1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Nhiều nước thay đổi chiến lược tiêm vaccine Covid-19 theo hướng "cây gậy và củ cà rốt"

Dễ lây lan như thủy đậu, có thời gian lây truyền dài hơn so với chủng ban đầu và có thể khiến người già ốm nặng hơn ngay cả khi đã được tiêm phòng đầy đủ, biến thể Delta đang khiến nhiều nước phải thay đổi chiến lược tiêm vaccine ngừa Covid-19.

Nhiều nước thay đổi chiến lược tiêm vaccine Covid-19 theo hướng cây gậy và củ cà rốt - 1

Tiêm vaccine Covid-19 tại Nga (Ảnh: Rykov).

Theo thống kê mới nhất của chuyên trang Our World in Data, dù tốc độ tiêm chủng đã tăng trong những tuần gần đây, song tới nay mới chỉ có 28,2% dân số thế giới đã được tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19. Việc thuyết phục những người còn do dự tiêm vaccine đang trở thành ưu tiên cấp bách hàng đầu của nhiều quốc gia.

"Đáng lẽ con nên tiêm vaccine" - đây là dòng tin nhắn cuối cùng mà anh Michael Freedy 39 tuổi, vừa qua đời chỉ sau 2 tuần mắc Covid-19, để lại cho mẹ và vợ con. Michael Freedy nằm trong số gần 40% người dân Mỹ chưa tiêm vaccine ngừa Covid-19 và theo chia sẻ của người vợ, gia đình họ muốn đợi một năm sau khi vaccine được đưa vào sử dụng rồi mới quyết định chủng ngừa, để xem vaccine ảnh hưởng thế nào đến mọi người.

Nếu như cách đây chưa đầy một tháng, xứ cờ hoa tưởng chừng đã thoát khỏi đại dịch, thì giờ đây, tỷ lệ số ca bệnh mới gia tăng làm trì hoãn các kế hoạch mở cửa trở lại, đồng thời đe dọa một làn sóng Covid-19 mới. Hiện cả vợ và đứa con 17 tuổi của Freedy đều đã được tiêm chủng ngừa và họ đang tích cực kêu gọi mọi người tiêm vaccine ngay để không phải trải qua mất mát như họ đang gánh chịu.

Biến thể Delta nguy hiểm và dễ lây lan hơn, trong khi tốc độ tiêm chủng giảm mạnh tới 80% đã buộc chính quyền liên bang phải có sự thay đổi trong chiến lược tiêm chủng. Tổng thống Joe Biden mới đây thông báo, tất cả nhân viên dân sự liên bang phải tiêm vaccine Covid-19, nếu không sẽ bị buộc xét nghiệm thường xuyên, giãn cách xã hội, đeo khẩu trang và hạn chế di chuyển.

Ông Joe Biden cũng kêu gọi chính quyền tiểu bang và các địa phương phát 100 USD cho những người chấp nhận tiêm chủng: "Khi nhiều người được chủng ngừa hơn, chúng ta cũng được bảo vệ tốt hơn. Những gì đang xảy ra ở Mỹ hiện nay là một đại dịch, một đại dịch của những người chưa được tiêm chủng. Đây không phải là vấn đề của đảng Cộng hòa hay đảng Dân chủ, mà là vấn đề giữa sự sống và cái chết. Quyết định của bạn không tiêm chủng ngừa Covid-19 sẽ ảnh hưởng đến người khác. Những người không được chủng ngừa sẽ lây lan virus."

Mỹ không phải là quốc gia đầu tiên trên thế giới thực hiện chiến lược "cây gậy và củ cà rốt" nhằm thúc đẩy việc tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19. Tại Pháp, người dân giờ phải có "thẻ y tế" chứng minh đã tiêm chủng hoặc có xét nghiệm âm tính mới có thể đi vào hầu hết địa điểm trong nhà như nhà hàng, quán bar. Tương tự tại Đức và Italy, người dân phải có tài liệu chứng minh đã tiêm chủng hoặc âm tính với virus SARS-CoV-2 mới có thể ăn tối tại nhà hàng trong nhà.

Theo người đứng đầu cơ quan khẩn cấp Tổ chức Y tế Thế giới Mike Ryan, bản thân virus SARS-CoV-2 ngay khi mới bùng phát đã là một virus nguy hiểm, trong khi biến thể Delta lại có khả năng lây truyền cao hơn gấp đôi so với chủng gốc.

Vì vậy các quốc gia bắt buộc phải tuân theo các biện pháp y tế công cộng như thực hành giãn cách xã hội và đeo khẩu trang, song song với việc tăng cường phân phối vaccine trên khắp thế giới, đặc biệt là ở những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất.

Ông Ryan nói: "Không có viên đạn vàng hay đạn bạc. Cũng không có phép màu. Phép màu duy nhất mà chúng ta có là tiêm phòng. Vấn đề là chúng ta không chia sẻ một cách đồng đều trên toàn thế giới. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là việc tiêm chủng không diễn ra đồng đều trên toàn thế giới. Vì vậy, từ góc độ nào đó, Delta là một lời cảnh báo rằng virus vẫn đang thay đổi. Đó cũng là lời kêu gọi chúng ta phải hành động ngay bây giờ, trước khi các biến thể nguy hiểm hơn xuất hiện".

Tiến sĩ Bruce Aylward, cố vấn cấp cao của Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới thì cho rằng, vaccine cần được bao phủ khoảng 70% dân số toàn cầu để thực sự làm chậm được tốc độ lây truyền, cũng như giảm nguy cơ xuất hiện các biến thể mới. Tuy nhiên, với xu hướng hiện tại, các chuyên gia y tế không mấy lạc quan khi cảnh báo đây sẽ không phải biến thể cuối cùng của virus SARS-CoV-2.