1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nhức nhối khủng hoảng di cư

Châu Âu đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng di cư - một cuộc khủng hoảng nhân đạo được xem là lớn nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai tới nay.

Nhức nhối khủng hoảng di cư - 1

Những người di cư bất hợp pháp chui qua hàng rào thép gai trên biên giới giữa Hungary và Serbia để đi vào Hungary

Các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã phải ấn định một cuộc họp khẩn cấp vào ngày 14-9 tới tại trụ sở của liên minh này ở Thủ đô Brussels (Bỉ) nhằm tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng di cư ngày càng trở nên nhức nhối. Ông Jean Asselborn - Bộ trưởng Di cư và Tị nạn Luxembourg, quốc gia hiện đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU - đã quyết định triệu tập cuộc họp bất thường này khi mà dòng người di cư đang ồ ạt đổ vào nhiều quốc gia thành viên liên minh.

Theo số liệu mới nhất của Cơ quan giám sát biên giới châu Âu (Frontex), chỉ trong 7 tháng đầu năm nay, số lượng người di cư tới biên giới châu Âu đã lên đến 340.000 người, so với con số 123.500 người cùng kỳ năm trước. Cơ quan tị nạn của LHQ cho biết, có khoảng 224.000 người di cư trốn tránh chiến tranh và nghèo đói ở châu Phi, Trung Đông… đã tới châu Âu bằng đường biển, trong đó chủ yếu đổ bộ vào Italia với ước tính 98.000 người và Hy Lạp là hơn 124.000 người.

Đáng lưu ý là Hungary, một quốc gia thành viên EU, đang nổi lên như một điểm nóng nhập cư mới trên bản đồ châu Âu. Cũng trong 7 tháng đầu năm nay, Hungary đã phải đón hơn 100 nghìn vị “khách không mời mà tới”, gồm chủ yếu là công dân các nước Balkan muốn qua “cửa ngõ” Hungary để nhập cư vào các quốc gia EU khác.

Cùng với số người di cư tăng đột biến so với những năm trước, số người nhập cư bất hợp pháp thiệt mạng trên hành trình tìm tới “miền đất hứa” EU năm nay cũng lên tới hơn 2.400 người. Bên cạnh “hành trình chết chóc” trên Địa Trung Hải để đến Italia và Hy Lạp, đã có những vụ tử nạn tập thể đau lòng khác trên các tuyến đường bộ như vụ phát hiện thi thể của 71 người, trong đó có cả phụ nữ và trẻ em, trên chiếc xe tải bỏ lại ở Áo gần với biên giới Hungary ngày 27-8 vừa qua.

Dòng người di cư tiếp tục đổ vào EU bất chấp các biện pháp ngăn chặn của liên minh này như lập lực lượng hải quân đa quốc gia trên Địa Trung Hải, can thiệp vào các băng nhóm buôn người, vô hiệu hóa các tàu biển chở người di cư bất hợp pháp, phá vỡ các tổ chức buôn người… Trước khả năng nhập cư bất hợp pháp có thể trở thành cuộc khủng hoảng ngoài tầm kiểm soát, một số quốc gia EU đã áp dụng biện pháp mạnh như Hungary dựng dây thép gai dài 175 km, cao 4 m, trên biên giới với Serbia để chặn dòng người di cư từ các nước Balkan tràn vào.

Tuy nhiên, các nước thành viên EU lại đang mâu thuẫn với nhau trong việc áp dụng chính sách “bàn tay sắt” để đối phó với cuộc khủng hoảng di cư. Trong khi Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius chỉ trích việc Hungary dựng hàng rào dây thép gai nhằm ngăn chặn người di cư thì Thủ tướng Đức Angela Merkel lên án các hành động quá khích nhằm vào người di cư, đồng thời kêu gọi các nước châu Âu phải có một phản ứng thống nhất trước cuộc khủng hoảng di cư chưa từng có và nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai tới nay, xây dựng một hệ thống nguyên tắc chung để bảo vệ các quyền của người di cư.

Chưa tìm được tiếng nói chung, EU rõ ràng gặp rất nhiều khó khăn trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng di cư nhức nhối hiện nay.

Theo Hoàng Hà

An ninh Thủ đô

Nhức nhối khủng hoảng di cư - 2