Những ấn tượng đẹp về đất nước vùng Trung Á Uzbekistan
Uzbekistan nổi tiếng với các đền đài, lăng tẩm nằm dọc theo Con đường Tơ lụa, tuyến đường thương mại cổ xưa nối Trung Hoa với Địa Trung Hải.
Dưới đây là bài viết của ông Lương Phan Cừ, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam-Uzbekistan, về đất nước tươi đẹp và huyền bí vùng Trung Á Uzbekistan, nơi ông từng học tập thời Uzbekistan thuộc Liên Xô cũ.
Tôi từng là một trong số những lưu học sinh Việt Nam tại Uzbekistan những năm 60, 70. Khi quyết định viết bài giới thiệu về đất nước Uzbekistan với công chúng Việt Nam, kỷ niệm về chuyến tàu từ hồ Baikan tới Thủ đô Tashkent chợt ùa về. Tàu chạy qua sa mạc mênh mông khiến tôi cảm thấy buồn khi sắp phải gắn bó học tập tại nơi đây những 5, 6 năm. Nhưng khi tàu chạy vào ngoại ô thành phố, những ngôi nhà, hàng cây, người dân địa phương hoạt động tấp nập hiện ra khiến tôi ngay lập tức liên tưởng tới một ốc đảo tươi đẹp nằm giữa sa mạc và vô cùng thán phục người dân Uzbek đã xây dựng được một thành phố đẹp như vậy.
Cộng hòa Uzbekistan nằm ở trung tâm của Trung Á thuộc Cộng hòa Xô Viết cũ. Nước này có diện tích 447.400km2, tiếp giáp Kazakhstan và Biển Aral về phía Bắc, Tajikistan về phía Đông Nam, Kyrgyzstan về phía Đông Bắc, Afghanistan về phía Nam và Turkmenistan về phía Tây Nam. Uzbekistan hiện có nền chính trị ổn định nhất khu vực Trung Á với chính sách đối ngoại được đánh giá là ôn hòa, thực chất, chú trọng cân bằng quan hệ với hai nước láng giềng giàu mạnh, Nga và Trung Quốc, đồng thời duy trì quan hệ tốt đẹp với phương Tây.
Uzbekistan nổi tiếng với các đền đài, lăng tẩm nằm dọc theo Con đường Tơ lụa, tuyến đường thương mại cổ xưa nối Trung hoa với Địa Trung Hải. Samarkand là thành phố chính trên tuyến đường, sở hữu các công trình kiến trúc đậm nét văn hóa Hồi giáo, như Cung điện Registan được trang trí công phu và phủ sành majolica có niên đại từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 17. Các thành phố cổ khác như Bukhara, Khiva, Shahrisabz, Termez và Quqon,cùng thời với Rome hay Babylon, từng là những trung tâm khoa học và văn hóa lớn của nhân loại. Thiên nhiên Uzbekistan đa dạng với núi đá, sa mạc cháy bỏng, sông sâu và các thảo nguyên khô hạn.
Cung điện Registan (nguồn: Internet)
Uzbekistan có dân số 30 triệu người, với khoảng 80% là người gốc Uzbek. 90% dân số Uzbekistan theo đạo Hồi dòng Sunni, 5% theo Chính thống giáo Nga, còn lại theo các tôn giáo khác như Công giáo, Tin Lành và Do Thái .Tuy đại đa số dân số theo đạo Hồi, Uzbekistan là một nước pháp quyền và thực hiện khá triệt để tự do tôn giáo.
Kể từ sau khi tuyên bố độc lập khỏi Liên bang Xô Viết năm 1991, Uzbekistan chọn con đường phát triển riêng, chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội.Năm 2014, GDP bình quân đầu người của Uzbekistan là 2.037 USD.Uzbekistan đứng thứ 7 thế giới về trồng và sản xuất bông vải và thứ 5 thế giới về xuất khẩu mặt hàng này. Uzbekistan còn là một trong số các nước đứng đầu thế giới về trữ lượng vàng, uranium, đồng, bạc, kẽm, vonfram, kim loại hiếm, khí gas, than đá và khoáng thạch.
Cánh đồng bông Uzbekistan (nguồn: Internet)
Uzbekistan có nền văn hóa phương Đông tươi sáng và nguyên sơ. Âm nhạc truyền thống Uzbek không thể bắt chước, đa dạng và có nhiều thể loại khác. Các bài hát thường liên hệ tới các phong tục truyền thống, các nghi lễ và quá trình lao động sản xuất của người dân địa phương. Các điệu múa Uzbek thường mềm mại, uyển chuyển và biểu cảm.
Một điệu múa Uzbek (nguồn: Đại sứ quán Uzbekistan tại Indonesia)
Thêu ren là một trong những xu hướng mỹ thuật ứng dụng phổ biến nhất tại Uzbekistan. Nghệ thuật thêu ren tại mỗi thành phố đều có các đặc điểm riêng biệt về họa tiết trang trí, thành phần, màu sắc và cách đâm chỉ. Loại hình thêu ren nổi tiếng nhất là nghệ thuật khâu chỉ vàng tại Bukhara.
Như hầu hết các quốc gia khác, ẩm thực Uzbek chịu ảnh hưởng của nông nghiệp địa phương. Có nhiều trang trại trồng ngũ cốc nên bánh mì và mì rất quan trọng trong các món ăn của người Uzbek. Thịt cừu được sử dụng phổ biến. Món ăn đặc trưng của Uzbekistan là palov (plov hoặc osh).
Nghệ thuật thêu chỉ vàng tại Bukhara (nguồn: Amazon)
Uzbekistan có 14 nhà máy rượu vang trên cả nước, lâu đời nhất là Nhà máy rượu Khovrenko tại Samarkand, thành lập năm 1927. Các loại rượu vang được sản xuất từ giống nho địa phương như Gulyakandoz, Shirin, Aleatiko, và Kabernet likernoe. Rượu vang Uzbek được nhận được giải thưởng quốc tế vàđược xuất khẩu sang Nga và nhiều nước khác.
Khoa học của Uzbekistan khởi nguồn từ thời cổ đại với nhiều phát minh đột phá trong các lĩnh vực tự nhiên, y tế, triết học, luật học, địa lý và văn học. Nhiều học giả, nhà khoa học, thiên văn học Uzbek đã có những đóng góp quan trọng vào nền văn minh chung của loài người. Nếu không có nhà toán học Muhammad Al-Muso Khorazmy, khó có thể tưởng tượng được sự phát triển của toán học hiện đại. Ông đã thành lập ra các căn cứ đầu tiên của môn đại số. Cùng thời gian đó, Akhmad Ferghany, nhà thiên văn học, toán học, và địa lý học đã viết luận thuyết nổi tiếng “Madkhal un-Nujum” (“Sự bắt đầu của thiên văn học”). Để lại dấu ấn trong lịch sử văn minh nhân loại còn có Abu Ali ibn Sino, nhà khoa học, nhà triết học, bác sĩ, và nhạc sĩ với các công trình triết học quan trọng và bộ sách “Khoa học y tế cơ bản”, cuốn sách gối đầu giường của các bác sĩ trên thế giới trong nhiều thế kỷ.
Những lưu học sinh chúng tôi, dù chỉ học tập tại đây 5 đến 7 năm nhưng mãi không thể nào quên sự nồng ấm, thân thiện và mến khách của người dân Uzbek. Trong ký ức của tôi, còn vẹn nguyên hình ảnh những cô gái Uzbek trong lớp, tóc tết “đuôi sam”, nụ cười lúng liếng, thường nấu plov, ăn trưa thành nhóm và mời chúng tôi ăn cùng.
Trên đây chỉ là vài nét phác thảo về Uzbekistan. Để hiểu thêm về đất nước vùng Trung Á tươi đẹp và có phần huyền bí, Hội hữu nghị Việt Nam-Uzbekistan sẽ tổ chức buổi giao lưu hữu nghị vào ngày 22/8 tại 105A Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội. Buổi Giao lưu còn có Triển lãm ảnh “Uzbekistan đương đại” lần thứ nhất và Lễ phát động Cuộc thi viết “Việt Nam-Uzbekistan: những kỷ niệm tươi đẹp và các sáng kiến thúc đẩy hợp tác song phương”.
Lương Phan Cừ