1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nhiều người trẻ Trung Quốc khốn khổ vì vay tiền qua app lãi suất "cắt cổ"

Đức Hoàng

(Dân trí) - Nhiều người trẻ tuổi ở Trung Quốc đối mặt với các khoản nợ chồng chất do hậu quả của sự bùng nổ các nền tảng cho vay trực tuyến lãi cao, dù Bắc Kinh đã có các động thái rắn với những hệ thống này.

Nhiều người trẻ Trung Quốc khốn khổ vì vay tiền qua app lãi suất cắt cổ - 1

(Ảnh minh họa: Bloomberg).

Theo Bloomberg, 36 triệu sinh viên đại học Trung Quốc đang phải học cách sống mà không có những khoản vay tín dụng dễ dàng.

Tháng trước, chính quyền Trung Quốc đã siết chặt hoạt động của các nền tảng cho vay trực tuyến, vốn bùng nổ ở quốc gia tỷ dân một thời với hàng loạt các ứng dụng vay nóng, các bên cho vay không bị chính quyền kiểm soát. Bắc Kinh yêu cầu các nền tảng trên mạng internet ngừng cung cấp các khoản vay trực tuyến cho sinh viên. Các ngân hàng sẽ cần phải xin phép trước khi thúc đẩy các khoản vay như vậy trong các trường đại học.

Động thái của Trung Quốc là một phần của nỗ lực pháp lý quy mô lớn để hạn chế sự mở rộng của các ứng dụng cho vay dạng trên và để đối phó với những hành vi lạm dụng mà bên chủ nợ thực hiện với các con nợ là sinh viên và người trẻ tuổi.

Trước đó, với các khoản vay ngắn hạn cho sinh viên, các bên cho vay thường không thực hiện việc xem xét khả năng chi trả của người vay. Khoản lãi suất của những món tiền vay này thường rơi vào 15-24% mỗi năm.

Tuy nhiên, trong một vài năm qua, truyền thông Trung Quốc đã đưa tin về hàng loạt hệ lụy liên quan tới các khoản vay này, trong đó có những vụ việc gây "sốc" khi chủ nợ dùng mọi biện pháp đe dọa để đòi được tiền, thậm chí bằng cách ép nạn nhân phải bán dâm để trả nợ.

Nợ chồng nợ

Việc chính phủ Trung Quốc mạnh tay với các loại hình vay trực tuyến lãi cao  khiến nhiều người trẻ tuổi hoang mang với khoản nợ chồng chất mà họ đang phải gánh.

Dù đã làm thêm tới 2 công việc bán thời gian, Rachel Chen, sinh viên 21 tuổi ở tỉnh Tứ Xuyên, vẫn chưa thể hình dung được cô sẽ phải làm như thế nào để trả món nợ trực tuyến hơn 7.600 USD.

"Tôi thường vay ở một nền tảng để trả nợ ở một nền tảng khác nhằm tránh vỡ nợ nhưng giờ tôi không thể vay thêm nữa. Tôi đã thú nhận với bố mẹ mình, nhưng họ sẽ chỉ giúp tôi trả một nửa số nợ nên tôi phải tìm cách giải quyết phần còn lại", Chen cho biết.

Chen hiện kiếm được 2.000 nhân dân tệ mỗi tháng (305 USD) nhưng số tiền hàng tháng cô phải trả là 5.000 tệ.

Việc các nền tảng cho vay trực tuyến vốn từng phát triển ồ ạt với số lượng lớn nay bị đưa vào tầm ngắm hạn chế, khiến nhiều người trẻ tuổi như Chen chịu thêm hàng loạt áp lực vì thói quen vay tín dụng dễ dàng trong quá khứ.

Zhang Chunzi, một nhân viên 25 tuổi tại một công ty về ngoại thương ở Hàng Châu, vẫn còn đang nợ 150.000 tệ (gần 23.000 USD) từ hàng chục ứng dụng cho vay trực tuyến.

Zhang, người mất việc vào tháng 2 năm ngoái vì đại dịch, và tìm được việc mới vào tháng 6 cùng năm, kiếm được 6.000 tệ mỗi tháng sau khi trừ đi thuế.

"Tôi bị các chủ nợ nhắn tin và gọi điện mỗi ngày. Thật đáng sợ", Zhang thú nhận. Hầu hết mọi nỗ lực của cô nhằm thương lượng với chủ nợ để hạ lãi suất đều bị từ chối và các nhân viên thu nợ bắt đầu gọi điện cho công ty mới của cô để gây áp lực.

Zhang không phải là trường hợp cá biệt. Trước khi Trung Quốc ban hành lệnh hạn chế mới với các nền tảng cho vay trực tuyến, nhiều con nợ trẻ tuổi của Trung Quốc đã lập các nhóm trên mạng xã hội. Ví dụ, trên nền tảng trực tuyến Douban, nhóm "Liên minh các con nợ" đã có tới 41.000 thành viên, tăng hơn gấp đôi sau dịch Covid-19. Tại nhóm này, các thành viên chia sẻ kinh nghiệm để đối phó với những cuộc điện thoại đòi tiền đầy đe dọa của nhân viên thu nợ, cách để xoa dịu sự lo lắng và cảm giác tội lỗi vì đã lỡ sa chân thành con nợ.

Vòng luẩn quẩn

Những người trẻ tuổi ở Trung Quốc sinh ra trong thời kỳ kinh tế nước này tăng trưởng nhanh với kỳ vọng cao về mức lương "béo bở" trong tương lai. Theo nghiên cứu của công ty McKinsey & Co., so với thế hệ đồng trang lứa ở nước ngoài và các thế hệ người Trung Quốc trước đây, nhóm này lạc quan hơn và có khả năng chi tiêu nhiều hơn.

Họ được xem là mục tiêu của giới truyền thông và tiếp thị như là động lực tăng trưởng tiêu dùng nội địa thế hệ kế tiếp.

Sự bùng nổ của các khoản vay tín dụng dễ dàng từ các nền tảng mạng xã hội tới thương mại điện tử giúp rút ngắn khoảng cách giữa phong cách sống mà họ mong muốn với tình hình tài chính thực tế. Ví dụ, Chen chi hầu hết các khoản vay để mua các mặt hàng mỹ phẩm y tế như botox làm căng da, cũng như mua mỹ phẩm và quần áo.

Do các nền tảng này hoạt động âm thầm, ngoài tầm kiểm soát, nên việc thống kê chính xác số lượng nền tảng cho vay trực tuyến không phải là điều dễ dàng. Thống kê của Bloomberg cho thấy có khoảng 7.000 nền tảng cho vay ở Trung Quốc, cao hơn nhiều so với số lượng ngân hàng truyền thống.

Với những người đang mắc nợ như Zhang và Chen, các khoản vay giống như vòng luẩn quẩn khiến họ không thể thoát ra ngoài. Họ có thể vay dễ nhưng trả thì rất khó vì lãi suất cao khiến cho họ trả liên tục nhưng vẫn không thể hết nợ. Các chuyên gia cảnh báo rằng những khoản vay kiểu như thế này sẽ ảnh hưởng chủ yếu tới giới trẻ, những người hầu như không có tiền tiết kiệm.

Giờ đây, những con nợ như Zhang và Chen sẽ phải tự tìm cách đối phó với các chủ nợ, dù họ chưa biết sẽ giải quyết vấn đề như thế nào.