Nhiều quốc gia gia nhập liên minh chống IS ở Syria
Trong hai ngày cuối tuần, Tunisia và Iraq đã tuyên bố sẵn sàng gia nhập liên minh chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria dưới nhiều hình thức khác nhau. Trong khi đó, Anh cũng đề cập khả năng tham gia vào liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu.
Không quân Nga bắn trúng một căn cứ của IS ở Syria. Ảnh: TASS |
Ngày 3-10, giờ địa phương, Thủ tướng Tunisia Habib Essid cho biết nước này sẽ gia nhập liên minh quân sự do Mỹ cầm đầu nhằm đối phó với IS tại Syria và Iraq, nhưng chủ yếu nhằm "trao đổi thông tin".
Phát biểu với báo giới, Thủ tướng Habib Essid nhấn mạnh, việc tham gia liên minh sẽ cho phép Tunisia nắm được mọi thông tin liên quan đến cuộc chiến chống khủng bố tại nước này. Khi được hỏi liệu Tunisia có tham gia chiến dịch quân sự nào hay không, ông cho rằng trong trường hợp được yêu cầu cung cấp sự hỗ trợ quân sự, Tunis sẽ viện dẫn Điều 77 của Hiến pháp của nước này, theo đó, được phép triển khai quân ra nước ngoài nếu được sự nhất trí của những người đứng đầu quốc hội và chính phủ.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố, Tunisia đã gia nhập liên minh chống IS, cùng với Nigeria và Malaysia, nâng tổng số thành viên của liên minh này lên hơn 60 nước.
Cùng thời điểm trên, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi tuyên bố nước này sẵn sàng cung cấp các thông tin tình báo liên quan đến cuộc chiến chống IS theo đề nghị của Nga, Iran và Syria.
Phát biểu trong một cuộc họp báo, Thủ tướng Haider al-Abadi nhấn mạnh, Iraq đã tham gia vào cuộc chiến chống IS trong hơn một năm qua và nắm trong tay nhiều thông tin tình báo quan trọng, đồng thời cho rằng không có vấn đề nào cản trở việc Nga, Iran và Syria trang bị vũ khí cho quân đội Iraq nhằm chống lại tổ chức khủng bố này. Chính phủ Iraq cũng đã chấp thuận cho Nga được tiến hành các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu IS trên lãnh thổ Iraq.
Trong khi đó, ngày 3-10, Thủ tướng Anh David Cameron cho biết, nước này sẽ bỏ phiếu tại Quốc hội để phê chuẩn hành động quân sự chống IS tại Syria. “Việc Anh tiến hành các cuộc không kích tại Syria nhằm vào IS có khả năng sẽ diễn ra”, tờ nhật báo Điện tín dẫn lời Thủ tướng Cameron. Tuy nhiên, nguồn tin này cũng nhắc lại sự thất bại của ông Cameron khi không được Quốc hội phê chuẩn việc tiến hành hành động quân sự ở Syria vào năm 2013.
Việc ngày càng có nhiều quốc gia tham gia vào liên minh chống IS cho thấy cộng đồng quốc tế quyết tâm loại bỏ các hành động cực đoan, khủng bố ra khỏi đời sống xã hội. Điều đáng nói, trên một mặt trận chống IS ở Syria đang tồn tại hai liên minh quân sự.
Hiện nay, liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu đang tiến hành không kích tại Syria. Trong khi đó, lực lượng không quân Nga bắt đầu thực hiện các cuộc không kích nhằm vào IS từ ngày 30-9, sau khi Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga phê chuẩn quyết định theo đề nghị của chính quyền Syria.
Có nhiều phản ứng khác nhau trước động thái quân sự của Nga ở Syria sau 4 ngày không kích liên tiếp vào các căn cứ trọng điểm của IS. Ngày 4-10, Thủ tướng David Cameron khẳng định rằng, việc Tổng thống Nga Vladimir Putin quyết định “hành động quân sự tại Syria để hỗ trợ Tổng thống Syria Bashar al-Assadlà một sai lầm khủng khiếp” và sẽ khiến khu vực trở nên bất ổn hơn.
Về phần mình, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng Nga đang không phân biệt được đâu là các phần tử IS và đâu là những chiến binh nổi dậy ôn hòa tại Syria, điều này sẽ dẫn đến “thảm họa”.
Tuy nhiên, ông Obama cũng khẳng định, Mỹ và Nga sẽ không tiến hành một “cuộc chiến tranh ủy nhiệm” do những lập trường khác biệt nhau về cuộc nội chiến hiện nay ở Syria và Washington vẫn có thể làm việc với Mátxcơva để giảm bớt căng thẳng.
Bất chấp những cáo buộc trên, các cuộc không kích của Nga đã có được kết quả nhất định. Theo Cục trưởng Cục tác chiến thuộc Bộ Tổng tham mưu Các Lực lượng vũ trang Liên bang Nga, Tướng Andrei Kartapolov, các cuộc không kích của Nga đã buộc những chiến binh IS tháo chạy khỏi các khu vực do lực lượng này kiểm soát.
Sắp tới, Nga sẽ mở rộng hoạt động không kích, trước tiên là các kho đạn dược, sở chỉ huy, trung tâm thông tin, trung tâm đào tạo đánh bom tự sát và trại huấn luyện chiến binh của phiến quân.
Rõ ràng bước đi của Nga đang đạt được những kết quả nhất định trong khi cuộc chiến chống IS của liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu kéo dài hơn 1 năm qua nhưng chưa đạt được kết quả. Đó cũng chính là lý do vì sao nhiều nước bày tỏ sẵn sàng đồng hành với Mátxcơva trong cuộc chiến chống IS.
Theo Bình Nguyên
Quân đội Nhân dân