chandigarh cứ tưởng rằng mình đang đến với một cuộc sống mới sung túc ở trời Tây với một bác sĩ người Anh gốc Ấn, sau khi anh ta chọn cô từ trong số nhiều cô gái trả lời mẩu quảng cáo tìm vợ.
Nhưng sau khi đã rời gia đình và quê hương để sống tại Anh, Sonal phát hiện người chồng của mình chỉ là kẻ lừa đảo: “Anh ta bị tâm thần chứ không phải là bác sĩ và không có việc làm. Gia đình anh ta đã lừa tôi và cuộc đời tôi giờ đây thế là hết”.
Các hội phụ nữ cho biết mỗi năm có hàng trăm cô gái mơ tìm cuộc sống tốt đẹp hơn ở phương Tây và bị lừa vào những cuộc hôn nhân với những người đàn ông gốc Ấn tại những nước như Mỹ, Anh, Canada và Australia.
“Hàng nghìn nam giới Ấn Độ ở phương Tây đăng quảng cáo tìm vợ mỗi năm”, Yogesh Mehta thuộc Ban Phụ nữ Quốc gia, cơ quan chính phủ về bảo vệ quyền của phụ nữ cho biết. “Trong khi có nhiều người thành thật về thân thế của họ, cũng có nhiều kẻ nói dối về việc làm, tình trạng kinh tế và hôn nhân, thường để gạt lấy của hồi môn”.
Theo truyền thống, của hồi môn thường là đồ trang sức, quần áo đắt tiền, ôtô và tiền bạc mà đằng nhà gái cho chú rể và nhà trai để đảm bảo rằng cô dâu sẽ được sống thoải mái trong gia đình mới của mình.
Gia đình nhà trai thường lợi dụng phong tục này, đã bị coi là phạm pháp ở Ấn Độ từ hơn 4 thập kỷ trước nhưng vẫn còn khá phổ biến, để đòi thêm tiền, đổi lấy việc không hành hạ cô dâu.
Số phụ nữ kết hôn với nam giới gốc Ấn ở nước ngoài ngày càng tăng, khi cộng đồng người Ấn hải ngoại tăng. Vì vậy, cũng ngày càng có nhiều khiếu nại của những phụ nữ là nạn nhân của các cuộc hôn nhân lừa đảo.
“Mỗi ngày riêng bộ của chúng tôi nhận chừng 3 khiếu nại của những nạn nhân những cuộc hôn nhân như vậy”, một quan chức thuộc Bộ Các vấn đề Nước ngoài của Ấn Độ cho biết. “Đó là một vấn đề nghiêm trọng cần phải giải quyết vì có nhiều trường hợp rất thương tâm”.
Rất nhiều cô gái ra nước ngoài cưới chồng để rồi bị bỏ rơi, không có ai nương tựa, không có tiền trong khi lại không nói được ngôn ngữ bản địa, không biết về phong tục tập quán nước đó.
Những người khác thì kể chuyện mình bị đánh đập, giam cầm trong nhà hay bị đối xử như tôi tớ. Một số thì té ngửa ra rằng chồng mới cưới của họ hóa ra đã kết hôn với người khác.
Ngoài ra, còn có những cô gái bị bỏ mặc ở Ấn Độ chỉ ít ngày hay ít tuần sau đám cưới, còn người chồng thì hứa hẹn sẽ quay trở lại khi thu xếp được visa, nhưng rồi mất tăm.
Không có con số chính xác về những vụ hôn nhân lừa đảo, nhưng riêng bang Punjab ở miền bắc Ấn Độ, vốn có một cộng đồng đông đảo sống ở hải ngoại, đến nay đã ghi nhận được 15.000 trường hợp. Các bang khác như Gurajat và Kerala cũng có những vụ tương tự.
Các nhà hoạt động cho biết con số này thấp hơn thực tế vì có nhiều phụ nữ không dám lên tiếng, sợ xấu hổ hay mang tiếng là một người bị chồng ly dị hay ruồng bỏ trong xã hội còn nặng tính truyền thống ở Ấn Độ.
Tại nhiều vùng, các bậc cha mẹ theo đuổi một cuộc hôn nhân cho con gái mình với một người gốc Ấn ngoại quốc mong tìm con đường thoát nghèo cho cả gia đình. Háo hức với những lời hứa hẹn béo bở, họ thường phớt lờ những kinh nghiệm đề phòng thông thường theo truyền thống mai mối ở Ấn Độ.
“Nếu là một người ở Ấn Độ cầu hôn, người ta thường kiểm tra về anh ta và gia đình anh ta thông qua những người quen và nhiều cách khác”, Sneha Singh, một nhân viên xã hội và cũng là nạn nhân của một cuộc hôn nhân lừa đảo với một người gốc Ấn, cho biết. “Nhưng khi đó là một người sống ở nước ngoài, thì chả ai buồn kiểm tra vì anh ta đến từ phương Tây, nên được cho là giàu có và đáng kính trọng”.
Các nhà hoạt động cho rằng cần phải có những chiến dịch tuyên truyền để khuyên các gia đình tìm hiểu rõ về thân thế của chú rể, có thể qua phiếu đăng ký bầu cử, số thẻ an sinh xã hội, hồ sơ việc làm và kê khai thuế. Như vậy, họ sẽ biết rõ anh ta là người như thế nào.
Họ cũng đề nghị cần xem xét lại các đạo luật, vì ngay cả những cô gái dũng cảm đi tìm kiếm công lý cũng vướng phải một mớ bòng bong pháp lý do những khác biệt trong luật hôn nhân gữa Ấn Độ và quốc gia của người chồng.
Ngoài ra, cần có những thỏa thuận song phương với những nước có đông đảo dân gốc Ấn sinh sống để giúp cho việc công nhận và thực hiện lệnh tòa án về ly dị, quyền chăm sóc con và quyền sở hữu tài sản. Ấn Độ cũng cần bắt buộc việc đăng ký hôn nhân để tăng sự bảo vệ pháp lý cho các cô dâu.
Theo M.C.
Vnexpress/Reuters