Những câu hỏi từ báo cáo tranh cãi của WHO về nguồn gốc Covid-19
(Dân trí) - Sau một tháng điều tra và một tháng trì hoãn công bố, báo cáo điều tra nguồn gốc Covid-19 của nhóm chuyên gia WHO phối hợp với Trung Quốc vẫn chưa thể giải đáp được các câu hỏi quan trọng về đại dịch.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 30/3 đã công bố báo cáo dài 120 trang về kết quả điều tra nguồn gốc Covid-19. Đây là báo cáo kết quả của chuyến điều tra của nhóm 17 chuyên gia do WHO dẫn đầu đến Trung Quốc từ ngày 14/1 đến 10/2 năm nay. Nhóm chuyên gia quốac tế cũng phối hợp với các nhà khoa học Trung Quốc trong quá trình điều tra.
Mặc dù vậy, báo cáo bị cho là vẫn chưa trả lời được những câu hỏi liên quan đến nguồn gốc đại dịch.
Covid-19 bắt nguồn từ đâu?
Báo cáo đưa ra 4 giả thuyết chính về nguồn gốc virus Covid-19 gồm: lây trực tiếp từ động vật (có thể là dơi) sang người; lây qua vật chủ trung gian; lây qua thực phẩm đông lạnh; thoát ra từ phòng thí nghiệm.
Trong đó, giả thuyết "nhiều khả năng" nhất là virus lây sang người từ vật chủ trung gian là động vật hoang dã được nuôi trong điều kiện nuôi nhốt ở trang trại. Tuy nhiên, báo cáo chưa chỉ ra được đây là loài vật nào. Trái lại, giả thuyết virus thoát ra từ một phòng thí nghiệm ở Trung Quốc là "cực kỳ khó xảy ra".
Về giả thuyết SARS-CoV-2 lây truyền qua thực phẩm đông lạnh nhập khẩu vào Trung Quốc, ông Lawrence Gostin, chuyên gia y tế cộng đồng tại Đại học Georgetown, tin rằng điều này gần như không thể xảy ra. "Không có bất cứ giả thuyết đáng tin cậy nào cho thấy virus bắt nguồn từ nơi nào đó không phải Trung Quốc", ông nói.
Tại sao giả thuyết virus thoát ra từ phòng thí nghiệm khó xảy ra?
Tại cuộc họp báo công bố hôm qua, ông Peter Ben Embarek, thành viên nhóm chuyên gia điều tra nguồn gốc Covid-19, sau quá trình điều tra mở rộng, nhóm không tìm thấy bất cứ bằng chứng nào về việc virus có thể thoát ra từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, Trung Quốc, do vậy, họ tập trung sang các giả thuyết khác.
"Sự cố trong phòng thí nghiệm thỉnh thoảng vẫn xảy ra. Nhưng không ai tìm thấy bất cứ dấu vết nào của virus trong các mẫu (thu được từ Viện Virus học Vũ Hán). Có một số phòng thí nghiệm ở cùng thành phố này, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy đã xảy ra sự cố virus thoát ra từ các phòng thí nghiệm", ông Embarek nói.
Những người chỉ trích cho rằng, cuộc điều tra của WHO quá tập trung vào giả thuyết virus bắt nguồn từ động vật, thiếu kỹ năng điều tra sự cố phòng thí nghiệm.
Vì sao giả thuyết lây qua động vật khả thi nhất?
Nhóm chuyên gia của WHO đã kiểm tra 80.000 mẫu từ động vật hoang dã, gia súc và gia cầm ở Trung Quốc, lấy 900 mẫu xét nghiệm dịch hô hấp tại chợ hải sản Hoa Nam - nơi phát hiện những ca bệnh Covid-19 đầu tiên.
Peter Daszak, một nhà động vật học trong nhóm chuyên gia, cho biết nhóm đã xác định được một số liên hệ và một số con đường lây truyền khả thi nhất của virus SARS-CoV-2 trong quá trình điều tra. "Các hiểu biết của chúng tôi về dịch Covid-19 ở Vũ Hán bắt đầu khớp nhau khi chúng tôi xem xét các dữ liệu phân tử, dữ liệu dịch tễ và dữ liệu động vật. Tất cả tạo nên một bức tranh tổng thể về cách thức dịch bùng phát", chuyên gia Daszak nói.
Tuy nhiên, báo cáo cũng nhấn mạnh rằng vẫn cần điều tra thêm 174 trường hợp mắc Covid-19 được phát hiện đầu tiên ở Vũ Hán vào tháng 12/2019 cũng như các mẫu phẩm môi trường lấy từ chợ và trang trại ở các khu vực phát hiện những ca bệnh đầu tiên, và chi tiết xuất xứ và loại động vật được bán ở các chợ này.
Chợ Hoa Nam có vai trò gì?
Ở giai đoạn đầu bùng phát dịch, giới chức Trung Quốc đưa ra giả thuyết rằng dịch có thể bắt nguồn từ chợ hải sản Hoa Nam - khu chợ chuyên kinh doanh hải sản và động vật hoang dã. Hơn một năm sau, vai trò của các chợ động vật trong bùng phát dịch Covid-19 "vẫn chưa rõ ràng", báo cáo nêu.
Thực tế, nhóm chuyên gia nhận thấy, nhiều ca bệnh đầu tiên ở Trung Quốc có mối liên hệ không rõ ràng với chợ Hoa Nam. Trong số các ca bệnh được xác định, khoảng 28% có liên hệ với chợ này, 23% có liên hệ với các chợ khác, trong khi 45% không có lịch sử đi lại các khu chợ.
"Do vậy ở thời điểm hiện tại chưa thể đưa ra kết luận chắc chắn về vai trò của chợ Hoa Nam cũng như cách thức virus lây lan ở khu chợ này", báo cáo cho biết.
Dịch bắt đầu khi nào?
Khi chưa thể tìm ra nguồn gốc đại dịch, việc xác định chính xác dịch bùng phát khi nào gần như là không thể.
Nhiều người mắc Covid-19 không có triệu chứng và chỉ đến cuối tháng 12/2019 khi xuất hiện chùm ca bệnh, giới chức Trung Quốc mới thông báo về dịch bệnh "lạ". Các chuyên gia nhận thấy, trước thời gian đó không có tình trạng tăng đột biến các bệnh liên quan đến hô hấp, lượng người mua thuốc hạ sốt, thuốc ho hay cảm cũng không tăng. Các dữ liệu di truyền cho thấy, các ca bệnh đầu tiên có thể xuất hiện từ tháng 9/2019, dù nhiều khả năng phải là từ giữa tháng 11 đến đầu tháng 12/2019.
Trung Quốc đưa ra một số bằng chứng cho rằng virus bắt nguồn từ quốc gia khác vào đầu năm 2019 và xâm nhập vào Trung Quốc khoảng tháng 12 cùng năm. Tuy nhiên, báo cáo không ủng hộ giả thuyết này.
Trung Quốc can thiệp vào cuộc điều tra không?
Một số ý kiến lo ngại rằng, Trung Quốc có thể tìm cách cản trở cuộc điều tra hay thậm chí cho rằng cuộc điều tra có thành công hay không phụ thuộc vào Trung Quốc.
Ben Embarek, một thành viên nhóm chuyên gia của WHO thừa nhận, họ đối mặt với nhiều sức ép, trong đó có cả sức ép chính trị, trong quá trình điều tra, nhưng họ không bao giờ bỏ qua "các yếu tố quan trọng" trong báo cáo.
"Tất nhiên, có sức ép chính trị từ tất cả các phía, cả ở bên ngoài Trung Quốc. Nhưng tôi nghĩ rằng chúng tôi đã tạo được không gian cho khoa học, không gian cho hai nhóm chuyên gia làm việc cùng nhau. Chúng tôi không có gì để che giấu", ông nói.
Gostin, chuyên gia y tế tại Đại học Georgetown, cho rằng Trung Quốc quyết định thời điểm và những gì mà nhóm chuyên gia có thể tiếp cận, những gì không thể. "Tôi có cảm nhận WHO không được tiếp cận các nguồn độc lập", ông Gostin nói.
Liên quan đến vấn đề tiếp cận dữ liệu, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, Trung Quốc đã không chia sẻ với các chuyên gia quốc tế dữ liệu liên quan đến giai đoạn đầu bùng phát dịch ở nước này. "Tôi đã trao đổi với nhóm chuyên gia và họ bày tỏ những khó khăn mà họ gặp phải trong việc tiếp cận dữ liệu thô. Tôi hy vọng các nghiên cứu hợp tác trong tương lai sẽ bao gồm việc chia sẻ dữ liệu toàn diện và kịp thời hơn", ông Tedros nói.
"Phản pháo" chỉ trích này, người đứng đầu ủy ban các chuyên gia về Covid-19 do Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc lập ra, Tiến sĩ Liang Wannian, đồng lãnh đạo nhóm điều tra chung, hôm nay nói với phóng viên rằng, các nhà nghiên cứu của Trung Quốc và quốc tế được tiếp cận nguồn dữ liệu như nhau trong suốt quá trình điều tra. "Tất nhiên, theo luật pháp Trung Quốc, một số dữ liệu không được phép mang đi hay sao chép, nhưng khi chúng tôi cùng nhau phân tích ở Vũ Hán, mọi người được xem cơ sở dữ liệu, tài liệu, tất cả đều làm cùng nhau", ông Liang nói.
Ông Liang cũng bác bỏ chỉ trích về việc báo cáo điều tra liên tục bị trì hoãn. Ông cho biết, từng câu chữ, từng kết luận, từng chi tiết đều cần có sự xác nhận của cả hai phía trước khi công bố. "Trong suốt quá trình làm việc, chúng tôi luôn tuân thủ nguyên tắc chất lượng là trên hết", ông Liang cho biết. Chuyên gia Liang nhấn mạnh, Trung Quốc đã hoàn thành điều tra chung và bây giờ thế giới cần điều tra thêm về dịch Covid-19 ở những nơi khác.
Tuy nhiên, Mỹ và ít nhất 13 nước khác không nghĩ vậy. Các nước này đã ra một tuyên bố chung chỉ trích Trung Quốc thiếu minh bạch và kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra độc lập.