1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Những câu chuyện đi vào huyền thoại của Quốc vương Thái Lan

(Dân trí) - Là vị vua trị vì lâu nhất của thế giới - Quốc vương Bhumibol Adulyadej đã trở thành tượng đài không thể thay thế trong lòng nhiều thế hệ người dân Thái Lan, với những câu chuyện ghi nhận tài năng, đức độ, tình yêu thương cũng như sự cống hiến không mệt mỏi của ông cho cuộc sống của hàng triệu đồng bào và sự phồn thịnh của đất nước.

Quốc vương Bhumibol Adulyadej và Hoàng hậu Sirikit thời trẻ (Ảnh: AFP)
Quốc vương Bhumibol Adulyadej và Hoàng hậu Sirikit thời trẻ (Ảnh: AFP)

Sự ra đi của Quốc vương Bhumibol Adulyadej vào chiều ngày 13/10 đã để lại niềm tiếc thương vô hạn trong lòng người dân Thái Lan vì từ lâu họ đã coi ông là “người cha thứ hai” trong gia đình, là biểu tượng cho sự đoàn kết của cả dân tộc và là tượng đài cho sự ổn định của đất nước.

Quan tâm tới đời sống người dân

Quốc vương Bhumibol Adulyadej sinh ngày 5/12/1927 tại Cambridge, bang Massachusetts, Mỹ. Khi đó, gia đình nhà vua sống ở Mỹ vì cả cha và mẹ ông đều đang theo học tại đây và tên của nhà vua Bhumibol được hiểu là “sức mạnh của đất”. Quốc vương dành phần lớn thời niên thiếu của mình ở phương Tây, tuy nhiên ông vẫn luôn được dạy dỗ về nguồn cội của mình và một lòng hướng về quê hương đất nước. Ông lên ngôi vào năm 1946 khi mới 18 tuổi, sau khi anh trai ông - Vua Ananda Mahidol qua đời.

Quốc vương Bhumibol chơi saxophone cùng các nghệ sĩ jazz nổi tiếng năm 1960. (Ảnh: AP)
Quốc vương Bhumibol chơi saxophone cùng các nghệ sĩ jazz nổi tiếng năm 1960. (Ảnh: AP)

Ngay từ những ngày đầu mới lên ngôi, Quốc vương Bhumibol đã chứng tỏ ông là một vị vua rất quan tâm tới đời sống nhân dân và luôn mong muốn đem lại những điều tốt đẹp nhất cho người dân nước mình. Khi vừa mới từ Mỹ trở về, ông không quản ngại khó khăn, tích cực đi đến nhiều vùng miền trên khắp đất nước Thái Lan, trò chuyện cùng người dân để tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của họ. Trong mỗi chuyến đi như vậy, ông thường dẫn theo nhiều kỹ sư, bác sĩ, các nhà khoa học về nông nghiệp. Cả đoàn cùng nhau ngồi trên chiếc xe Land Rover của nhà vua, đi hơn 50.000 km mỗi năm, tìm đến những nơi xa xôi hẻo lánh nhất của đất nước để thị sát. Trong mỗi chuyến đi như vậy, nhà vua và hoàng hậu lại phân phát hàng nghìn tấm chăn, khăn choàng, quần áo, đồng phục học sinh cho người dân Thái Lan.

Quốc vương Thái Lan trò chuyện cùng những người dân nghèo ở những miền đất xa xôi của đất nước (Ảnh: BBC)
Quốc vương Thái Lan trò chuyện cùng những người dân nghèo ở những miền đất xa xôi của đất nước (Ảnh: BBC)

Vị vua trẻ khi ấy mang trong mình tư tưởng đổi mới và khát khao nâng cao đời sống của người dân. Ông dành sự quan tâm tới mọi lĩnh vực để phát triển đất nước, từ khoa học, môi trường cho tới công nghệ, kỹ thuật, thậm chí cả công nghệ tạo mây để tạo mưa phục vụ hoạt động trồng trọt của nông dân Thái Lan. Người dân thường thấy ông với tác phong hối hả, cùng một chiếc máy ảnh bỏ túi đeo trên cổ để chụp khi cần. Trong tiềm thức của người dân Thái Lan, nhà vua luôn luôn thân thiện, thường cầm trên tay cuốn sổ và chiếc bút, ghi lại những nguyện vọng của người dân và vẽ ra những ý tưởng mới để giúp dân thoát nghèo.

Trong tất cả các lĩnh vực, Quốc vương Bhumibol đặc biệt chú ý đến các hệ thống quản lý nguồn nước và bắt tay thực hiện các dự án tưới tiêu lớn nhỏ để phục vụ công tác sản xuất của người dân. Nhà vua thường ngồi một mình trong phòng để nghiên cứu, bao quanh ông là các thiết bị liên lạc và bản đồ. Ông miệt mài nghiên cứu những cuốn sách, phác thảo ra các đề án và thiết kế. Ông cũng thường xuyên liên lạc với các quan chức chính phủ thông qua một thiết bị vô tuyến riêng.

Máy ảnh là vật dụng thân thiết của Quốc vương Bhumibol (Ảnh: Getty)
Máy ảnh là vật dụng thân thiết của Quốc vương Bhumibol (Ảnh: Getty)

Quốc vương Bhumibol đã xây dựng các dự án của hoàng gia, giúp người dân làm các công trình khắc phục hạn hán, đào kênh rạch trữ nước và điều tiết nước trong canh tác. Ông chính là cha đẻ của dự án mưa nhân tạo, giúp hàng triệu người dân Thái Lan vượt qua những khó khăn trong sinh hoạt và sản xuất do tình trạng hạn hán kéo dài, đồng thời làm thay đổi cuộc sống của họ.

Quốc vương Bhumibol là một trong số ít người nhận được nhiều bằng sáng chế cả trong nước và quốc tế, đặc biệt là về kỹ thuật, mặc dù ông tốt nghiệp cử nhân văn chương Pháp và có sở trường chơi nhiều loại nhạc cụ.

Lý tưởng cống hiến cho người dân của Quốc vương Bhumibol được nuôi dưỡng từ chính người mẹ của ông. Hồi nhỏ, mỗi khi anh em ông được cho tiền, họ thường bỏ một ít vào trong một chiếc hộp. Và sau đó, họ sẽ lấy tiền trong chiếc hộp này để chia cho người nghèo.

Nhờ những nỗ lực không mệt mỏi và tầm nhìn xa trông rộng của Quốc vương Bhumibol trong 70 năm trị vì đất nước, thế giới đã chứng kiến sự “thay da đổi thịt” đáng ngạc nhiên của Thái Lan, từ một quốc gia nông nghiệp với phần đông người dân sống trong cảnh nghèo đói thành một “con hổ” ở khu vực châu Á với tiềm năng phát triển mạnh mẽ và đáng ngưỡng mộ.

Quốc vương Thái Lan (phải) tự tay xuống đồng gặt lúa trong một dự án nông nghiệp của hoàng gia vào tháng 11/1998 (Ảnh: AFP)
Quốc vương Thái Lan (phải) tự tay xuống đồng gặt lúa trong một dự án nông nghiệp của hoàng gia vào tháng 11/1998 (Ảnh: AFP)

Vào thời điểm những năm 1930, tại Thái Lan, ngai vàng của nhà vua và hình ảnh của hoàng gia gần như chỉ mang tính biểu tượng, còn thực quyền lại nằm trong tay chính phủ. Tuy nhiên, bằng những cống hiến không ngừng nghỉ cũng như vai trò của nhà vua trong các thời điểm lịch sử của đất nước, Quốc vương Bhumibol đã giúp Hoàng gia Thái Lan ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng người dân và xây dựng ảnh hưởng quan trọng đến nền chính trị của quốc gia Đông Nam Á này.

Tiếng nói của Quốc vương trong những thời điểm lịch sử

Trong 7 thập niên trị vì, Quốc vương Bhumibol đã chứng kiến hàng chục cuộc đảo chính và đời thủ tướng ở Thái Lan. Mặc dù về nguyên tắc, nhà vua Thái Lan không can thiệp vào chính trị và đứng trên các đảng phái nhưng với tiếng nói và tầm ảnh hưởng của mình, Quốc vương Bhumibol đã cho thấy vai trò lớn lao của ông trong các hoạt động chính trị của đất nước. Vị vua đáng kính này luôn đặt sự ổn định của nhà nước và sự an toàn của người dân lên trên hết, do vậy ông đã trở thành cố vấn đằng sau cho nhiều đời thủ tướng, giúp đưa ra những quyết sách có lợi cho người dân Thái Lan. Ngoài ra, mỗi khi đất nước rơi vào khủng hoảng hay xảy ra đảo chính, cũng chính tiếng nói của nhà vua đã giúp xoa dịu tình hình, trấn an người dân để vượt qua cơn sóng gió. Cũng vì lẽ đó, trong cuốn sách có tựa đề “Nhà vua không bao giờ cười”, tác giả Paul Handley đã nhận định rằng Quốc vương Bhumibol đã khôi phục uy quyền của Hoàng gia Thái Lan lên tới mức mà họ được xem là “lực lượng chính trị mạnh nhất” tại nước này.

Ảnh của Quốc vương Bhumibol xuất hiện ở hầu hết ngôi nhà trên đất nước Thái Lan (Ảnh: Reuters)
Ảnh của Quốc vương Bhumibol xuất hiện ở hầu hết ngôi nhà trên đất nước Thái Lan (Ảnh: Reuters)

Câu chuyện xảy ra hơn 40 năm là một minh chứng cho vai trò của Quốc vương Bhumibol trong những thời khắc lịch sử của đất nước. Vào ngày 14/10/1973, khi các sinh viên xuống đường biểu tình đòi kết thúc chế độ của nhà độc tài quân sự Thanom Kittikachorn, Quốc vương Bhumibol đã ra lệnh mở cửa Cung điện Chitralada ở thủ đô Bangkok để cho phép các sinh viên bị đàn áp vào lánh nạn, tránh một cuộc tàn sát đẫm máu. Sau đó, ông xuất hiện trên truyền hình và thông báo rằng nhà độc tài này đã từ chức, cùng với đó chế độ Thanom cũng kết thúc.

Vào năm 1992, dưới sự chỉ huy của tướng đảo chính Suchinda Kraprayoon, quân đội Thái Lan đã liên tục đàn áp, bắn giết người biểu tình - lực lượng do tướng về hưu Chamlong Srimuang dẫn đầu, gây ra tình trạng bạo loạn trong nhiều ngày trên khắp đường phố Thái Lan. Quốc vương Bhumibol khi đó đã triệu hồi cả hai vị tướng này tới cung điện.

Đoạn phóng sự phát sóng trên truyền hình cho thấy, hai viên tướng đã quỳ dưới chân nhà vua để nghe lời răn dạy, yêu cầu họ phải chấm dứt bạo lực ngay lập tức. Ông nói với hai viên tướng rằng “đất nước không thuộc về bất kỳ một người hay hai người nào, đất nước thuộc về nhân dân” và tình trạng bạo loạn sẽ chỉ đưa đến những người thua cuộc mà thôi. "Các anh tự nhận mình là người chiến thắng để làm gì khi các anh chỉ đứng trên đống đổ nát và những mảnh vụn?", Quốc vương hỏi.

Quốc vương Thái Lan răn dạy hai vị tướng như thế nào?

Ngay sau cuộc gặp đó, tướng Suchinda đã quyết định xuống thang. Một nền dân chủ dựa trên bầu cử được phục hồi, một hiến pháp mới được ban hành và bạo lực chấm dứt tại Thái Lan.

Tướng Suchinda Kraprayoon (giữa) và tướng Chamlong Srimuang quỳ khi nghe Quốc vương Bhumibol răn dạy. (Ảnh: AFP)
Tướng Suchinda Kraprayoon (giữa) và tướng Chamlong Srimuang quỳ khi nghe Quốc vương Bhumibol răn dạy. (Ảnh: AFP)

Năm 2003, hàng trăm người Thái Lan đã tập trung bên ngoài đại sứ quán Campuchia ở thủ đô Bangkok, gây náo loạn và tìm cách kéo vào tòa nhà để trả đũa vụ đại sứ quán Thái Lan tại Campuchia bị đốt. Vào thời điểm đó, người đứng đầu Cơ quan Cảnh sát Thái lan đã thông báo cho đám đông gây rối rằng thư ký của Quốc vương Bhumibol đã chuyển lời của ngài, kêu gọi người dân bình tĩnh và trật tự. Ngay sau lời kêu gọi đó, đám đông đã giải tán và mọi việc được giải quyết êm thấm.

Những câu chuyện trên chỉ là một phần trong những nỗ lực đáng ghi nhận của Quốc vương Bhumibol nhằm duy trì trật tự, ổn định đất nước trong những năm trị vì. Bằng những hành động thiết thực như vậy, Quốc vương Bhumibol luôn được xem là linh hồn bất tử của dân tộc Thái Lan và sẽ sống mãi trong lòng mọi thế hệ người dân dù ông không còn nữa.

Thành Đạt

Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm