Những “chim sắt” quân sự đắt đỏ nhất trong lịch sử Mỹ
(Dân trí) - Business Insider đã thống kê những máy bay quân sự đắt nhất trong kho vũ khí Mỹ, với những chiếc có giá lên tới hàng tỷ USD.
Theo Business Insider, khi nhắc tới máy bay chiến đấu đắt đỏ trong kho vũ khí Mỹ, F-35 thường được “điểm mặt gọi tên”. Tuy nhiên, đó là vì dự án sản xuất máy bay này đã bị đội chi phí và thời gian hoàn thành do vấn đề kỹ thuật.
Mặc dù toàn bộ dự án có giá lên tới 1.500 tỷ USD, nhưng vì Mỹ sản xuất số lượng lớn, mỗi chiếc F-35 có giá trung bình vào khoảng 115 triệu USD, một con số chưa đủ để F-35 có thể “chen chân” vào danh sách 6 máy bay quân sự đắt nhất nước Mỹ.
E-2D Hawkeye
Chiếc máy bay chiến thuật cảnh báo sớm được mệnh danh là “mắt diều hâu” đã gia nhập biên chế hải quân Mỹ từ năm 1960.
Hiện Mỹ đã cải tiến E-2D với hàng loạt thay đổi về hệ thống khí động học, thông tin liên lạc và cảm biến. Sự hiện đại đi kèm với giá thành mỗi “chim sắt” này tăng vọt lên 232 triệu/chiếc.
Nhưng những cải tiến này thực sự được đánh giá là “đắt xắt ra miếng” khi hệ thống radar mới trên Advanced Hawkeye có thể gia tăng phạm vi theo dõi và kiểm soát của máy bay này lên 300% so với máy bay tiền nhiệm. Con số này tạo nên những khác biệt toàn diện về mặt chiến lược trinh sát và ngụy trang trong kịch bản tác chiến của hải quân Mỹ.
Nhiệm vụ chính của E-2D là nhận dạng, cảnh báo các mối nguy hiểm trên không từ các đối thủ chiến lược, sau đó làm nhiệm vụ dẫn đường, chỉ huy các máy bay chiến đấu thực hiện nhiệm vụ đánh chặn, tấn công.
VH-71 Kestrel
Máy bay VH-71 Kestrel (Ảnh: Quân đội Mỹ)
Kestrel là trực thăng chiến đấu duy nhất trong danh sách này và trên thực tế mẫu máy bay trị giá 241 triệu/chiếc hiện đã không còn hoạt động. Ban đầu VH-71 được kỳ vọng sẽ thay thế các trực thăng Marine One phục vụ Tổng thống Mỹ do thủy quân lục chiến quản lý. Tuy nhiên, do chi phí đội lên quá cao, vượt ngoài tầm kiểm soát, Washington đã cho hủy dự án. Máy bay này sau đó đã bán cho Canada dưới dạng phụ tùng rời.
P8-A Poseidon
Máy bay P8-A Poseidon (Ảnh: Quân đội Mỹ)
Xứng đáng với mức giá 326 triệu USD/chiếc, “sát thủ diệt ngầm” P8-A được coi là một trong những máy bay hiệu quả nhất nước Mỹ trong các nhiệm vụ tìm diệt tàu ngầm đối phương.
Chiếc máy bay mới chỉ hơn 10 tuổi này ngoài khả năng tấn công bề mặt hiệu quả, còn có thể hỗ trợ hoạt động trinh sát, cảnh báo sớm và có thể tự vệ trên không khi cần thiết.
P-8A có thể bay với độ cao tối đa là gần 12.500 m và hoạt động do thám hiệu quả ngay ở khi bay trên cao. Hệ thống cảm biến của P-8A bao gồm radar APY-10 có thể xác định và phát hiện các tàu bề mặt và nhận biết được các tàu ngầm lặn dưới biển sâu.
Ngoài hệ thống radar và cảm biến hiện đại, P-8A được trang bị hệ thống vũ khí và hỏa lực rất mạnh bao gồm tên lửa chống tàu Harpoon, ngư lôi MK-54 và mìn hải quân. Ngoài ra, P-8A còn có hệ thống phòng thủ thông minh bao gồm hệ thống gây nhiễu và đánh lạc hướng tên lửa đối phương.
C-17 Globemaster III
C-17 được coi là niềm tự hào của hãng Boeing trong lĩnh vực vận tải hàng không. Trải qua 25 năm, chưa từng có một máy bay nào đáng tin cậy và đáp ứng mọi nhu cầu vận chuyển của không quân Mỹ như C-17. Giá mỗi chiếc là 338 triệu USD.
Chức năng chính của C-17 là vận chuyển binh sĩ và hàng hóa, trang thiết bị quân sự với trọng lượng cất cánh tối đa 265,3 tấn và có khả năng vận chuyển số hàng hóa lên tới gần 78 tấn.
C-17 được mệnh danh là “ngựa thồ” bởi tính cơ động và khả năng hoạt động từ những đường bay ngắn và có thể thực hiện các chuyến bay liên lục địa với đầy đủ hàng hóa mà không cần tiếp nhiên liệu.
F-22 Raptor
Dù hiện tại không còn là máy bay chiến đấu mạnh nhất Mỹ và phải nhường chỗ cho F-35, nhưng F-22 vẫn là một trong những “chim sắt” hoạt động tốt nhất trong kho vũ khí Mỹ với mức giá 350 triệu USD/chiếc.
F-22, máy bay được mệnh danh là “chim ăn thịt”, có khả năng tàng hình và tấn công uy lực. Các máy bay này được triển khai đa chức năng vừa là máy bay chiến đấu vừa là máy bay ném bom, có nhiệm vụ bảo vệ lực lượng và yểm trợ cho các nhiệm vụ “xuyên thủng” hệ thống vũ trang dày đặc của đối phương. Ngoài ra, khả năng tàng hình của F-22 giúp máy bay này dễ dàng áp sát các chiến đấu cơ hay các hệ thống phòng thủ tên lửa của địch mà không sợ bị phát hiện.
B-2 Spirit
Vào thời điểm sản xuất, chi phí của B-2 Spirit ước tính khoảng 737 triệu USD/chiếc, con số đủ để nó trở thành máy bay quân sự đắt nhất Mỹ từng chế tạo.
Tuy nhiên, theo Business Insider, nếu ước tính việc cập nhật, cải tiến trong tương lai, giá của mỗi chiếc B-2 có thể đội lên tới 2,1 tỷ USD/chiếc.
Máy bay ném bom này có thể mang mọi loại khí tài từ bom nguyên tử trọng lực B61 cho tới bom JDAM, hay bom hạng nặng GBU-57A/B (hơn 13 tấn). Ngoài ra, nó sở hữu khả năng tàng hình vào loại tốt nhất thế giới ở thời điểm hiện tại và đây chính là nguyên nhân khiến máy bay này trở nên đắt đỏ.
B-2 thường được điều động thực hiện các vụ tấn công mở màn. Nó có nhiệm vụ phá hủy các hệ thống phòng không mặt đất và mở đường cho các máy bay ném bom hoặc chiến đấu có khả năng tàng hình thấp hơn.
Vì vậy, dù chi phí sản xuất khá cao, số lượng máy bay không nhiều và chi phí vận hành đắt hơn hẳn các máy bay khác trong biên chế, nhưng B-2 vẫn được tin tưởng vì khả năng tàng hình đặc biệt nổi bật cũng như kho vũ khí đầy uy lực của máy bay này.
Đức Hoàng