Nhiều dự án Trung Quốc ở nước ngoài "thúc đẩy tham nhũng"
"Trong những đại dự án Trung Quốc (TQ) đầu tư ra ngoài trong vòng 15 năm lại đây, có những công trình của TQ tạo ra nhiều vấn đề" - TS Trương Minh Huy Vũ.
LTS: Thời gian vừa rồi, nền kinh tế Trung Quốc liên tục có những biến động như sự chao đảo thị trường chứng khoán, việc phá giá đồng Nhân dân tệ. Đối với một quốc gia đang lên, có ảnh hưởng toàn cầu như TQ, bất kỳ biến động nào cũng sẽ có tác động sâu sắc đến thị trường quốc tế, khu vực và đặc biệt Việt Nam, quốc gia láng giềng có nhiều quan hệ thương mại với TQ.
Chúng tôi cùng trao đổi với hai chuyên gia kinh tế: TS Phạm Sỹ Thành, GĐ Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc Trường ĐH Quốc gia HN; TS Trương Minh Huy Vũ, GĐ Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS) thuộc ĐH Khoa học Xã hội – Nhân văn TP HCM.
'Bong bóng' kinh tế TQ là hiện tượng phi ý chí
Nhà báo Hoàng Hường: Ông có bình luận gì về những biến động của nền kinh tế TQ trong thời gian gần đây?
TS Phạm Sỹ Thành: Theo tôi sự sụt giá với biên độ rất lớn của thị trường TQ trong 3 đợt vừa qua có rất nhiều nguyên nhân, tuy nhiên tôi cho rằng có một nguyên nhân chính từ nội tại của nền kinh tế TQ. Đầu tiên là toàn bộ sự phát triển nóng của nền chứng khoán TQ và hiện tượng bong bóng là hiện tượng phi ý chí.
Vấn đề ở chỗ là chứng khoán Trung Quốc không có bất cứ quan hệ gì với phát triển kinh tế thực của Trung Quốc, nền sản xuất thực. Thông thường phát triển nóng khi mà kinh tế đang tăng trưởng tốt, hoặc là triển vọng tăng trưởng mạnh.
Tuy nhiên, một năm vừa qua triển vọng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc rất ảm đảm và ‘sự phát triển’ liên quan đến sự thúc đẩy thổi bong bóng một cách phi thị trường, hành chính của chính quyền. Những cơ quan ngôn luận chính thức của Trung Quốc như Nhân dân Nhật báo hay Tân Hoa Xã từ tháng 3 năm ngoái cũng đã gia nhập trào lưu đưa ra những bài phân tích cổ vũ việc mua, chơi chứng khoán.
Ngoài ra, còn vấn đề nữa là sự xuất hiện nhiều nhà đầu tư tư nhân sau những cỗ vũ đó cũng là nguyên nhân khiến thị trường thành ‘bong bóng’. Khi xảy ra vấn đề thì xung đột nhanh chóng do tâm lý bầy đàn và số lượng nhà đầu tư đông.
Khác với những quốc gia khác, vai trò của quỹ đầu tư Trung Quốc rất hạn chế, thị trường phân tán bởi rất nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ, rất khó kiểm soát. Về mặt kỹ thuật, nguyên nhân chính là do Trung Quốc chưa không có nghiệp vụ bản khống, khiến cho bong bóng khi tăng thì rất nóng, khi vỡ thì các nhà đầu tư tìm cách lách luật bán tháo cổ phiếu, và sau đó thì đà chơi chứng khoán càng mạnh hơn.
TS Trương Minh Huy Vũ: Quan điểm của nhóm nghiên cứu chúng tôi là các cải cách của Trung Quốc hiện nay đang trong quá trình đi tìm một trạng thái thông thường mới. Khái niệm trạng thái thông thường mới do chính Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra. Lúc đầu chỉ nói về vấn đề kinh tế, tức là còn phải thay đổi về mô hình tăng trưởng; cần chủ động giảm tăng trưởng nóng, cũng như giảm những mô hình kinh tế xuất khẩu, kinh tế dựa trên mô hình đầu tư sang một mô hình tăng trưởng khác bền vững hơn, bao hàm các nhóm khác nhau trong xã hội hơn.
Trong quá trình nghiên cứu chúng tôi nhận thấy việc chuyển đổi mô hình kinh tế tăng trưởng hiện giờ đang tập trung nhiều vào bộ phận kỹ thuật và vấn đề chính sách mà chưa có một lộ trình dài hơi về mặt thể chế.
Chúng tôi đưa ra khái niệm là năng lực thể chế của TQ hiện giờ không đi song hành với nỗ lực cải cách của chính phủ TQ hiện nay, thể hiện qua rất nhiều yếu tố.
Sự lệch pha giữa năng lực thể chế đó, chẳng hạn như khi ta nói về quốc tế hóa NDT, câu hỏi đầu tiên là để NDT thành đồng tiền quốc tế, tự do về tài khoản vốn Trung Quốc phải được diễn ra. Như ý kiến đến năm 2016 quốc tế hóa NDT, tôi thấy là lâu hơn.
Trung Quốc liên tiếp giảm tỷ giá tham chiếu Nhân dân tệ. (Ảnh: Bloomberg)
Hoàng Hường: Không chỉ ở chứng khoán, còn những vấn đề tăng trưởng nóng ở Trung Quốc thì sao?
TS Phạm Sỹ Thành: Thực ra tăng trưởng nóng của Trung Quốc đã xảy ra từ cách đây khoảng 10 năm rồi. Lần thứ nhất là đợt khủng hoảng tài chính tiền tệ năm 2008, Trung Quốc bơm ra 4000 tỷ, lúc đấy kinh tế Trung Quốc đã ngay lập tức tăng trưởng trên mức 2 con số, đó là giai đoạn nóng, hình thành dựa trên đầu tư kích thích kinh tế quy mô lớn, tuy nhiên là ngay sau đấy các tác động của hoạt động này là không còn dài.
Trên thực tế từ năm 2008 đến nay kinh tế Trung Quốc bắt đầu suy giảm tăng trưởng rõ nét, và suy giảm tăng trưởng đã định hình chứ không phải là một xu thế mờ nhạt nữa.
TS Trương Minh Huy Vũ: Những vấn đề như đầu tư ra ngoài hay sử dụng khái niệm, một đại dự án ‘Một vành đai, một con đường’ để xây dựng, kết nối Trung Á, Đông Nam Á và các khu vực khác nhau bằng những đại công trình lớn trên thế giới. Trong những đại dự án TQ đầu tư ra ngoài trong vòng 15 năm lại đây, có những công trình TQ có những công trình tạo ra nhiều vấn đề. Những vấn đề đó thường tạo ra hệ quả là thúc đẩy tham nhũng những ở nước đó; hoặc là không minh bạch, hoặc là mức độ lan tỏa của dự án đối với người dân địa phương đó rất thấp, thấp hơn nhiều so với các dự án khác.
Phá giá Nhân dân tệ chưa ảnh hưởng nhiều tới VN
Hoàng Hường: Việc phá giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc sẽ tác động thế nào đến thị trường khu vực và Việt Nam?
TS Phạm Sỹ Thành: Với biên độ phá giá tương đối nhỏ và sau đó các hoạt động nó mua lại, mua vào của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc khiến cho tỷ giá nhân dân tệ đã tăng trở lại nhất định, thì tác động của việc TQ phá giá lên các thị trường xung quanh thì không nhiều, không mạnh như là phản ứng ban đầu của các thị trường này.
Một phần là khi đồng nhân dân tệ (NDT) phá giá thì tất cả các quốc gia có mặt ở TQ cũng được lợi. Khi TQ xuất khẩu hàng hóa thì các nước bán nguyên vật liệu hoặc các linh phụ kiện cho TQ sẽ được lợi từ quá trình xuất khẩu đấy.
Ngoài ra, khi TQ phá đồng nhân dân tệ, các quốc gia -chẳng hạn như VN - cũng được lợi nhất định khi hạ được giá thành nhập khẩu, nhưng điều này phải xem xét rất cụ thể đến cơ cấu thương mại của từng quốc gia.
Hoàng Hường: Cụ thể thị trường VN, hay những người làm ăn như TQ cần chuẩn bị tâm thế nào?
TS Phạm Sỹ Thành: Trong dài hạn, tác động của việc đồng NDT hạ giá sẽ phụ thuộc vào việc hoạt động thương mại thanh toán bằng đồng tiền nào? Bằng dollar thì việc NDT mất giá so với USD và tiền Việt Nam cũng phá giá so với dollar thì có thể có tác động. Thực tế, ảnh hưởng đến hoạt động thanh toán của doanh nghiệp không nhiều, là một tác động gián tiếp, giống như biến động tỷ giá thị trường tự do tạo ra một áp lực điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước.
Tuy nhiên, tôi cho rằng thời điểm hiện tại, Ngân hàng Nhà nước có đủ công cụ và thực lực để giải quyết bài toán tỷ giá. Vừa rồi tỷ giá tăng lên 3% là dữ liệu lớn với hướng giải quyết bài toán tỷ giá.
(Còn nữa)
Hoàng Hường (thực hiện)
Theo Vietnamnet