1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nhộn nhịp “chợ” trứng phụ nữ châu Á ở Mỹ

(Dân trí) - Về mặt giấy tờ, người ta gọi đó là trứng “hiến tặng”. Nhưng nếu đó là một phụ nữ trẻ châu Á, hiến trứng có thể mang về một khoản tiền kha khá, đủ để mua một chiếc xe cũ hay trang trải cho một kỳ tại trường đại học.

Nhộn nhịp “chợ” trứng phụ nữ châu Á ở Mỹ


 Nina Sherman cho biết cô đã hiến trứng 3 lần và nhận được 21.000 USD.
 

Thị trường mua bán trứng cũng chịu tác động như bao mặt hàng khác bởi quy luật cung cầu. Điều này cho phép phụ nữ châu Á ở Mỹ có thể được trả 10.000-20.000 USD cho mỗi lần bán trứng. Trong khi đó, phụ nữ thuộc nhóm thiểu số khác của Mỹ (da màu, gốc Bồ Đào Nha-Tây Ban Nha) thường chỉ được trả khoảng 6.000 USD nếu họ bán được trứng. Nhưng họ thường không bán được, do không có nhu cầu.

 

Giới chức các trung tâm ý tế cho biết việc phụ nữ châu Á được trả giá cao chứng tỏ cung thấp hơn cầu, nghĩa là số lượng cặp đôi châu Á bị hiếm muốn muốn có một đứa con giống họ đang ngày một tăng, trong khi số phụ nữ châu Á sẵn sàng hiến tặng trứng không nhiều.

 

Luật liên bang Mỹ cấm mua bán nội tạng song không cấm bán trứng. Tuy nhiên, các hãng cung cấp trứng thường rất cẩn trọng khi lựa chọn từ ngữ. Họ cho biết không trả tiền để mua trứng mà trả cho thời gian, sự đau đớn và bất tiện người phụ nữ phải trải qua.

 

Laurie Zoloth, giảng viên tại Đại học Northwestern, cho biết: “Phụ nữ nghèo da đen bị trả thấp không phải vì họ chịu ít đau đớn hơn phụ nữ châu Á, Do Thái hay sinh viên tốt nghiệp Standford. Việc trứng được định giá khác nhau phụ thuộc và tầng lớp và sắc tộc là minh chứng rõ nhất cho thấy chủ nghĩa tư bản đã len lỏi vào thị trường tạng người”.

 

Linda Kline, người gốc Việt Nam và Trung Quốc (tên khai sinh là Tran) đùa rằng trứng của cô như “món hàng” quý giá. Nhưng quả thực không có từ nào đúng hơn. Cô cho biết đã hiến trứng 3 lần thông qua hãng Baby Miracles ở San Marcos, California, và được tổng cộng 26.000 USD.

 

“Họ nói với tôi họ tăng gấp đôi tiền hiến tặng cho những người hiến tặng châu Á bởi họ rất cần”, Kline, 26 tuổi, sinh viên ngành kinh doanh tại đại học San Diego Mesa cho hay. “Họ nói tìm người hiến tặng châu Á rất khó”.

 

Roxanne Sarro, giám đốc Baby Miracles, cũng khẳng định điều này. Những người hiến tặng châu Á được trả phí cao hơn, đặc biệt “nếu người đó 100% là người Trung Quốc và thông minh, có điểm toán cao”.

 

Những nhà điều hành trung tâm y tế cho biết với những phụ nữ châu Á, nếu trứng lần đầu được thụ tinh thành công, thì những lần hiến trứng sau, họ sẽ được trả phí cao hơn rất nhiều.

 

Andrew Vorzimer, luật sư chuyên về thuốc hỗ trợ sinh sản, cho biết thị trường trứng nở rộ tại Mỹ. Và cô còn thấy những hợp đồng mà người hiến tặng châu Á nhận được tới 50.000, thậm chí 100.000 USD.

 

Nguyên nhân

 

Các chuyên gia sản khoa cho biết có nhiều lý do trứng của phụ nữ châu Á lại có nhu cầu cao đến vậy, trong đó có cả văn hóa không thích nhận con nuôi của người châu Á. Theo họ, nếu một phụ nữ bị vô sinh, nhiều người sẽ tìm đến cách dùng tinh trùng của chồng kết hợp với trứng hiến tặng để có một em bé ít nhất là mang một nửa dòng máu của họ, hơn là em bé hoàn toàn của người khác.

 

Nhu cầu cũng đặc biệt cao ở các cặp Do Thái. Bởi nhiều người trì hoãn có con để học hành và để tiến thân. Theo một báo cáo của Cộng đồng người Do Thái ở Mỹ, một nửa phụ nữ Mỹ gốc Do Thái có bằng cao đẳng và 21% có bằng đại học. Họ thường kết hôn muộn và vì vậy mà khả năng sinh con thấp.

 

Các chuyên gia cũng cho biết, nguồn cung trứng phụ nữ châu Á thiếu hụt từ nhiều năm nay, nhưng trong những năm gần đây tăng lên bởi hai yếu tố. Yếu tố đầu tiên là sự giàu lên của người Trung Quốc, cho phép ngày càng nhiều cặp đôi tới Mỹ chữa trị (trong đó nhu cầu vào năm nay, năm Rồng, đặc biệt tăng mạnh). Ngoài ra, phụ nữ châu Á hiến chứng không hoàn toàn vì lý do tài chính. Xét về mặt bằng chung, phụ nữ châu Á có lương cao hơn và thường có bằng cấp cao hơn những nhóm phụ nữ khác. Phụ nữ châu Á kiếm nhiều hơn phụ nữ da trắng tới 13%, hơn phụ nữ da đen 31%, hơn phụ nữ Latinh 52%, con số của Bộ Lao động Mỹ cho hay.

 

Vorzimer cho rằng phụ nữ châu Á hiến tặng trứng thường là để trang trải học phí đại học hoặc để có thêm tiền chi trả cho căn nhà đầu tiên.

 

Sau khi chần chừ, Nina Sherman, 25 tuổi, đã hiến trứng 3 lần để lấy 21.000USD. “Tôi 100% là người Philippines. Họ có vẻ như thích điều đó”, sinh viên trường Los Angeles Valley College cho hay.

 

Nhiều người hiến trứng châu Á giống Reina Arai, 27 tuổi, hiện đang theo học bằng thạc sỹ tại đại học Maryland. Cô chưa nói với cha mẹ Nhật-Mỹ của mình về 4 lần hiến trứng. “Nếu họ phát hiện ra có lẽ họ sẽ la lên: “Con đang làm cái trò gì thế?”.

 

Do nhu cầu trứng của phụ nữ châu Á tăng cao, một số công ty còn tìm kiếm nguồn cung cả ở bên ngoài nước Mỹ, như Trung Quốc, Nhật Bản.

 

Tuy nhiên, tình hình lại khác hẳn ở những phụ nữ Mỹ gốc Phi hoặc không có gốc Do Thái. Số lượng người hiến tặng vượt nhu cầu. Fran Williams, chủ Heart to Heart Egg Donations, cho biết các cặp đôi Mỹ gốc Phi không muốn tiêu tốn hàng ngàn đô la vào một em bé chưa có gì đảm bảo. Vì vậy một số công ty hiến tặng thậm chí còn không cho người hiến tặng da đen vào danh sách của họ.

 

Chimere Dickson, 31, người Mỹ gốc Phi, đã đợi 4 năm để được chọn hiến tặng và sau đó được trả 6.000USD cho một lần. “Tôi sẽ đăng ký tiếp. Nhưng tôi không biết có được chọn lại nữa hay không”, cô cho hay.

 

Vũ Quý

Theo LATimes