1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nhiều nước sợ làm ăn với Trung Quốc chứ không riêng Việt Nam

Dư luận trong nước đang rất bức xúc việc một công ty Trung Quốc trúng thầu đường ống nước Sông Đà số 2...

...Việt Nam đang trực tiếp bị Trung Quốc uy hiếp trên biển và lĩnh vực kinh doanh. Phản ứng của người dân như thế là hết sức bình thường. Ngay cả những nước cách Trung Quốc rất xa về mặt địa lý cũng đề cao cảnh giác trước các khoản đầu tư của các công ty Trung Quốc.

Khi âm mưu của Trung Quốc bị bại lộ

Mới đây nhất là trường hợp của Úc. Ngày 18-3 vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Úc Scott Morrison thông báo, kể từ ngày 31-3 tới đây, mọi dự án bán hoặc cho thuê các hạ tầng cơ sở quan trọng gồm cảng, sân bay, mạng lưới điện… cho giới đầu tư tư nhân nước ngoài đều phải xin ý kiến Hội đồng Thẩm định Đầu tư ngoại quốc của chính quyền liên bang Úc.

Nhiều nước sợ làm ăn với Trung Quốc chứ không riêng Việt Nam - 1

Sở dĩ có cảnh báo trên là vụ vùng lãnh thổ phía bắc của Úc đồng ý cho một tập đoàn Trung Quốc thuê cảng Darwin. Hợp đồng được ký kết từ tháng 10-2015 nhưng nay lại trở thành vấn đề thời sự bởi theo những thông tin mới được tiết lộ thì cảng Darwin lọt vào vòng kiểm soát của một công ty Trung Quốc, trên danh nghĩa là tư nhân, nhưng lại rất gần gũi với Bộ Quốc phòng Trung Quốc.

Vụ việc này đã bị đồng minh của Úc là Mỹ bất bình, thậm chí phê phán đồng minh Úc là thiếu cẩn trọng. Vụ Úc cho Trung Quốc thuê cảng Darwin coi như đã xong không thể hồi tố như nhật báo The New York Times của Mỹ số ra ngày 21-3, đã phân tích trở lại tác động của thương vụ, trong đó chính quyền lãnh thổ phía bắc của Úc đã cho Tập đoàn Landbridge của Trung Quốc thuê cảng Darwin trong thời hạn 99 năm với giá chỉ hơn 360 triệu USD.

Quốc vụ khanh đặc trách Quốc phòng Úc Dennis Richardson thì bác bỏ những lời chỉ trích của Mỹ, theo đó việc một hãng Trung Quốc làm chủ cảng Darwin sẽ cho phép nước này do thám các động tĩnh của lực lượng Mỹ và Úc rất đông ở khu vực này. Theo New York Times, Trung Quốc hoàn toàn có thể tìm ra những gì họ muốn chỉ bằng cách “ngồi trên một chiếc ghế tại một quán cóc trên bến tàu” và ghi nhận các chiến hạm đi vào cảng.

Ngoài ra, cảng Darwin là cửa ngõ chiến lược mở ra Biển Đông, nơi Trung Quốc đang thách thức Mỹ và là nơi đồn trú của 2.500 lính Thủy quân Lục chiến Mỹ sẽ được luân phiên triển khai tại Darwin và liên tục thao dượt tại đây.

Giới phê phán quyết định của Úc cho hãng Trung Quốc thuê căn cứ Darwin đã ví von rằng, Trung Quốc đã mua được một chỗ ngồi ở hàng ghế thứ nhất để do thám các hoạt động của Hải quân Mỹ và Úc. Phát biểu nhân một cuộc điều tra của Quốc hội Úc, Peter Jennings, một cựu quan chức quốc phòng hiện là Giám đốc Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI) khẳng định: “Trung Quốc có một sự chú ý sâu sắc đến việc tìm hiểu xem các lực lượng quân sự phương Tây hoạt động như thế nào, ngay cả trong những chi tiết nhỏ nhặt nhất như cho một con tàu hoạt động ra sao, chất hàng và bốc dỡ hàng như thế nào, các loại tín hiệu mà tàu sẽ phát ra thông qua một loạt thiết bị cảm biến và hệ thống là gì”.

Trung Quốc đã đầu tư vào hơn hai chục cảng nước ngoài trên toàn thế giới, trong đó có một cảng ở Djibouti, sát một căn cứ quân sự của Mỹ. Thế nhưng, với việc thuê cảng Darwin trong 99 năm, đây là lần đầu tiên Trung Quốc đã mua được một hải cảng của một đồng minh thân cận của Mỹ, đang cho quân đội Mỹ đồn trú.

Theo New York Times, các quan chức Mỹ cho việc Hãng Landbridge của Trung Quốc thuê cảng Darwin là một động thái chiến lược, chứ không phải là một thỏa thuận thương mại thuần túy. Họ nêu bật độ dài của hợp đồng thuê - lên đến 99 năm - và việc Công ty Landbridge đã đề nghị mức giá thuê cao hơn 20% so với hai nhà đấu thầu gần nhất.

Bản thân người dân Úc cũng lo ngại. Một cuộc thăm dò dư luận tại Úc nhưng do Mỹ thực hiện, đã cho thấy là gần một nửa cho rằng, việc cho thuê đặt ra “rất nhiều rủi ro” cho an ninh quốc gia và 9/10 người cho biết, điều đó hàm chứa ít nhất một số rủi ro.

Khi cảm thấy giật mình trước ý đồ của Trung Quốc, hồi tháng 11-2015, với lý do bảo vệ lợi ích quốc gia, Chính phủ Úc đã ra lệnh cấm bán một trang trại lớn nhất nước cho các nhà đầu tư Trung Quốc. Dự án bị cấm lần này liên quan đến Công ty S. Kidman an CoLtd, được thành lập từ năm 1899. Tập đoàn này là nhà chăn nuôi lớn nhất Úc, với 185.000 đầu gia súc và sở hữu 2,5% diện tích đất nông nghiệp của cả nước, khoảng trên 101.000km2.

Theo báo chí Úc, đế chế nông nghiệp này của Úc đang được hai tập đoàn Trung Quốc Genius Link Group và Shanghai Pengxin ngấp nghé trả giá khoảng gần 300 triệu USD.

Trung Quốc vung tiền mua chuộc cả châu Âu

Không chỉ có Úc và Mỹ, hồi đầu năm 2015, Hy Lạp cũng không muốn nhượng hẳn cảng Pirée cho Trung Quốc. Cảng biển này đã được chính phủ tiền nhiệm của Thủ tướng Tsipras ký bán cho Trung Quốc nhưng ngay khi lên nắm quyền, Chính phủ Tsipras đã loan báo rằng, nhà nước vẫn là sở hữu chủ của công ty cảng Pirée (OLP).

Cảng Pirée, hải cảng lớn nhất Hy Lạp, là một trong những ngõ vào châu Âu bằng đường biển. Chính phủ của Thủ tướng Tsipras không muốn nhượng lại cơ sở hạ tầng mang tính chiến lược này.

Cuối tháng 1-2015, Thủ tướng Pháp, Manuel Valls đã có chuyến công du tới Bắc Kinh nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại song phương, đồng thời thu hút các nhà đầu tư Trung Quốc ngày càng quan tâm tới châu Âu. Thế nhưng, tại Pháp, đầu tư Trung Quốc lại là một chủ đề chính trị khá nhạy cảm.

Sự kiện gây lo lắng trong dư luận Pháp là việc tư nhân hóa sân bay Toulouse. Trước đó, Club Med, một hãng lữ hành Pháp, cũng đã rơi vào tay tập đoàn Fosan của Trung Quốc. Nhưng chưa hết, trong giới thể thao, câu lạc bộ bóng đá FC Sochaux thuộc Tập đoàn Peugeot, cũng có khả năng bị LED Ledus của Trung Quốc mua lại. Hay gần đây, một công ty sản xuất đèn LED khác, Bắc Kinh Shenan, cũng vừa ký hợp đồng mở một nhà máy sản xuất tại Verdun bắt đầu từ năm 2016.

Trong chiến dịch đầu tư ra nước ngoài, châu Âu là mục tiêu quan trọng của Trung Quốc. Khủng hoảng đang hoành hành tại châu Âu hiện nay đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Trung Quốc can thiệp. Không chỉ mua đứt, họ còn quan tâm tới xây dựng các khu vực mới hay trùng tu các cơ sở đã tồn tại.

Khoảng 150 hợp đồng đã được ký kết năm 2014 với số tiền lên tới 18 tỉ USD, gấp đôi so với năm 2013, trong đó, khoảng 10 hợp đồng liên quan tới Pháp. Có thể kể tới việc China Huaxin mua lại Tập đoàn Alcatel-Lucent hay Jin Jiang International mua lại tập đoàn Louvre Hôtels quản lý các chuỗi khách sạn như Campanille, Première Classe, Kyriad, Tulip… Ngoài ra, phải kể tới việc Quỹ China Investment Corporation đang nắm 30% hoạt động khai thác và sản xuất của công ty sản xuất khí đốt Pháp, GDF Suez.

Nhìn qua Đông Âu, tại thượng đỉnh kinh tế Trung Quốc - Đông Âu tháng 12-2014 tại Beograd, Serbia, Thủ tướng Lý Khắc Cường đề ra nhiều dự án hợp tác hàng tỉ USD mà mục tiêu là để xuất khẩu hàng Trung Quốc. Theo tuyên bố của ông Lý Khắc Cường, Trung Quốc đề nghị xây một đường xe lửa nối liền Budapest, thủ đô Hungary, đến thủ đô Beograd của Serbia và dẫn đến cảng Pyrée của Hy Lạp. Mục tiêu không nói ra của Lý Khắc Cường là để hàng hóa của Trung Quốc từ Hoa lục đưa sang cảng Hy Lạp, lên bờ, và dùng đường xe lửa để qua Đông - Trung Âu.

Tuy nhiên, tại Mỹ thì khó khăn hơn, chủ trương bảo hộ của Mỹ đã phần nào ngăn lại tham vọng của Trung Quốc. Năm 2005, CNOOC đành phải rút lui, không mua được Công ty Dầu lửa Unocal; năm 2008 chính quyền liên bang Mỹ không cho Hoa Vi mua lại 3Com và mới đây, chuỗi khách sạn Starwood đã chọn lựa đồng hương Marriott thay vì bán lại cho nhóm Angbang của Trung Quốc. Tuy vậy, đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ cũng đã tăng 30% so với năm 2014 và sẽ còn tiếp tục tăng.

Theo nhà phân tích Christine Lambert-Goué của Ngân hàng Invest Securities, nếu cách đây 4 năm, người Trung Quốc chủ yếu mua các công ty trong lĩnh vực nguyên vật liệu, thì nay họ đã đa dạng hóa, từ nông sản thực phẩm, địa ốc cho đến công nghệ.

Theo S. Phương (tổng hợp)

PetroTimes