1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nhiều nước căng mình ngăn thảm kịch như Ấn Độ

Minh Phương

(Dân trí) - Không chỉ Ấn Độ, nhiều nước trên thế giới cũng vật lộn đối phó với đợt bùng dịch mạnh và đang phải gồng mình để tránh thảm kịch tương tự.

Nhiều nước căng mình ngăn thảm kịch như Ấn Độ - 1

Các thành viên trong gia đình thương tiếc một nạn nhân qua đời vì Covid-19 tại thủ đô Kathmandu Nepal (Ảnh: Reuters).

Nhiều nước bùng dịch mạnh

Tại tỉnh Sohag, miền Nam Ai Cập, một điểm nóng bùng dịch của nước này, các bệnh viện đều quá tải bệnh nhân Covid-19. Các bác sĩ cảnh báo, hệ thống y tế ở đây có thể sụp đổ bất chấp việc chính phủ hỗ trợ khẩn cấp vật tư y tế.

'Theo ước tính của tôi, gia đình nào ở Sohag cũng có người mắc Covid-19. Chúng tôi mất 5 bác sĩ chỉ trong một tuần", Tiến sĩ Mahmoud Fahmy Mansour, chủ tịch hội bác sĩ tỉnh Sohag, cho biết. Ông cho rằng, kịch bản tương tự Ấn Độ hoàn toàn có thể xảy ra.

Thay vì áp các lệnh phong tỏa mới, chính phủ Ai Cập trong tuần này chỉ công bố các lệnh hạn chế mới, yêu cầu các cơ sở kinh doanh không thiết yếu đóng cửa trước 9h tối, cấm tụ tập đông người trong 2 tuần, đóng cửa các bãi biển, công viên trong dịp lễ Eid el-Fitr đánh dấu kết thúc tháng Ramadan của người Hồi giáo.

Lệnh hạn chế được ban bố trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 tăng mạnh trở lại. Kể từ đầu tháng 2, trung bình mỗi ngày Ai Cập ghi nhận số ca mắc Covid-19 tăng gấp đôi lên hơn 1.000 ca/ngày và còn tiếp tục tăng. Ai Cập đã ghi nhận tổng cộng hơn 234.000 ca mắc, trong đó gần 14.000 người chết. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, con số thực tế có thể cao hơn nhiều so với thống kê. Dịch bùng phát mạnh trở lại do nhiều hàng quán vẫn mở cửa, tiệc tùng, những sự kiện tập trung đông người vẫn diễn ra bất chấp lệnh cấm của chính phủ.

Ai Cập không phải là nước duy nhất đối mặt với tình trạng này. Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom cho biết, tổng số ca mắc mới Covid-19 toàn cầu trong 2 tuần qua nhiều hơn số ca của 6 tháng đầu tiên bùng dịch.

Ấn Độ và Brazil chiếm phần lớn số ca mắc Covid-19 trong đợt bùng dịch mới này, nhưng nhiều nước trên thế giới cũng phải vật lộn đối phó với làn sóng Covid-19 mới. "Những gì đang xảy ra ở Ấn Độ và Brazil có thể xảy ra bất cứ đâu trên thế giới trừ khi tất cả chúng ta tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng ngừa", ông Tedros nói.

Ấn Độ đang phải vật lộn với làn sóng Covid-19 nghiêm trọng chưa từng có với hàng trăm nghìn ca mắc mới và hàng nghìn người tử vong vì Covid-19 mỗi ngày trong khoảng 2 tuần trở lại đây.

Trong khi những nước giàu có rục rịch mở cửa trở lại sau khi tiêm chủng cho phần lớn dân số, thì ở những nước mà tốc độ tiêm chủng còn hạn chế, chính phủ buộc phải tính đến biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn dịch lây lan, song vẫn không thể loại bỏ được hoàn toàn nguy cơ lặp lại thảm kịch của Ấn Độ.

Tại Nepal, nước có đường biên giới chung với Ấn Độ, số ca mắc và tử vong vì Covid-19 bắt đầu tăng tốc, đẩy hệ thống y tế ở đây đến bờ vực sụp đổ. Từ trung bình chưa đầy 200 ca mắc/ngày, hiện giờ Nepal ghi nhận hàng nghìn ca. Hôm 6/5, Nepal có thêm hơn 9.000 ca mắc mới, cao nhất kể từ khi dịch bùng phát. Đến nay, Nepal đã có hơn 3.500 người chết vì Covid-19.

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, kể từ đầu tháng 3, số ca mắc mới tăng gần 6 lần, lên mức kỷ lục hơn 60.000 ca/ngày. Chính phủ nước này buộc phải ban bố phong tỏa toàn quốc 3 tuần kể từ ngày 29/4, nhưng vẫn cho phép hàng triệu lao động trong một số lĩnh vực kinh tế đi làm bình thường.

Số ca mắc mới ở Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu giảm nhưng giới chuyên gia y tế kêu gọi chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu ngừng toàn bộ dịch vụ không thiết yếu trong vòng 1 tháng. Đến nay chỉ khoảng 10 triệu người trong tổng số hơn 80 triệu dân của Thổ Nhĩ Kỳ được tiêm chủng đầy đủ.

Các nước như Nam Phi, Pakistan cũng đang đối mặt với một đợt bùng dịch mới với số ca mắc Covid-19 tăng mạnh.

Thảm kịch Ấn Độ có thể lặp lại ở Indonesia

Nhiều nước căng mình ngăn thảm kịch như Ấn Độ - 2
Một cuộc đại di cư sắp diễn ra ở Indonesia bất chấp dịch bùng phát (Ảnh: Reuters).

Giới chuyên gia cảnh báo, Indonesia có nguy cơ rơi vào thảm kịch tương tự Ấn Độ bởi làn sóng di cư khổng lồ bắt đầu trong tháng này.

Chính phủ Indonesia đã ban bố lệnh cấm di chuyển để hạn chế người dân di cư ồ ạt trước thềm lễ hội Eid ul-Fitr vào giữa tháng này đánh dấu chấm dứt tháng Ramadan của người Hồi giáo. Tuy vậy, người dân đã bắt đầu rục rịch di chuyển.
Hàng năm, vào cuối tháng Ramadan, hàng triệu người ở thủ đô Jakarta và các vùng khác sẽ di chuyển về quê nhà bằng các phương tiện khác nhau để nghỉ lễ Eid ul-Fitr. Đây là dịp họ đổ xô về quê, thăm viếng bạn bè, người thân.

Theo khảo sát của Bộ Giao thông Vận tải Indonesia, bất chấp lệnh cấm, ước tính 18 triệu người dân của nước này sẽ đổ về quê, chủ yếu bằng ô tô và xe máy và chủ yếu đến Trung Java, Tây Java và Đông Java.

Làn sóng di cư khổng lồ này làm dấy lên lo ngại dịch bùng phát mạnh hơn nữa khi hiện tại Indonesia ghi nhận trung bình 5.000 ca mắc/ngày và đặc biệt đáng lo ngại khi Indonesia đã ghi nhận sự xuất hiện của các biến chủng SARS-CoV-2 được cho là dễ lây lan hơn.

"Các biến chủng mới đã được phát hiện ở Indonesia. Những biến chủng này dễ lây lan hơn và có thể làm giảm hiệu quả của vắc xin hoặc kháng thể của con người. Điều này có nghĩa là những người từng mắc Covid-19 vẫn có thể tái nhiễm. Đó là lý do tại sao thời điểm lễ hội năm nay tiềm ẩn nhiều rủi ro", Dicky Budiman, chuyên gia dịch tễ tại Đại học Australia, cảnh báo. Theo một số chuyên gia, thảm kịch hiện nay ở Ấn Độ một phần lớn là do các sự kiện tụ tập đông người như lễ hội tôn giáo vẫn diễn ra giữa lúc đại dịch chưa được kiểm soát.

Indonesia là một trong những quốc gia đầu tiên ở châu Á khởi động chương trình tiêm chủng đại trà vắc xin Covid-19, song các chuyên gia cảnh báo tốc độ tiêm chủng hiện chậm hơn so với tính toán nên nước này chưa thể nới lỏng các biện pháp hạn chế.