Những căn hầm chống tận thế trên thế giới
(Dân trí) - Chiến tranh hạt nhân, nạn đói, dịch bệnh, thậm chí thiên thạch đi lạc, sự dịch chuyển trục trái đất... khiến con người nghĩ ra nhiều cách ứng phó, trong số này có hầm chống tận thế.
Hầm lưu giữ công thức bánh quy
GOV (Global Oreo Vault) được xây dựng tại Na Uy để bảo vệ các mẫu bánh quy và công thức của món ăn này để tránh bị tuyệt chủng nếu một thiên thạch ghé thăm trái đất. Thực chất đây là công trình dạng hầm lưu trữ mẫu bánh quy và công thức sản xuất của Oreo xuất hiện vào cuối tháng 10/2020. Theo phát ngôn viên của Oreo, để tránh kịch bản xấu nhất xảy ra, các mẫu bánh Oreo được bọc bằng sợi mylar, chịu được nhiệt độ từ -80 độ đến -300 độ F (-62 đến - 150 độ C), không thấm nước và chống phản ứng hóa học, chịu ẩm. Cách bảo quản này sẽ giúp cho bánh Oreo được kéo dài nhiều năm so với hạn sử dụng thông thường.
Oreo thuê kiến trúc sư Markus Johansdotter để quản lý dự án, xây dựng GOV trong vòng 30 ngày. Nó có cơ chế hoạt động giống như SGSV (Svalbard Global Seed Vault), hầm bê tông được chôn vùi dưới lớp băng giá ngàn năm, lưu giữ hơn 1 triệu mẫu hạt giống quan trọng, đề phòng thảm họa diệt vong xảy ra. Johansdotter mô tả công việc của mình là "quan trọng", nhưng ngụ ý rằng nó cũng hơi đáng sợ và là "một trách nhiệm lớn."
Hầm bảo vệ vi sinh vật
Hầm chống tận thế GMV (Global Microbiota Vault) là sáng kiến để bảo vệ hệ thống vi sinh vật hiếm. Lý do, không phải mọi vi khuẩn đều xấu, bởi ngay con người cũng phải cần đến vi khuẩn tốt để duy trì sức khỏe. Hệ vi sinh vật của con người bao gồm một cộng đồng hàng nghìn tỷ vi sinh vật, như vi khuẩn, nấm và vi rút..., chúng thực hiện các chức năng sức khỏe. Từ việc hỗ trợ tiêu hóa cho đến tăng cường hệ thống miễn dịch. Đây là lý do tại sao các nhà nghiên cứu ở Đại học Rutgers (RU), Mỹ quyết tâm xây dựng một kiến trúc để lưu trữ và bảo quản các vi sinh vật thân thiện này.
Theo nữ giáo sư hóa-sinh Maria Gloria Doinguez-Bello ở RU, người tham gia dự án, trong 5 đến 7 thập niên trở lại đây, sự suy giảm đáng kể hệ vi sinh vật của con người đã gây ra một mối đe dọa nghiêm trọng đối với con người theo cơ chế "hiện tại, bây giờ và tương lai". Dominguez-Bello cảnh báo "bệnh hen suyễn, đường ruột, dị ứng, tiểu đường loại 1 và bệnh tự kỷ đang tăng vọt. Việc mất đi sự đa dạng vi sinh vật có thể làm cho sức khỏe con người trở nên trầm trọng hơn, vì vậy sự ra đời của GMV là cần thiết. Nó đóng vai trò như là một " ngân hàng sinh học" trong tương lai. GMV sẽ được "đặt tại một quốc gia trung lập về chính trị" để khuyến khích "tất cả các quốc gia. . . đóng góp vào bộ sưu tập nhằm làm tăng tính đa dạng, toàn diện. Các nhà khoa học RU dự báo, GMV sẽ tiêu tốn hàng triệu đô la cho việc xây dựng, vận hành nhưng đổi lại, lợi ích lại vô cùng to lớn, đó là sức khỏe.
Hầm bảo quản tinh trùng và phôi động vật
Không chỉ có thực vật, mà cả động vật cũng đang được bảo quản đông lạnh, như tinh trùng và phôi. Chương trình bảo quản lạnh đông của Tổ chức SVF (SVF Foundation) bao gồm "45.000 mẫu tinh trùng và phôi từ 20 giống gia súc, cừu và dê quý hiếm". Các mẫu được bảo quản ở nhiệt độ -312 độ trong môi trường nitơ lỏng. SVF là tổ chức phi lợi nhuận được thành lập bởi Dorrance Hill Hamilton, người từng là cổ đông lớn của Công ty Campbell Soup. Linh vật của SVF có tên Chip, đây là một con dê ở Tennessee (Mỹ), được chọn làm logo của các loài động vật được sinh ra từ vật liệu lạnh đông.
New York Times mô tả quá trình tạo ra dê Chip như sau: "Đầu năm 2004, khi còn là một phôi thai 6 ngày tuổi, nó bị tống ra khỏi bụng mẹ và đưa vào đông lạnh vài tháng sau đó. Sau khi được rã đông, phôi được cấy vào dạ con một con dê cái mang thai hộ có tên Nubian, và ra đời ngày 7/5/2004, hoàn toàn bình thường và khỏe mạnh". Quy trình tương tự cũng được sử dụng để bảo quản các mẫu vật mới. Mặc dù Chip sống sót và hiện đang được nuôi tại Newport, Rhode Island, cơ sở của Quỹ SVF, nhưng không phải tất cả các động vật được sinh ra từ quá trình cấy ghép đều có thể may mắn như vậy. Tinh trùng đông lạnh và phôi được giữ để phòng trường hợp bất trắc. Theo tiến sĩ George Saperstein, cố vấn khoa học của SVF những phôi đông lạnh này sẽ có sẵn để đưa ra sinh sản, tạo ra một thế hệ mới, đặc biệt là khi có trường hợp bất trắc xảy ra, khiến các loài động vật bị tuyệt chủng.
Hầm chống tận thế ULV
Các nhà khoa học đã đưa ra một ý tưởng phi thường về một căn hầm dự phòng bổ sung, một phương án C, để đảm bảo sự tồn tại của nông nghiệp trong trường hợp xảy ra ngày tận thế. Họ đề xuất xây dựng một hầm ngầm trên mặt trăng (Underground Lunar Vault (ULV) - Hầm tận thế Mặt Trăng Ngầm) như một dạng "chính sách bảo hiểm toàn cầu".
Tuy nhiên, trước khi một "chiếc hòm" như vậy được tạo ra, cần phải có sự tiến bộ trong công nghệ bảo quản lạnh. Để bảo quản, vật liệu trong hầm ULV phải được đông lạnh ở nhiệt độ -292 độ F (-180 độ C) và tế bào gốc sẽ phải được giữ ở -320 độ F (-196 độ C), nhiệt độ này thể ảnh hưởng xấu đến chi tiết kim loại của hầm.
Ngoài ra, còn có những vấn đề tiềm ẩn khác phải được khắc phục, liên quan đến tác động của lực hấp dẫn đối với việc bảo quản hạt giống và sự liên lạc giữa trái đất với hầm. Một mạng lưới gồm 200 ống dung nham dưới lòng đất sẽ bảo vệ các hạt đông lạnh khỏi bị bức xạ mặt trời, thay đổi nhiệt độ bề mặt và ảnh hưởng của các vi sinh vật. Các trục thang máy sẽ kết nối bề mặt của hầm, được trang bị hệ quang điện, ăng-ten băng tần Ka để liên lạc và lối vào không khóa, với các ống dung nham dưới lòng đất, bên trong có các mô-đun bảo quản và phòng thí nghiệm phân tích hoạt động. Ngoài các trở ngại nói trên, để biến ước mơ thành hiện thực, các nhà khoa học phải tận dụng tối đa tiến bộ công nghệ, đặc biệt là công nghệ robot lạnh, đây là thách thức không nhỏ, giống như "phóng 250 quả tên lửa. . . để vận chuyển khoảng 50 mẫu từ mỗi loài trong số 6,7 triệu loài lên mặt trăng".