1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Những bệnh nhân bị “bỏ rơi” trong guồng quay chống dịch corona

(Dân trí) - Nhiều bệnh nhân phải chấp nhận chờ đợi trong tình trạng tuyệt vọng vì không được điều trị khi Trung Quốc dồn mọi nguồn lực tại các bệnh viện để ứng phó dịch corona.

Những bệnh nhân bị “bỏ rơi” trong guồng quay chống dịch corona - 1

Wan Ruyi, sinh viên 21 tuổi, chờ được điều trị tại bệnh viện ở Vũ Hán. (Ảnh: Weibo)

 

Bên trong những bệnh viện chật chội tại thành phố Vũ Hán, những bệnh nhân nhiễm virus corona chủng mới vẫn đang vật lộn để được điều trị. Còn đối với những người khác cũng đang ở trong “tâm dịch” nhưng không nhiễm virus corona, tình hình của họ thậm chí còn tồi tệ hơn.

Wan Ruyi, một sinh viên đại học, được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu cấp tính, từ hồi tháng 5. Cô gái 21 tuổi này đã ở trong Bệnh viện Liên minh Vũ Hán suốt 10 tháng qua, và bây giờ tình trạng sức khỏe đang rất nguy kịch. Wan rất cần được cấy ghép tủy xương.

“Wan đã trải qua ba đợt hóa trị, nhưng lần gần đây nhất hồi tháng 10 vẫn chưa thực sự thành công, và đợt ghép tủy xương mà Wan thực hiện hôm chủ nhật (9/2) cho thấy cách điều trị này cũng chưa mang lại kết quả như mong muốn”, bà Wu Qiong, mẹ Wan, cho biết.

Bệnh viện Liên minh Vũ Hán tại tỉnh Hồ Bắc là một trong những cơ sở y tế đầu tiên được chỉ định làm nơi điều trị các bệnh nhân nhiễm virus corona chủng mới, bắt đầu từ ngày 21/1. Bệnh viện đã nói với gia đình Wan rằng họ dừng phẫu thuật cấy ghép vì không có đủ bác sĩ và mẫu máu. Gia đình Wan cũng tìm cách chuyển tới một bệnh viện khác tại tỉnh Hà Bắc, nhưng họ được yêu cầu ở lại thành phố Vũ Hán.

Ngày 9/2, Wan nói rằng cô rất đau đớn và khó chịu. Cô muốn được chết.

“Mỗi ngày ở Hồ Bắc càng khiến tôi cảm thấy bất lực và tuyệt vọng khi con gái tôi vẫn phải chịu đau đớn. Tình trạng sức khỏe của con bé ngày càng bất ổn hơn”, bà Wu nói.

Wan là một trong hàng nghìn bệnh nhân đang cần được điều trị khẩn cấp tại Vũ Hán, nhưng họ vẫn chưa được điều trị vì mọi nguồn lực y tế đều đang tập trung cho cuộc chiến chống dịch corona. Một số bệnh nhân tuyệt vọng đã “kêu cứu” trên mạng xã hội Weibo, tìm kiếm sự giúp đỡ từ những bệnh viện khác tại Trung Quốc.

Các nhà chức trách Trung Quốc đã thực hiện các biện pháp chưa từng có tiền lệ để kiểm soát sự bùng phát của dịch corona từ tháng 12 năm ngoái, bao gồm phong tỏa thành phố Vũ Hán và ít nhất 15 thành phố khác tại Hồ Bắc trong suốt nhiều tuần. Lệnh phong tỏa đã ảnh hưởng tới cuộc sống của hơn 50 triệu người.

Tại Vũ Hán, hai bệnh viện dã chiến quy mô lớn đã được xây dựng trong chưa đầy 2 tuần để ứng phó với dịch corona. Ngoài ra, các bệnh viện tạm cũng được gấp rút dựng lên để điều trị các bệnh nhân nhiễm virus.

Tuy nhiên, số lượng người nhiễm virus corona ngày càng tăng lên, trong khi số ca tử vong đã vượt qua con số 1.000. Tính đến ngày 10/2, chỉ riêng tại Hồ Bắc, đã có gần 32.000 bệnh nhân nhiễm virus và hơn 18.000 người trong số họ là ở Vũ Hán.

Những bệnh nhân bị “bỏ rơi” trong guồng quay chống dịch corona - 2

Các nhân viên y tế điều trị bệnh nhân nhiễm virus corona tại bệnh viện ở Vũ Hán. (Ảnh: Reuters)

Đối với ông Fu Daoshun, một bệnh nhân 81 tuổi, sự bùng phát của dịch corona đồng nghĩa với việc ông không còn được tiêm thuốc hàng ngày để điều trị chứng huyết khối tĩnh mạch sâu ở chân. Trước đây, ông từng được điều trị tại bệnh viện Puai, nhưng cơ sở này đã biến thành trung tâm điều trị bệnh nhân nhiễm virus corona từ ngày 23/1, do vậy bệnh viện không còn đủ nguồn lực để điều trị cho những người mắc các bệnh khác như ông Fu.

Fu Yufen, cháu gái của ông Fu, cho biết tất cả những gì ông có thể làm bây giờ là nằm trên giường.

“Ông đau đến mức không thể đi lại sau nhiều ngày không được tiêm thuốc để giảm đau. Nhưng nếu bây giờ ông vào bệnh viện thì cũng rất nguy hiểm, vì ông có thể dễ dàng bị nhiễm virus”, Yufen nói.

“Vì thành phố bị phong tỏa, nên chúng tôi không thể tới thăm ông. Do vậy, bà tôi, dù rất già yếu, vẫn phải tự chăm sóc ông. Tôi thực sự lo lắng nếu ông bà ngã bệnh”, Yufen cho biết.

Fu Yufen nói rằng ông bà cô vẫn nhận đồ tiếp tế từ các viên chức cộng đồng, nhưng cô lo ngại về việc liệu ông bà có thể cầm cự được bao lâu. Yufen cho biết ông cô tuần trước đã viết di chúc.

Theo các chuyên gia y tế, mặc dù các bệnh nhân nhiễm virus corona cần được ưu tiên hơn, nhưng những người nhiễm các bệnh cấp tính và kinh niên khác cũng cần được hỗ trợ.

Tang Shenlan, giáo sư tại Trường Y thuộc Đại học Duke và là phó giám đốc Viện Y tế Toàn cầu Duke ở Mỹ, cho rằng sẽ là sai lầm nếu dồn toàn bộ sự tập trung vào các ca nhiễm virus corona, trong khi không hỗ trợ cho những bệnh nhân mắc các chứng bệnh khác.

“Các bệnh viện ở Vũ Hán nên tìm phương án mới để cung cấp các dịch vụ cần thiết cho những bệnh nhân này, chẳng hạn sử dụng phương pháp điều trị từ xa, bao gồm cả việc kê đơn thuốc”, ông Tang cho biết.

Theo ông Tang, mặc dù đã có những tiến triển kể từ khi Trung Quốc bắt đầu chương trình cải cách hệ thống chăm sóc sức khỏe từ năm 2009, với việc có nhiều người được tham gia bảo hiểm y tế, nhưng quá trình “cải cách các bệnh viện công tại Trung Quốc vẫn thất bại”.

Trong khi đó Yao Zelin, giáo sư tại Đại học Đông Trung Quốc ở Thượng Hải, hệ thống y tế của Trung Quốc cần phải được cải thiện từ gốc rễ.

“Trung Quốc chỉ tập trung vào việc xây dựng các bệnh viện lớn, chứ không phát triển mạng lưới các phòng khám, đồng nghĩa với việc khi xảy ra trường hợp khẩn cấp như dịch corona, chỉ những bệnh viện lớn mới có thể được sử dụng để ứng phó dịch. Khi đó, sự gia tăng về số lượng bệnh nhân sẽ nhanh chóng chiếm hết nguồn lực của bệnh viện”, chuyên gia Yao nhận định.

Thành Đạt

Theo SCMP