1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Những chiến đấu cơ tàng hình đình đám nhất thế giới

(Dân trí) - Với kế hoạch hoàn thành quá trình thử nghiệm mẫu máy bay chiến đấu sử dụng công nghệ tàng hình hiện đại X-2, Nhật Bản sẽ trở thành quốc gia trên thế giới phát triển được máy bay tàng hình, cùng Nga, Mỹ và Trung Quốc.

Công nghệ tàng hình là yếu tố bắt buộc phải có cho máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5. Công nghệ này giúp giảm khả năng phát hiện của các hệ thống radar và tia hồng ngoại của đối phương nhờ một lớp đặc biệt cho thân máy bay, cũng như các chất liệu khác cho phần khung máy bay. Mỹ, Nga và Trung Quốc đều đã thiết kế các máy bay chiến đấu theo một cách nào đó để giảm bớt, hoặc gần như loại bỏ diện tích phản xạ hiệu dụng radar (RCS), nhờ vậy các máy bay có khả năng “tàng hình” trước hệ thống radar của đối phương.

Máy bay ném bom tàng hình B-2


(Ảnh: Military)

(Ảnh: Military)

Mẫu máy bay ném bom chiến lược B-2A từng là mẫu máy bay đắt giá nhất của Không quân Mỹ. Theo số liệu được công bố năm 1998, giá thành sản xuất máy bay B-2 lên tới 1,16 tỷ USD. Kinh phí cho toàn bộ chương trình nghiên cứu và phát triển mẫu máy bay này khoảng 45 tỷ USD. Mẫu B-2 lần đầu tiên được giới thiệu vào năm 1989. Tính tới nay, có tổng cộng 21 mẫu máy bay loại này được sản xuất.

B-2 có thể mang theo 16 quả bom có đầu đạn hoặc nhân hoặc 8 quả bom được dẫn đường bằng laser hoặc 80 quả bom chùm. Với tầm hoạt động xấp xỉ 11.100 km, B-2 có thể xuất phát từ các căn cứ của Mỹ và tham chiến ở bất cứ nơi nào trên thế giới trong vòng vài giờ.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng B-2 chỉ có thể “tàng hình” trước các hệ thống radar cũ, trong khi các hệ thống phòng không hiện đại có thể phát hiện và dễ dàng tiêu diệt. Theo một số nguồn tin chưa được xác nhận, một chiếc B-2 đã bị bắn hạ hoặc hư hại nặng trước đòn tấn công của một tổ hợp phòng không trong chiến dịch quân sự của NATO tại Nam Tư cũ.

Chiến đấu cơ F-117 Wobblin Goblin


(Ảnh: US Air Force)

(Ảnh: US Air Force)

Mẫu F-117 Night Hawk là loại máy bay tấn công có khả năng tàng hình do tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ sản xuất. Máy bay này được thiết kế để chuyên nhắm vào hệ thống phòng không của đối phương và các cơ sở quan trọng đặt trên mặt đất.

F-117 lần đầu được đưa vào hoạt động năm 1981. Tính tới nay, 64 mẫu máy bay này đã được sản xuất. Mẫu cuối cùng được chuyển giao cho Không quân Mỹ là vào năm 1960. Dự án phát triển và sản xuất F-117 đã tiêu tốn hơn 6 tỷ USD. Năm 2008, mẫu F117 này đã không còn được sử dụng vì cả lý do tài chính và sự xuất hiện của mẫu F-22.

Với thiết kế khí động học đặc biệt, F-117 từng thu hút được sự chú ý của dư luận. Tuy nhiên, thiết kế khác lạ này khiến máy bay rất khó điều khiển. Do vậy, Không quân Mỹ đã mất 6 trong tổng cộng 64 chiếc F-117 trong các vụ tai nạn. Sau này, chỉ những phi công dày dạn kinh nghiệm mới được giao nhiệm vụ lái mẫu máy bay này.

Trong quãng thời gian được sử dụng, mẫu F-117 đã tham gia năm trận chiến tại Panama, Vịnh Ba Tư, chiến dịch “Cáo Sa mạc”, cuộc chiến dịch tại Nam Tư cũ và chiến tranh Iraq.

“Chim ăn thịt” F-22


(Ảnh: Getty)

(Ảnh: Getty)

F-22A Raptor là mẫu chiến đấu cơ đầu tiên đứng trong hàng ngũ máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm. Mẫu máy bay này bắt đầu được sản xuất vào năm 2001. Hiện có vài mẫu F-22 đang tham gia chiến dịch không kích của liên quân quốc tế do Mỹ đứng đầu nhằm chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Iraq. Ngày nay, F-22 là mẫu chiến đấu cơ đắt đỏ nhất thế giới. Theo dữ liệu được công bố, chi phí sản xuất loại máy bay này vượt 300 triệu USD.

F-22A được đánh giá cao nhờ tốc độ siêu âm và hệ thống điện tử mạnh mẽ. Ngoài ra, mẫu F-22 Raptor sử dụng 2 động cơ đẩy vector 2D Pratt & Whitney F119-PW-100 với khả năng chỉnh hướng phụt trong khoảng ±20 độ. Trong khi đó, có ý kiến cho rằng khả năng tàng hình của F-22 có thể bị ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết. Do vậy, để cải thiện vấn đề này, giá thành sản xuất cho mẫu F-22 lại bị đội lên.

T-50


(Ảnh: Getty)

(Ảnh: Getty)

Các chuyên gia Nga đã kết hợp công nghệ tàng hình trên các máy bay như máy bay ném bom chiến lược Su-34, máy bay tiêm kích MiG-35 hay chiến đấu cơ Su-35S. Tuy nhiên, công nghệ tàng hình chỉ được triển khai đầy đủ trên mẫu chiến đấu cơ đa nhiệm PAK FA T-50 và mẫu máy bay ném bom tầm xa PAK DA của Nga.

Theo đánh giá, T-50 được trang bị tất cả các công nghệ hiện đại của Nga hiện nay. Hệ thống động cơ có lực đẩy mạnh mẽ và vòi phun vector đa hướng giúp T-50 tăng cường khả năng cơ động khi hoạt động dưới mọi điều kiện thời tiết.

“Thần Long” J-20


(Ảnh: Tân Hoa Xã)

(Ảnh: Tân Hoa Xã)

Mẫu Chengdu J-20 “Thần Long” của Trung Quốc được nước này coi là mẫu tiêm kích thế hệ thứ 4, nhưng lại được phương Tây đánh giá là chiến đấu cơ thế hệ thứ 5. Mẫu máy bay này từng được thử nghiệm vào năm 2011 và dự kiến sẽ chính thức hoạt động trong giai đoạn từ năm 2017 tới 2019.

Truyền thông nước ngoài cho rằng J-20 sử dụng động cơ AL-31FN do Nga sản xuất và quân đội Trung Quốc đã mua một lượng lớn loại động cơ này. Tuy nhiên, các tính năng của J-20 tới nay vẫn được phía Trung Quốc giữ bí mật. Theo đánh giá, J-20 có nhiều điểm tương đồng hoặc sao chép từ thiết kế của các mẫu F-22 và F-35 của Mỹ, cũng như sử dụng công nghệ như mẫu MiG 1.44 của Nga.

X-2


(Ảnh: Stripes)

(Ảnh: Stripes)

Mẫu X-2 (ATD-X) Shinshin được đánh giá là chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 của Nhật Bản. Mẫu này được thiết kế bởi Viện Phát triển và Nghiên cứu Kỹ thuật của Bộ Quốc phòng Nhật Bản. Mẫu ATD-X có kích cỡ gần giống chiến đấu cơ đa nhiệm Gripen của hãng Saab và có góc cạnh như mẫu F-22 của Mỹ. Với thiết kế khí động học tiên tiến kết hợp với hai động cơ lực đẩy vector 3D XF5, tiêm kích ATD-X Shinshin có khả năng cơ động cao và sử dụng công nghệ tàng hình.

Ngọc Anh

Tổng hợp