1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Những bí ẩn về liên minh IS tại bán đảo Sinai

(Dân trí) - Nhóm phiến quân Hồi giáo (IS) ở Sinai đã qua mặt mạng lưới an ninh bằng cách hoạt động theo các nhóm bí mật. IS đang bị tình nghi đứng sau vụ rơi máy bay Airbus A321 của Nga hồi tuần trước, khiến 224 người thiệt mạng.

 

Các phiến quân IS (Ảnh: Alarabiya)
Các phiến quân IS (Ảnh: Alarabiya)

Theo hãng tin Reuters, giới chức phương Tây cho rằng Sinai Province, một tổ chức khủng bố liên minh với IS, chính là thủ phạm vụ tấn công máy bay. Tổ chức này đã từng đứng đằng sau các vụ sát hại các binh sỹ và cảnh sát Ai Cập kể từ sau cuộc đảo chính năm 2013 khi quân đội lật đổ Tổng thống Ai Cập Mohamed Mursi.

Nếu bằng chứng cho thấy lực lượng này đã tấn công máy bay Nga là xác thực, thì đây có thể coi là hoạt động tàn khốc nhất của phiến quân Hồi giáo, một trong những vụ tấn công kinh hoàng nhất kể từ cuộc khủng bố 11/9/2001 ở Mỹ.

Và nếu giả thuyết máy bay Airbus A321 đã bị nhóm này gài bom là đúng, thì điều này hoàn trái ngược với khẳng định trước đó của chính quyền Ai Cập rằng họ đã kiểm soát được các tay súng cực đoan, vốn từng tấn công vào quan chức cao cấp của chính phủ và các mục tiêu phương Tây.

Các chuyên gia an ninh và các điều tra viên nhận định rằng, ít có khả năng máy bay Airbus A321 bị tấn công từ bên ngoài vì phiến quân ở Sinai được cho khó có loại tên lửa nào có thể tấn công máy bay ở độ cao khoảng 9.500 m. Do đó, nghi ngờ máy bay bị gài bom là được cho là có khả năng hơn cả.

Sinai Province ra đời một phần từ nỗ lực của Ai Cập nhằm loại trừ các nhóm vũ trang, vốn đe dọa quốc gia Ả rập này trong nhiều thập kỷ qua, theo các nguồn tin an ninh.

Ba giới chức theo dõi sát sự trỗi dậy của phiến quân ở Sinai cho biết, nhiều tay súng của Sinai Province đã chạy sang Syria sau khi Tổng thống Mursi bị phế truất.

Thủ lĩnh Sinai Province là Osama al-Masri, 42 tuổi, vốn là một nhà buôn quần áo, đã từng nghiên cứu về Hồi giáo tại Al-Azhar, từng là một trung tâm của Ai Cập có niên đại 1.000 năm, để ủng hộ chính phủ, theo các giới chức trên.

Nhưng trong khi các đồng môn khác học tại trung tâm có tiếng là ôn hòa thì al-Masri lại cực đoan và đứng lên khởi nghĩa tại Sinai trước khi trốn sang Syria cùng với 20 tay súng khác sau khi Tổng thống Mursi đã bị lật đổ, theo các nguồn tin.

Trở thành các chuyên gia

Ngay sau khi trở về Sinai định cư, al-Masri và các tay súng khác với kinh nghiệm sẵn có đã chứng tỏ hiệu quả. Nhóm này đã được phiến quân Hồi giáo tự xưng IS tiếp cận và giao cho sứ mệnh nhằm thiết lập đế chế tự xưng trong thế giới Hồi giáo trên thế giới.

Có vẻ nhóm này rất hâm mộ nhà lãnh đạo đầy bí ẩn Abu Bakr al-Baghdadi của IS, theo các nguồn tin.

Phiến quân IS đã vận chuyển vũ khí và tiền bạc bằng thuyền từ Iraq sang quốc gia láng giềng Libya, nơi các lực lượng vũ trang cực đoan đang lớn mạnh trong tình thế bất ổn sau khi nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi bị lật đổ vào năm 2011.

Những người ủng hộ Baghdadi đã lợi dụng lỗ hổng an ninh tại biên giới để tới Sinai, tiếp tế cho các lực lượng phiến quân Hồi giáo ở đây.

“Những tay súng khác đã dạy chúng làm thế nào để không bị vây bắt, chúng cũng học cách bắn chính xác và gài bom. Và chúng đã thành chuyên gia”, một trong số các quan chức tình báo giấu tên của Ai Cập cho biết.

Will McCants, Giám đốc Trung tâm chính sách Trung Đông tại viện Brookings ở Washington, cho hay không nhiều người biết về mối quan hệ hoạt động giữa phiến quân Hồi giáo ở Sinai với lãnh đạo của phong trào. Tuy nhiên, phiến quân Hồi giáo ở Sinai cũng giống như các chi nhánh khác, họ cũng có quyền tự trị đáng kể.

Hoạt động bí mật

Các quan chức an ninh cho biết, dưới thời ông Mursi, các tay súng của al Qaeda, một vài trong số họ đến từ Afghanistan, đã hoạt động tự do tại Sinai. Lực lượng này gồm khoảng 4.000 tay súng, tạo thành lực lượng cốt lõi của Sinai Province. Trước khi đứng ra tuyên bố ủng hộ cho phiến quân IS vào năm ngoái, nhóm này có tên gọi là Ansar Beyt al-Maqdis.

Chiến dịch tiêu diệt phiến quân Hồi giáo IS do chính quyền Ai Cập khi đó phát động đã khiến nhiều phiến quân bị IS tiêu diệt, hoặc bị bỏ tù hoặc phải trốn chạy sang các nước như Syria và Libya.

Tổ chức Sinai Province hiện chỉ gồm vài trăm tay súng, được phân chia thành các nhóm nhỏ từ 5 đến 7 tay súng. Các nhóm này ít liên hệ với nhau để giảm nguy cơ bị vây bắt. “Chúng hoạt động bí mật. Nhóm này thậm chí không biết về các nhóm khác”, một quan chức tình báo cho biết. Một quan chức khác cũng tiết lộ: “Đây là nhóm nhỏ nên họ chỉ cần một người để thực hiện các vụ đánh bom tự sát”.

Năm ngoái, các quan chức an ninh cho biết, al-Masri và một số lãnh đạo khác đã bị tiêu diệt. Nhưng sau đó ít lâu, al-Masri vẫn xuất hiện trong một đoạn video được cho là để chứng minh hắn vẫn còn sống và khẳng định sự trung thành với thủ lĩnh Baghdadi.

Theo đoạn video trên, al-Masri quỳ xuống bên cạnh đống vũ khí và tuyên bố rằng số vũ khí trên đã giành được trong một trận chiến tiêu diệt tới 30 binh sỹ Ai Cập. Người đứng đầu một bộ lạc ở Sinai cho Reuters hay, gần đây ông đã phát hiện các tay súng thân cận với IS còn lái xe hơi Toyota Land Cruisers quanh khu vực này. Một số khác có máy tính Apple. “Lực lượng này xem ra ngày một manh động hơn”, ông nói.

 

Bản đồ địa bàn hoạt động của phiến quân Sinai (Ảnh: wikipedia)
Bản đồ địa bàn hoạt động của phiến quân Sinai (Ảnh: wikipedia)

 

Vũ Duy-Minh Phương

 

Những bí ẩn về liên minh IS tại bán đảo Sinai - 3